๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑

๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ (http://tuthienbao.com/forum/index.php)
-   Văn Học Lớp 6 (http://tuthienbao.com/forum/forumdisplay.php?f=528)
-   -   Kể lại một việc tốt mà em (hoặc bạn) đã làm. (http://tuthienbao.com/forum/showthread.php?t=109981)

adminbao 17-09-2012 07:23 PM

Kể lại một việc tốt mà em (hoặc bạn) đã làm.
 
Đề bài: Kể lại một việc tốt mà em (hoặc bạn) đã làm.
Bài 0
I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu cụ thể việc tốt:

- Tuần trước, trong đợt thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy, em đã làm một việc tốt: nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất.

2. Thân bài:

* Diễn biến của sự việc:

- Buổi trưa, đi học về, em nhặt được một túi nhỏ bằng da màu đen.

- Em cố ý chờ người đánh rơi quay lại nhưng gần đến nhà rồi mà vẫn không thấy ai tìm kiếm.

- Em đem đến nộp cho công an phường.

- Nhà trường biết tin đã tuyên dương em trong lễ chào cờ đầu tuần.

- Chủ nhân của chiếc túi xách tìm đến tận nhà cảm ơn em.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Em rất vui vì đã làm được một việc nhỏ nhưng có ích. Cha mẹ, thầy cô đều khen em là một đội viên ngoan.

II. BÀI LÀM

Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt: nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất.

Trưa thứ năm, trên đường đi học về, qua quãng đường vắng, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đen nằm ngay giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chậm chậm, vừa đưa mắt ngó chừng xem ai là chủ nhân của nó.

Một lúc sau, vẫn không thấy người tìm kiếm. Em đoán người đánh rơi đã đi xa hoặc không biết rằng mình đã đánh rơi. Nếu biết, chắc giờ này người ấy đang loay hoay tìm kiếm. Ai nhỉ? Một bác cán bộ hay một chú công nhân, một anh bộ đội? Trong chiếc túi này đựng những gì? Tài liệu, giấy tờ hay tiền bạc? Bao câu hỏi hiện lên trong óc. Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Không ai chú ý tới em. Em nghĩ là trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua quần áo mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Tiếng thầy Hiệu trưỏng trong buổi lễ phát động thi đua như văng vẳng đâu đây: Các em hãy ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi...

Không! Không nên tham của người khác! Phải trả lại thôi!

Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng biết ai là người đánh rơi mà trả? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.

Giữa trưa, trụ sở công an phường vắng vẻ, chỉ có một chú trực ban. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:

- Có chuyện chi đó cháu?

- Dạ thưa chú... cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!

Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:

- Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản.

Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai trăm ngàn tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em viết tên và địa chỉ xuống phía dưới.

Sáng thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động. Buổi tối, gia đình em tiếp một người khách lạ. Đó chính là chủ nhân của chiếc túi. Bác cám ơn em mãi và tặng em một trăm ngàn để mua sách vở và đồ chơi nhưng em kiên quyết từ chối.

Ba mẹ em rất mừng vì em biết làm điều tốt. Lời khen chân thành của mọi người đối với em là phần thưởng quý giá nhất. Nhớ lại chuyện ấy, giờ đây em vẫn thấy vui.




Bài viết 1
Hôm đó, tan học tôi và Linh còn rủ nhau ở lại làm nốt mấy bài toán khó vì sợ
về nhà không có người trao đổi sẽ không làm được. Bởi vậy ra khỏi trường đã gần
12 giờ trưa, vừa đói vừa mệt, tôi chỉ muốn mau chóng về đến nhà để được ngồi vào
mâm đánh chén một bữa no nê, ngủ một giấc chiều còn đi học tiếp.
Buổi trưa, trời nắng, nóng nên đường vắng tanh, tôi mải miết đi về phía nhà
mình. Bỗng từ xa, tôi thấy một em bé đứng ở giữa đường khóc và gọi mẹ. Lúc đó
quên cả mệt và đói tôi lại gần và hỏi:
- Làm sao mà em lại khóc? Sao em lại đứng ở giữa trời nắng như vậy?
Đứa bé càng khóc to hơn, trong tiếng khóc nó nói:
- Em đi chơi nên bị lạc mất đường về. Em sợ lắm. Em muốn về với mẹ cơ.
Tôi thấy thương nó quá nhưng biết nó là con nhà ai mà đưa về bây giờ. Tôi hỏi:
- Thế mẹ em tên gì? Nhà em ở đâu để chị đưa về?
Nghe tôi nói vậy thằng bé mừng lắm nhưng vẫn còn mếu máo:
- Chị nói thật đấy nhé! Mẹ em tên là Lan, nhà em ở mãi đằng kia kìa...
- Thế em không nhớ nhà em ở xóm gì à?
- Em không nhớ đâu.
Nói xong cậu bé lại oà khóc và gọi: Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Tôi lại phải dỗ dành:
- Em nín đi, đừng khóc nữa chị sẽ đưa em về với mẹ. Chị em mình vừa đi vừa
hỏi vậy.
Tôi dẫn em bé đi về phía em vừa chỉ, trong lòng lo lắng bởi biết nhà em ở đâu
mà tìm.
Hai chị em tôi đi lòng vòng mất gần một tiếng thì thấy một người phụ nữ tất tả
đi về phía tôi, dáng như tìm kiếm một ai đó, tôi hỏi em:
- Kia có phải mẹ em không?
Đúng lúc đó cô đã nhận ra con trai mình đang ở trước mặt, cô mừng rỡ chạy lại
ôm đứa bé vào lòng. Thằng bé vui sướng reo lên:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Nhìn hai mẹ con cô vui mừng tìm thấy nhau, tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh
phúc. Cô quay sang bảo tôi:
- May quá, cháu đã đưa em về cho cô, cô cám ơn cháu. Cháu hãy vào nhà cô
chơi đã!
- Dạ, cháu xin phép cô cháu phải về để chiều còn đi học.
Tạm biệt mẹ con cô tôi vội vã về nhà, đến bây giờ tôi mới thấy bụng đói thế
nhưng tôi lại cảm thấy vui vì đã làm được một việc có ý nghĩa.
Về đến nhà, mẹ tôi chạy ra đón và hỏi:
- Sao con về muộn thế? Mẹ lo quá.
Tôi kể cho mẹ nghe câu chuyện xảy ra vừa rồi, mẹ ôm tôi vào lòng và nói:
- Con gái của mẹ ngoan quá. Con đã biết giúp đỡ người khác lúc gặp khó
khăn là điều rất tốt con ạ. Chắc con đã đói lắm, hãy vào ăn cơm đi!
Các bạn có biết không, chưa bao giờ tôi lại ăn một bữa cơm ngon như hôm ấy.

Bài 2:
Trời chạng vạng tối. Thủy nhấn pê-đan, đạp xe nhanh qua đường Láng dày đặc bóng cây đang in đậm dần trên mặt đường. Mỗi buổi chiều đạp xe về qua đoạn đường này, cô luôn có cảm giác lo âu, hồi hộp.


Những chiếc bóng đi lại vật vờ, lẩn lút của người nghiện, những kẻ lang thang và những cô gái “ăn sương” luôn lẩn khuất sau gốc cây to. Đã có lần Thủy bị một tên nghiện nắm chặt ghi đông xe đòi xin tiền. Còn những tiếng trêu ghẹo đuổi theo thì vẫn thường xảy ra.


Trong tiếng gió ù ù bên tai, Thủy bỗng thấy lọt vào một âm thanh rất khẽ: “Chị ơi, cho mẹ con em đi nhờ với!”. Không kịp suy nghĩ, Thủy phanh két xe dừng lại. Cô ngơ ngác ngó quanh. Cách chỗ Thủy dừng xe không xa, một bóng người đội nón, tay ôm tay xách hớt hải chạy về phía Thủy.


- Chị cần gì? Thủy lạnh lùng hỏi.


- Chị cho em đi nhờ xe một đoạn được không? Em không thể đi được nữa...


Thủy nhìn kĩ, thấy người đàn bà ấy đang bế một đứa trẻ, tay xách chiếc túi cước đã sờn rách, đoán chừng đó là hai mẹ con người hành khất. Cô nghĩ, chắc họ đi lang thang cả ngày đã quá mệt, mình cho đi nhờ một chút cũng được.


Đợi họ yên vị trên gác-ba-ga, cô mới gò lưng đạp tiếp. Hai mẹ con không nặng hơn bốn chục ký. Nhưng chiếc xe đạp cũ cũng phải cót két lăn từng vòng bánh. Hồi lâu, thấy mình không nói gì cũng vô duyên, Thủy hỏi:


- Chị về đâu?


- Dạ... chị cho em về chỗ nào có nhà trọ.


Thủy ngạc nhiên. Người phụ nữ này không có chỗ ở cố định, nhưng cũng không phải là người lấy vỉa hè, gầm cầu làm nơi tá túc. Gặng hỏi tiếp, cô được biết đây không phải là mẹ con người hành khất.


Quê chị ở tận Quảng Xương, Thanh Hóa. Chị có người chồng và ba đứa con thơ, đứa lớn nhất mới lên bảy, đứa nhỏ nhất mới một tuổi rưỡi, chị đang bế trên tay. Chồng chị làm công nhân của một công ty hút bùn Cầu đường. Hàng tháng, anh vẫn gửi tiền về giúp đỡ vợ con.


Nhưng đã 6 tháng nay, anh không gửi tiền, cũng chẳng có tin tức gì cả. Ở quê nhà, chị lo điên người, tìm đủ mọi cách nhắn tin lên mà không thấy hồi âm. Chị lo anh gặp chuyện gì xấu, nên thường hay mơ thấy những điềm chẳng lành.


Cách đây ba ngày, chị đã gửi hai đứa lớn cho ông bà nội chúng, rồi bế đứa nhỏ tìm lên Hà Nội. Toàn bộ số tiền chị mang theo là 41.000đ. Tiền vé ô tô hết ba chục ngàn. Còn 11 ngàn chị mua cháo cho con, trả tiền nhà trọ ở khu Cống Mọc. Bản thân chị chỉ gặm bánh mì khô. Từ hai ngày nay, chị đi dọc đường Láng, gõ cửa từng nhà hỏi thăm xem có ai biết chồng chị ở đâu không...


Qua hết đoạn đường tối, đến chỗ có đèn cao áp đã bật sáng, Thủy dừng xe trước một quán cóc ven đường, nghỉ chân. Cô muốn quan sát kĩ người đàn bà này để kiểm tra xem câu chuyện chị ta kể là thật hay bịa.


Cầm cốc nước mát lên uống, chị ta cứ cảm ơn Thủy mãi. Đứa bé cũng níu lấy tay mẹ đòi uống nước. Thủy thấy thật thương cảm. Tháo chiếc khăn che mặt, người phụ nữ trông còn rất trẻ, chỉ độ 27-28 tuổi. Làn da trắng xanh lấm tấm tàn nhang. Đặc biệt, đôi mắt rất to, sâu thẳm và rất buồn.


Thủy vẫn nhớ ai đó đã nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Cô tin người có đôi mắt đẹp như vậy không phải là người hay dối trá. Mà cô có gì để lừa kia chứ, ngoài chiếc xe đạp cũ?


Đến lúc này Thủy mới nói với người đàn bà kia:


- Đưa chị về nhà trọ cũ cũng được. Nhưng em biết chị có về đấy cũng không có tiền trả. Vả lại công ty của anh ở cách đây rất xa, chị lại không biết chính xác địa chỉ. Dù chị có ở đây cả tháng cũng không thể tìm thấy. Nếu bây giờ chị cứ tiếp tục lang thang ở thành phố sẽ nguy hiểm cho chị. Còn đứa bé này sẽ bị đói, hoặc bị ốm. Theo em, chị nên về quê, tìm hỏi người quen của anh, rồi có dịp thuận tiện lại đi tìm. Ý chị thế nào?


Hai dòng nước mắt từ từ lăn trên gò má xanh xao. Chị nói chị chỉ lo đã có chuyện xảy ra với anh. Đắn đo một hồi, Thủy đề nghị sẽ đưa chị ta ra bến xe Giáp Bát để chị ta bắt xe về quê. Chị ngập ngừng nói, chị không có tiền về. Lục túi trên túi dưới, Thủy cũng chỉ còn có 25.000đ, tiền công cho một ngày lao động của cô.


Trên đường ra bến xe, Thủy tạt vào nhà người bạn cũng là sinh viên, vay thêm được 20.000đ. Cô nói dối bạn là xe bị hỏng, đang sửa thì thiếu tiền. 7h tối, Thủy chở người phụ nữ ra đến bến xe khách phía Nam. Chỉ còn chuyến cuối cùng chạy qua Thanh Hóa đang chuẩn bị rời bến.


Lái xe hét 50.000đ nếu về đến Quảng Xương. Thủy nằn nì, mặc cả, xuống còn 40.000đ. Cô đưa tất cả số tiền mình có cho người đàn bà nọ. Chị ta rưng rưng nước mắt, cứ nắm chặt tay Thủy: “Hôm nay không gặp em thì không biết rồi sẽ ra sao. Chị đội ơn em...”.


Chiếc xe từ từ lăn bánh. Thủy còn đứng lặng nhìn theo. Tới lúc này, cô vẫn còn chưa biết tên người đàn bà ấy.


các bài khác

http://tuthienbao.com/van/Tuthienbao.com-1154.jpg
http://tuthienbao.com/van/Tuthienbao.com-1155.jpg
http://tuthienbao.com/van/Tuthienbao.com-1156.jpg
http://tuthienbao.com/van/Tuthienbao.com-1157.jpg





Múi giờ GMT. Hiện tại là 01:04 AM.

Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.