๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑

๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ (http://tuthienbao.com/forum/index.php)
-   Văn Học Lớp 11 (http://tuthienbao.com/forum/forumdisplay.php?f=519)
-   -   Vũ Như Tô - Một chặng đường trường (http://tuthienbao.com/forum/showthread.php?t=111234)

adminbao 28-09-2012 03:26 PM

Vũ Như Tô - Một chặng đường trường
 
Cách đây vừa tròn sáu mươi năm, đúng vào dịp kỷ niệm Tết Độc lập lần thứ hai (tháng 9/1946), vở kịch "Vũ Như Tô" của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản. Với tất cả sự khiêm tốn của mình, tác giả đã không kìm được mình ghi trong nhật ký: "Vũ Như Tô đã xuất bản. Khá bằng lòng. Kịch vĩ đại”.
Nhưng đồng thời ông cũng chua thêm một lời bình, như ông vẫn thường có cách nhìn khắt khe về các tác phẩm của mình: “Chỉ tiếc rằng nó cổ”...
Cái mà Nguyễn Huy Tưởng gọi là “khá bằng lòng” ấy, cũng có thể dùng để nói về một vở kịch khác của ông ra trong cùng năm. Đó là kịch Bắc Sơn mà đến nay cũng vừa tròn sáu mươi năm tuổi. Xin được dừng lại đôi chút để nói thêm về tác phẩm này. Với hai đêm diễn đầu tiên vào đầu tháng 4/1946 trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng đã thu được thành công vang dội. Các báo đương thời nhất trí đánh giá: “Bắc Sơn xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước tới nay”, “Bắc Sơn là một vở kịch cách mạng mà không có tính cách tuyên truyền”, “Bắc Sơn mở ra một nền kịch mới”... Dễ hiểu là thành công này của Nguyễn Huy Tưởng - mà cũng là thành quả chung của nền văn nghệ mới - cần được nhanh chóng phát huy. Như một hiệu ứng lan truyền, khắp nơi người ta diễn kịch dựng kịch Bắc Sơn, từ Văn Giang đến Nam Định, từ Vinh đến Hội An... Đặc biệt, tháng 7/1946, nghĩa là chỉ ba tháng sau ngày công diễn, Bắc Sơn được Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản. Đó là một ấn phẩm có thể nói là đáng mơ ước với bất cứ tác giả nào: ngoài phần kịch bản của tác giả, ấn phẩm còn kèm theo lời nói đầu của Nguyễn Đình Thi, phụ bản màu của Trần Đình Thọ, bản nhạc Bắc Sơn của Văn Cao (được dùng làm nhạc nền cho vở diễn), ấn phẩm cũng trích đăng hơn chục trang các bài báo phê bình kịch Bắc Sơn mà âm hưởng chung là khẳng định giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Tất cả được in trên một thứ giấy trơn nhẵn, bìa dày, khổ sách cao toát lên vẻ sang trọng, trang nhã. Ngoài các bản thường, còn có một số bản được đánh số kèm theo chữ ký tác giả...
Trở lại với kịch Vũ Như Tô, cũng là một ấn phẩm khá đẹp, ít nhất là so với lúc bấy giờ. Cuốn sách được in trên giấy lụa, bìa dày, khổ rộng ngang trông khá là bề thế. Ngoài các bản thường, còn có thêm một số bản in bằng giấy vêlanh mịn màu kem, cũng được đánh số kèm chữ ký tác giả. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý hơn cả ở ấn phẩm này, theo chúng tôi lại là một chi tiết không thuộc về hình thức, mà là ở cách đề tên tác giả ở ngoài bìa. Song song với ba chữ Nguyễn Huy Tưởng, là một hàng chữ kèm theo: Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam.
Chúng ta nên hiểu về điều này như thế nào?
Khác với Bắc Sơn, Vũ Như Tô không phải do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản. Vở kịch lịch sử này của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản trong Tủ sách kịch Hoa Lư, một tủ sách chuyên xuất bản các tác phẩm kịch của các tác giả thuộc mọi khuynh hướng. Ta có thể thấy được điều này qua mấy tên sách sắp ra trong cùng tủ sách, được quảng cáo ở bìa 4 cuốn kịch Vũ Như Tô: đó là các vở Thái Nguyên của Hoàng Việt Sinh, Lam Sơn họp mặt, kịch thơ của Nguyễn Xuân Trâm, Nước lụt, kịch của nhà văn Trung Quốc Điền Hán, do Thế Lữ dịch. Bên trong, ở trang cuối sách khép lại vở kịch có đề hàng chữ: “Tác giả giữ bản quyền”. Nghĩa là, tác giả có toàn quyền quyết định để tên mình như thế nào theo ý muốn, và việc ghi danh mình song song với Hội Văn hóa cứu quốc rõ ràng là ý nguyện của Nguyễn Huy Tưởng.
Vậy tại sao Nguyễn Huy Tưởng lại quyết định như thế?
Phải chăng ông làm thế vì lợi ích cá nhân mình? Phải chăng ông muốn mượn danh nghĩa Hội Văn hóa cứu quốc, cơ quan của đoàn thể để khẳng định vị thế chính trị của mình? Hay phải chăng ông muốn mượn tiếng Hội hòng làm tăng uy tín cho tác phẩm của mình? Theo chúng tôi cả ba giả định trên đều không phải. Những ai từng biết Nguyễn Huy Tưởng đều rõ một điều rằng, ông là người rất coi trọng tư cách nhà văn của mình, một người như ông chắc chắn không bao giờ mượn bất cứ danh nghĩa gì, ngoài văn học, để khẳng định chân giá trị của mình. Vả lại, ở vào thời điểm lúc bấy giờ, danh nghĩa Hội Văn hóa cứu quốc chưa hẳn đã là hay, là thuyết phục đối với một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ có xu hướng chỉ coi trọng các sáng tác tự do. Thậm chí “dòng” văn chương của đoàn thể còn bị coi là một thứ văn chương mặt trận. Nhật ký của ông có đoạn tự nói về kịch Bắc Sơn như sau: “Có tiếng, nhưng có vẻ như là nhờ mặt trận” (17/7/1946). Còn đây là lời của nhà báo Phạm Ngọc Khuê mà ông ghi lại với đầy chua chát: “Phạm Ngọc Khuê nói một thằng bị giam muốn cho nó chết chỉ [việc] cho đọc báo mặt trận” (24/5/1946).
Vậy thì Nguyễn Huy Tưởng để tên mình đi liền với Hội Văn hóa cứu quốc để làm gì?
Câu trả lời duy nhất chỉ có thể là: Với Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô và Văn hóa cứu quốc là một, theo kiểu không có cái này thì cũng không có cái kia. Hay nói cụ thể hơn, quá trình ông viết Vũ Như Tô cũng chính là quá trình ông tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, chịu ảnh hưởng trực tiếp của cách mạng khi viết đi viết lại tác phẩm này.
Đây cũng chính là điều chúng tôi muốn được bàn thêm nhằm góp phần lý giải và cắt nghĩa những thành công mà vở kịch đạt được thông qua cả một chặng đường trường mà tác giả của nó trải qua khi đến với văn chương và cách mạng.
1. Trước Sống mãi với Thủ đô, Vũ Như Tô là tác phẩm dày công nhất của Nguyễn Huy Tưởng
Cho tới nay, nhiều bài viết về Nguyễn Huy Tưởng nói chung và kịch Vũ Như Tô nói riêng vẫn ghi niên đại ra đời của tác phẩm này là năm 1941. Điều này thực ra đã tồn tại ngay khi tác giả còn sống. Thậm chí trong danh mục tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng in kèm trang bìa nhiều cuốn sách của ông lúc sinh thời, cũng đã đề như vậy. Nhưng, như nhật ký của ông cho thấy, mãi đến tháng 5/1942, Nguyễn Huy Tưởng mới quyết định viết Vũ Như Tô, do một lần làm bài thơ về Lê Lợi không thành. Khó có thể Nguyễn Huy Tưởng nhớ sai năm viết tác phẩm đầy tâm huyết này của mình. Theo hình dung của chúng tôi, có thể nhầm lẫn này bắt nguồn từ một lỗi in sai ở một trong những thư mục tác phẩm hoặc niên biểu ban đầu về ông rồi cứ thế được “tái bản”, và đến lượt mình Nguyễn Huy Tưởng cũng không muốn đính chính lại làm gì, do thói quen không muốn quan trọng hóa những gì thuộc về cá nhân mình. Tuy nhiên, ngay cả khi đề đúng năm 1942 thì vấn đề thời gian ra đời của tác phẩm Vũ Như Tô cũng chưa phải đã được giải quyết một cách khoa học và thỏa đáng.
Lần lại dòng thời gian mà may thay, gần như được xuyên suốt trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, chưa đầy hai mươi ngày sau khi ông nói là “nhất định viết kịch Vũ Như Tô”, vở kịch được hoàn thành. Ngày 8/6/1942, ông ghi trong nhật ký: “Chép xong Vũ Như Tô. Có một cái buồn thấm thía. Sao ta lại đặt chuyện này?...” Cũng ngày hôm đó, ông viết lời đề tựa nổi tiếng với câu hỏi được trở đi trở lại: “Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?”
Hai câu hỏi - một ở nhật ký và một ở lời đề tựa - tuy có khác nhau về lời lẽ nhưng đều thể hiện sự băn khoăn của Nguyễn Huy Tưởng về tác phẩm của mình. Đây là một sự băn khoăn rất đáng quý vì nó sẽ khiến tác giả tiếp tục nghiền ngẫm về vở kịch.
Chép lại xong tập bản thảo, ông đưa cho một số bạn đọc góp ý kiến. Lê Vĩnh Tuy, một người hoạt động xuất bản ở Hải Phòng (sau này là Phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng) đã cho ông những nhận xét đầu tiên: “Cuốn Vũ Như Tô, tôi có cảm tưởng như nó khá thì phải” (nhật ký ngày 12/6/1942). Việc công bố xem ra cũng khá thuận lợi. Tháng 4/1943, Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu vở kịch với tạp chí Tri Tân, thì chỉ nửa năm sau, Vũ Như Tô của ông bắt đầu được đăng tải. Ngay khi vở kịch còn chưa đi đến kỳ báo cuối cùng thì đầu năm 1944, Nhà xuất bản Anh Hoa của Thái Bá Cơ đề nghị ông cho in sách, và như nhật ký của ông cho thấy, vở kịch đã được cấp phép của kiểm duyệt. Nhưng chính lúc này, sự nghiền ngẫm của ông về vở kịch cũng chín muồi và trở thành một thôi thúc ám ảnh: hoàn thiện tác phẩm. Nguyễn Huy Tưởng được đặt trước hai lựa chọn: tận dụng thời cơ cho in ngay để tác phẩm của mình sớm ra đời, hay sửa lại đã và như thế có thể ông sẽ bị mất đi cơ hội hiếm có. Nguyễn Huy Tưởng đã chọn cái thứ hai - vì nghệ thuật. Đây cũng là lúc Nguyễn Huy Tưởng tìm đến với cách mạng và trực tiếp tham gia các hoạt động trong nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Những nhận thức mới về cách mạng và dân tộc, sứ mạng và trách nhiệm của nhà văn đối với nền văn hóa nước nhà mà ông tiếp thu được của đoàn thể, càng thôi thúc ông sửa chữa tác phẩm. Những băn khoăn về vở kịch lúc này được đem ra trao đổi với nhiều bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều người đồng thời cũng là đồng chí của ông. Có thể nhắc đến ở đây những người đã góp ý cho vở kịch, được Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký: “Đặng Văn Phan nói nếu sửa chữa vài chỗ thì vở kịch có thể rất “vĩ đại” (nhật ký ngày 15/3/1944); “Như Phong khen Vũ Như Tô, nhưng bảo nên cho Vũ ít envolée nữa” (ý nói cho nhân vật Vũ Như Tô bay bổng hơn nữa; nhật ký ngày 24/4/1944). Đặc biệt một người bạn là Nguyễn Trọng Hoàn đã cho ông những ý kiến rất quan trọng: “Phải thêm các nhân vật vào cho linh động: có xô xát, có chiến đấu. Phải tả rõ những tư tưởng tuy không rõ rệt, nhưng đã phôi thai trong óc quần chúng: vì đã có thợ ở trong trường hoạt động”... Từ những ý kiến khen chê đó, đặc biệt là gợi ý đầy “tính Đảng” của Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Huy Tưởng đã tiếp thu, sàng lọc và dành toàn bộ hai tháng cuối năm 1944 cho việc trước thuật. Vở kịch được phát triển lớn dần, hay mượn lời một nhân vật của chính vở kịch, “công việc thì cứ nở ra”. Nếu như ban đầu, tác giả đặt mục tiêu là sửa lại, thì sau đó, ông quyết định: “Làm lại. Hiện đã thấy vở kịch, tuy chưa thành hình, nhưng đã nhung nhúc những nhân vật và rắc rối” (nhật ký ngày 23/11/1944). Chính trong lúc lao tâm khổ tứ với tác phẩm này, ông đã gặp phải nhiều mối lo. Đầu tiên là việc mật thám bắt mấy đồng chí trong nhóm Văn hóa cứu quốc: Nguyễn Hữu Đang, Như Phong, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài. Tiếp đến, như ông ghi lại trong nhật ký ngày 14/12/1944: “Mật thám đến hỏi mình về thẻ gia đình. Lo nghĩ. Mà mình đang viết lại Cửu trùng đài”... Nhưng rồi, vở kịch cũng đã xong. Ngày 20/12/1944, Nguyễn Huy Tưởng rốt cục đã có thể thở phào nhẹ nhõm: “Sửa xong Cửu trùng đài... một công đẽo gọt”.
Vậy phải chăng cuộc hành trình của ông với Vũ Như Tô đến đây kết thúc? Có lẽ cho đến lúc này, ngay bản thân Nguyễn Huy Tưởng cũng không nghi ngờ điều đó. Chép lại xong bản thảo, ông giao cho nhà Anh Hoa và được hẹn đến tháng sáu năm sau (1945) sẽ in. Nhưng rồi Nhật đảo chính Pháp và tiếp đến là những ngày tiền khởi nghĩa... Đủ những rối ren khiến cho vở kịch của ông không thể được in. May thay, cái giá phải trả cho sự lựa chọn “vì nghệ thuật” chỉ là nhất thời. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra triển vọng mới cho những tác phẩm tiến bộ, trong đó có Vũ Như Tô. Ngày 18/6/1946, vở kịch được cấp giấy phép kiểm duyệt (hồi mới giành được chính quyền vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt). Nhưng trước khi đưa in, ông còn sửa lại một lần nữa, tuy vẫn chưa thực sự hài lòng: “Sửa xong Vũ Như Tô. Cốt hay mà sửa vội vàng” (nhật ký ngày 31/5/1946)(1). Và kết quả là hơn ba tháng sau, vở kịch được in ra, có dạng như hiện nay.(2)
Như vậy, tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tô đã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại. Nếu tính cả thời gian thai nghén đề tài và quá trình tác giả tiếp tục nghiền ngẫm không nguôi sau khi sách đã được in ra thì khó có thể nói ông đã dành thời gian và tâm huyết đến thế nào cho vở kịch. Về phương diện này, hoàn toàn có thể sánh Vũ Như Tô với Sống mãi với Thủ đô, tác phẩm được coi là dụng công nhất của Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn Tô Hoài đã dùng hình tượng rất hay khi ví Sống mãi với Thủ đô như là một Cửu trùng đài mà Nguyễn Huy Tưởng quyết dựng nên cho mình. Nhưng, như trên đã trình bày, bản thân Vũ Như Tô cũng khác nào một tượng đài như thế đối với Nguyễn Huy Tưởng. Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng đây quả là một sự trùng hợp thú vị: hai tác phẩm ở hai đầu mút của sự sáng tạo, được coi là hai đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông, đồng thời cũng là hai tác phẩm dụng công nhất, được huy động tới mức cao nhất tài năng và tâm huyết của tác giả. Điều này lại một lần nữa minh chứng cho một chân lý, có thể không phải là mới mẻ nhưng chắc chắn không bao giờ mất đi ý nghĩa, đó là: ngay cả trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thành công trước hết là nhờ ở sự khổ công lao động!
***
Nguồn: Tạp chí Văn học số 3
Chú thích:
(1) Có lẽ nên hiểu chữ “vội vàng” này của tác giả bằng chữ “gấp gáp” thì sẽ khách quan hơn. Chúng ta biết rằng vào lúc ấy, Nguyễn Huy Tưởng và các đồng chí của ông đang bận trăm công nghìn việc. Nào việc Hội Văn hóa cứu quốc, nào việc báo Tiên phong. Riêng Nguyễn Huy Tưởng còn giữ trọng trách Tổng thư ký ủy ban trung ương vận động Đời sống mới. Ông cũng lại vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Bắc Ninh, một trách nhiệm to lớn mà ông phải lo gánh vác trước nhân dân tỉnh nhà. Về mặt sáng tác là điều quan thiết với ông hơn cả, vở kịch Bắc Sơn vừa được công diễn cũng đang đòi hỏi tác giả gia công thêm trước khi in thành sách... Tóm lại thời gian ông dành cho việc sửa Vũ Như Tô có thể là tối thiểu so với mong muốn của ông, nhưng đã là tối đa so với quỹ thời gian mà ông có được.
(2) Thực ra, ngay cả ở lần in này, vở kịch vẫn chưa có một thành phần rất quan trọng là lời Đề tựa ông viết từ năm 1942. Ông chỉ có thể dán lời Đề tựa đã được đánh máy cẩn thận vào một bản in đẹp mà ông cho đóng bìa cứng và sửa chữa thêm đôi chỗ để lưu lại. Sau này, khi làm tuyển tập kịch của ông vào năm 1963, bà quả phụ Nguyễn Huy Tưởng đưa cuốn sách đó cho nhà xuất bản để dùng làm văn bản chính thức.


‘Vũ Như Tô’ - một chặng đường trường (phần cuối)
Nguyễn Huy Thắng
Sẽ thật bổ ích và lý thú khi biết được quá trình sáng tác và sửa chữa tác phẩm của nhà văn. Gác sang một bên sự tò mò chính đáng của độc giả, những thông tin đó còn giúp cho việc nghiên cứu tác giả và tác phẩm thấu đáo hơn rất nhiều. Điều này lại càng đúng với trường hợp Vũ Như Tô, một tác phẩm mà càng với thời gian càng gây được mối quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình.
2. Giữa hai Vũ Như Tô là một sự thay đổi về chất
Sẽ thật bổ ích và lý thú khi biết được quá trình sáng tác và sửa chữa tác phẩm của nhà văn. Gác sang một bên sự tò mò chính đáng của độc giả, những thông tin đó còn giúp cho việc nghiên cứu tác giả và tác phẩm thấu đáo hơn rất nhiều. Điều này lại càng đúng với trường hợp Vũ Như Tô, một tác phẩm mà càng với thời gian càng gây được mối quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình. Giờ ta hãy thử xem sự lao tâm khổ tứ của tác giả đã giúp cho tác phẩm của ông vươn tới những gì.
Chúng ta đều biết Vũ Như Tô là câu chuyện về việc xây dựng Cửu trùng đài. Thoạt đầu, nhà kiến trúc tài ba quyết không chịu đem tài năng phục vụ cho hôn quân bạo chúa. Nhưng rồi nghe theo cung nữ Đan Thiềm, ông đã chấp thuận mượn tay vua Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão sáng tạo của mình. Công việc thổ mộc vĩ đại chưa từng có khiến cho ngân khố hao hụt, dân chúng lầm than. Kết cục, chính những người thợ xây dựng Cửu trùng đài đã nổi dậy giết Vũ Như Tô, thiêu hủy tòa lâu đài mới xây được non nửa.
Vũ Như Tô ngay ở lần in đầu tiên trên Tri Tân(3), tuy chỉ gói gọn trong ba hồi kịch nhưng đã có được trọn vẹn hình hài này. Vở kịch cũng đã đưa ra được một chân dung với những kích cỡ quá khổ của nhân vật Vũ Như Tô: một bậc kiến trúc sư có “tài trời”, người mang một ước nguyện lớn lao: “xây một lâu đài nguy nga tráng lệ, cùng với vũ trụ trường tồn”, một vị chỉ huy xây dựng quyết đoán như ông tướng cầm quân: “”kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu”, và “quyết đánh tan hết những kẻ thoái chí”, một tổng công trình sư sống chết với công trình của mình: khi quân khởi loạn nổi lên tìm bắt chàng, Vũ Như Tô khảng khái nói: “Tôi sống với Cửu trùng đài, và chết cũng với Cửu trùng đài. Tôi không thể xa Cửu trùng đài một bước. Hồn tôi để cả đây, thì tôi chạy đi đâu?”...
Về nhân cách, Vũ Như Tô được khắc họa như một nghệ sĩ đích thực, trước sau nhất quán với chính mình: “Biết đa mang là khổ nhục nhưng không sao bỏ được. Như bóng theo hình”; là một người thợ “có hoa tay tuyệt thế” nhưng chàng luôn tâm niệm “phần hồn mới là phần chính”; là một kẻ sĩ “không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời”, chàng chịu mượn tay vua Hồng Thuận xây dựng Cửu trùng đài cũng chỉ cốt “dựng một kỳ công muôn thuở”, và chính vì thế mà chàng luôn ý thức rằng mình vô tội: “Ta có tội gì? Không ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài chí ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ”(4)...
Về mặt kịch tính, bản Tri Tân cũng đã có được các cao trào, hay nói như giáo sư Đỗ Đức Hiểu trong bài Bi kịch Vũ Như Tô(5), “những cảnh lớn” của kịch bản. Đó là ba lần cặp tài tử giai nhân Vũ Như Tô - Đan Thiềm xuất hiện trên sân khấu ở đầu Hồi thứ nhất, cuối Hồi thứ hai và xuyên suốt Hồi thứ ba (ở bản Hoa Lư, lần lượt là các hồi thứ nhất, thứ ba và thứ năm): “Mỗi lần Đan Thiềm cùng Vũ Như Tô xuất hiện trên sân khấu, đánh dấu một biến động lớn của hành động kịch. Có thể gọi những cảnh ấy là Những Cảnh Lớn của kịch bản”. Tương ứng với những cảnh lớn ấy là “Cửu trùng đài sắp mọc lên, Cửu trùng đài đang vươn lên trời cao và Cửu trùng đài sụp đổ, và cũng có nghĩa mối tình tri kỷ nảy sinh, gắn bó thiết tha và chìm vào cõi chết.” (6)
Về cái gọi là “bệnh Đan Thiềm”, một định danh giờ đây thường được các nhà nghiên cứu nói đến nhiều nhất khi tiếp cận vở kịch, thì với ba hồi của bản Tri Tân cũng đã được phát lộ khá rõ. Bệnh Đan Thiềm, như nhà phê bình văn học Phạm Vĩnh Cư đã chỉ ra trong bài Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô(7), là “bệnh khát khao và quý giá chỉ một cái đẹp siêu đẳng”(8). Mang căn bệnh này là hai kẻ đồng bệnh Vũ Như Tô - Đan Thiềm (dẫu rằng vinh dự mang tên chỉ thuộc riêng nàng cung nữ). Chúng ta hãy cùng nghe những lời có cánh của họ: “Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây... Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời” (lời Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô, Hồi thứ nhất, Cảnh VII); “đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một ly nào... Huống chi xây Cửu trùng đài, vì Hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều” (lời Vũ Như Tô nói với Lê Tương Dực, Hồi thứ nhất, Cảnh IX); “Đối với Đan Thiềm, ta chỉ có tình tri kỷ... Vì có bà mà đường kiến trúc của ta nẩy ra những ngón dị kỳ” (độc thoại của Vũ Như Tô, Hồi thứ hai, cảnh VIII); “Sự nghiệp thì mênh mang, sức người có hạn... Tiên sinh nên thận trọng, kẻo có mệnh hệ nào thì lấy ai xây tiếp Cửu trùng đài?” (Đan Thiềm, với Vũ Như Tô, Hồi thứ hai, Cảnh VIII)... Thế rồi, khi dân chúng nổi lên đốt phá Cửu trùng đài, thì đó cũng đồng thời là kết cục của hai tâm hồn cao cả chỉ biết có cái đẹp: “Đài lớn tan tành! xin cùng tiên sinh vĩnh biệt” (lời Đan Thiềm trối lại cùng Vũ Như Tô lúc nàng bị đem đi hành quyết, Hồi thứ ba, Cảnh VII); “Đời ta không quý bằng Cửu trùng đài” và “Thôi thế là hết. Dẫn ta mau đến pháp trường” (những lời cuối cùng của Vũ Như Tô trước khi “Màn hạ nhanh” khép lại vở kịch)...
Những đoạn trên đều được trích dẫn từ bản Tri Tân, và, không nghi ngờ gì nữa, tình yêu nghệ thuật thuần khiết của hai tâm hồn cao đẹp đó chính là lý do khiến tác giả hạ bút viết trong lời Đề tựa, được soạn ngay sau khi chép xong bản thảo: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Lời tâm sự đó dễ làm người đọc tưởng như Nguyễn Huy Tưởng đã yên bề với tác phẩm của mình? Thế nhưng, cùng ngày hôm đó ông ghi trong nhật ký một nhận xét không thể xem nhẹ về vở kịch: “Hoàn toàn bịa đặt, nhưng một biểu hiện rất hay” (nhật ký ngày 8/6/1942). Ở đây xin đặc biệt lưu ý về chữ dùng này của Nguyễn Huy Tưởng. Ông viết “bịa đặt”, chứ không phải là “hư cấu” hay “tưởng tượng”. Chúng ta biết rằng, trong văn học nhà văn có quyền hư cấu, tưởng tượng - thậm chí điều này còn là cần thiết nữa - để cho tác phẩm của mình thêm bay bổng, miễn sao sự việc diễn ra như thật và nhân vật như bằng xương bằng thịt. Nhưng bịa đặt thì lại là chuyện khác mất rồi. Bịa đặt là một cái gì đó thuộc về ý chí chủ quan của tác giả, nhằm thuyết phục độc giả tin vào cái mà tác giả muốn người ta tin theo. Hẳn Nguyễn Huy Tưởng không bao giờ muốn tác phẩm của mình chỉ là một thứ thuyết giáo đại loại!
Như một người cha không thôi đau đáu về đứa con tinh thần của mình, Nguyễn Huy Tưởng nhận ra rằng, tác phẩm của ông còn chưa đủ thấu đáo, rằng, khi chỉ ra căn bệnh Đan Thiềm, đấy là ông mới để cho cặp nhân vật của ông nói thay những tư tưởng của mình. Vở kịch của ông còn chưa có được sự phát triển tự thân, nội tại, nói cách khác, còn chưa đủ chất liệu nghệ thuật để chứa tải những tư tưởng đó. Thế rồi, như ở trên đã có nói, Nguyễn Huy Tưởng đến với cách mạng. Cùng với những nhận thức ngày một chín muồi về văn chương nghệ thuật, ông cũng có dịp trao đổi với bạn bè, đồng chí về vở kịch, và nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Hội tụ tất cả những yếu tố ấy, người nghệ sĩ mẫn cảm, nhà văn cần mẫn Nguyễn Huy Tưởng đã quyết định viết lại hoàn toàn vở kịch.
Nhật ký ngày 5/2/1933, của ông - khi ấy Nguyễn Huy Tưởng mới 21 tuổi đầu - có câu: “Khi người ta biết chữa văn của mình bấy giờ người ta mới dám chắc ở cái tài của mình”. Câu nói ấy, giờ đây, phải chăng đã có thể diễn đạt khác đi như thế này: “Khi người ta đã chắc ở cái tài của mình, người ta mới có thể chữa văn của mình”. Cẩn trọng mà say sưa, tự tin và cầu thị, nhiệt thành nhưng tỉnh táo, đó là điều ta có thể hình dung về Nguyễn Huy Tưởng những ngày viết lại tác phẩm này, khi ông đã ở vào tuổi “tam thập nhi lập”, để tạo nên một Vũ Như Tô thay đổi về chất. Trước hết về quy mô, bản Hoa Lư là một vở kịch năm hồi bề thế so với bản Tri Tân chỉ có ba hồi với khoảng phân nửa số trang. Thứ hai là về nhân vật, nếu như bản Tri Tân chỉ có hai nhân vật thợ có tên (Phạm Ất và Nguyễn Ba) thì bản Hoa Lư có đến năm nhân vật (Hai Quát và bốn ông “phó”); nếu như bản Tri Tân có nhân vật Hoàng hậu (mà ở bản Hoa Lư được bỏ đi), thì đến lượt mình, bản Hoa Lư có thêm các nhân vật quan Đông các đại học sĩ Nguyễn Vũ, Thái tử Chiêm Thành và Thị Nhiên, vợ Vũ Như Tô.
Chỉ với hai sự so sánh kể trên đã phần nào thấy được sự khác biệt về căn bản giữa hai văn bản Vũ Như Tô. Nhưng với một tác phẩm văn học, không phải quy mô hay dung lượng mà trữ lượng tư tưởng và nghệ thuật mới là cái đáng kể. Với một vở kịch thì những yếu tố này phải làm sao được thể hiện qua những lớp lang của vở, với những cao trào và khoảng lặng, với những nhân vật thay đổi vào ra, nói năng, hành động... trên sân khấu. Có thể hình dung mà không sợ sai rằng, khi nhìn lại kịch bản của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã nhận thấy ba hồi kịch diễn ra có phần nóng vội, gấp gáp, giống như ba đợt sóng liên tiếp mà ở đỉnh sóng luôn luôn là cặp tài tử giai nhân Vũ Như Tô - Đan Thiềm. Riêng từng đợt sóng ấy có thể là hùng, là đẹp đấy, nhưng khi lắp vào với nhau thì rõ ràng là đơn điệu và chưa thể hợp thành một chỉnh thể hài hòa. Thế là, giữa các hồi thứ nhất và thứ hai, thứ hai và thứ ba ông thêm vào hai hồi nữa mang số chẵn, có âm hưởng dân dã hơn với tuyến nhân vật nhộn nhạo hơn. Vở kịch giờ đây được kết cấu như một tác phẩm giao hưởng cổ điển, gồm các chương nhanh chậm đan xen, hòa quyện, với nhiều hợp âm thú vị gây mỹ cảm.(9)
Bên cạnh chức năng thẩm mỹ, hai hồi kịch mới này còn cho phép tác giả có thêm “đất” để đưa vào hàng loạt nhân vật với các tầm mức quan trọng khác nhau, đặc biệt trong đó phải kể đến nhân vật Thái tử Chiêm Thành và Thị Nhiên, phải, nhân vật Thị Nhiên vợ Vũ Như Tô mà theo Phạm Vĩnh Cư, chỉ riêng cái tên không thôi đã là một sáng tạo đáng phục của Nguyễn Huy Tưởng. Nếu như ở các hồi lẻ I, III, V, nổi lên những hợp âm thống thiết, như tung như hứng của cặp bè đôi Vũ Như Tô - Đan Thiềm, thì ở các hồi chẵn II, IV này, những âm điệu “đồng sàng dị mộng” không mấy ăn nhập của cặp vợ chồng Vũ Như Tô - Thị Nhiên đem đến cho vở kịch một sự đối âm trong thế cân bằng uyển chuyển(10). Trong đó, màn đối thoại của cặp vợ chồng này ở Hồi thứ tư, khi Vũ Như Tô say sưa nói về công trình của mình mà không để ý gì đến những lời ca thán của vợ chàng về nỗi khổ của dân chúng do phải phục dịch Cửu trùng đài, còn được Phạm Vĩnh Cư coi là một trong những màn hay nhất của vở kịch.
Cũng vẫn nhân vật Thị Nhiên, cùng với nhân vật Thái tử Chiêm thành đã đem đến cho vở kịch một phẩm chất mà tác phẩm văn học lớn nào cũng có tham vọng đạt tới. Đó là tính đa nghĩa, đa chiều. Nếu như trước đây, người ta thường chỉ tìm thấy ở Vũ Như Tô những vấn đề “dễ thấy” như mối quan hệ giữa nghệ sĩ với cường quyền, nghệ sĩ với nhân dân, thì bước vào thời kỳ đổi mới, nhà phê bình văn học Văn Tâm trong một bài viết có cái tiêu đề khá lạ lẫm, Vũ Như Tô trong cuộc đời bát nháo(11), đã phát hiện ra một vấn đề lớn khác mà vở kịch đặt ra, đó là mối quan hệ giữa quyền lợi dân tộc và quyền lợi nhân dân. Theo Văn Tâm, dân tộc và nhân dân là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, mà ở một trường hợp cụ thể như vụ việc xây dựng Cửu trùng đài, tuy là chuyện có thật trong lịch sử nhưng khi được tái hiện thông qua hư cấu hóa trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng, thì quyền lợi dân tộc và quyền lợi nhân dân thực sự đã không đồng hành, thậm chí còn là ngược chiều. Nhân vật Thị Nhiên, người chỉ cần “quạt thóc, băm bèo, cũng đủ hú hí mẹ con”(12) vô hình chung đã mang tính biểu tượng cho thực thể nhân dân, trong thế đối kháng với thực thể đối sánh với nó là nhà cầm quyền, được biểu hiện bởi vua Lê Tương Dực, kẻ hễ cứ mở miệng ra là đòi chém giết. Cung nữ Đan Thiềm, người luôn khát khao “dân ta nghìn thu được hãnh diện”, chính là biểu tượng cho thực thể dân tộc trong thế đối kháng với thực thể đối sánh là dân tộc khác mà Thái tử Chiêm Thành là biểu tượng; nhân vật này, như trong vở kịch đã chỉ ra, vừa là nạn nhân - bị Lê Tương Dực bắt làm con tin, vừa là mối hiểm họa cho nước Đại Việt khi tìm cách tiếp tay cho vua Lê xây Cửu trùng đài, khiến cho dân cùng nước kiệt.
Mặt khác, khi thêm vào các nhân vật nói trên, hình tượng Đan Thiềm không những không bị nhạt đi, mà căn bệnh của nàng càng trở nên phức tạp, “có vấn đề” hơn. Trên kia chúng tôi đã trích dẫn một định nghĩa của Phạm Vĩnh Cư về căn bệnh Đan Thiềm: đó là “bệnh khát khao và quý giá chỉ một cái đẹp siêu đẳng”. Thực ra đó là chúng tôi mới trích dẫn có nửa vế. Trong bài viết thấu đáo của mình, sau lời định nghĩa nói trên, nhà nghiên cứu còn đặc biệt lưu ý: “Cái đó (bệnh khát khao và quý giá chỉ một cái đẹp siêu đẳng) có thể châm chước cho nàng, nhưng nếu họ Vũ chỉ say đắm Đan Thiềm và quên hẳn Thị Nhiên, thiên tài của chàng sẽ cạn kiệt.”(13)
Tất nhiên, nếu xét thêm về mặt sân khấu học, còn có thể bàn thêm về nhiều điều khác nữa như hành động kịch, đất diễn của nhân vật... mà hai hồi bổ sung này đã đem lại cho vở kịch. Ít nhất thì chúng cũng giúp cho cả hai nhân vật chính Vũ Như Tô và Đan Thiềm có thêm đất diễn trong thế tương quan chặt chẽ với các nhân vật được mở rộng ngoài phạm vi cung đình. Tuy nhiên, đây lại thuộc về một lĩnh vực khác mà chúng tôi xin phép không bàn tới ở đây.

3. Dấu ấn của hai lần sửa chữa trước và sau Cách mạng
Sẽ là thú vị nếu biết Nguyễn Huy Tưởng đã đạt được những gì qua mỗi lần sửa chữa tác phẩm (xin được nhắc lại, lần thứ nhất là vào cuối năm 1944, lần thứ hai là giữa năm 1946). Đây quả là điều rất khó vì bản thảo của cả hai lần sửa chữa đó đã không còn. Tuy nhiên, dựa vào nhật ký và bản thân tác phẩm của ông, chúng ta có thể hình dung được phần nào.
Khỏi cần phải nói, những thay đổi cơ bản nhất đã được thực hiện ngay trong lần sửa thứ nhất. Nhật ký của ông còn ghi lại: “Thảo xong plan (đề cương) Cửu trùng đài.” 10/12/1944); “Bắt đầu viết lại Cửu trùng đài. Hồi thứ hai (thêm). Văn chạy, hai hôm viết được 12 trang.” 11/12/1944); “Sửa xong Cửu trùng đài. Dài lắm... Nhưng không đến nỗi chết như vở cũ. Linh động hơn nhiều, và có lý hơn nhiều.” 20/12/1944)... Nghĩa là, về quy mô cũng như về kịch tính, vở kịch đã được thay đổi về chất. Còn về nhân vật? Xin lại được dẫn ra đoạn nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng mà chúng tôi đã có nêu ở phần đầu: “Hoàn đã cho ý kiến về việc viết lại Vũ Như Tô. Phải thêm các nhân vật vào cho linh động: có xô xát, có chiến đấu. Phải tả rõ những tư tưởng tuy không rõ rệt, nhưng đã phôi thai trong óc quần chúng: vì đã có thợ ở trong trường hoạt động. Cái vô ý thức cần phải tả cho thực khéo, đừng cho họ nói những lý thuyết của mình.” 21/11/1944).
Rất tiếc là đến nay chúng tôi vẫn chưa xác định được người bạn (hay người đồng chí) này của Nguyễn Huy Tưởng là ai, ngoài việc ông là một “người có chí khí”, “gầy, và cao, nhưng rắn rỏi”, tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Hoàn. Nhưng rõ ràng, đây là người đã chia sẻ với Nguyễn Huy Tưởng những ý tưởng hết sức quan trọng về việc sửa lại Vũ Như Tô, đặc biệt là về phương diện các nhân vật thợ và thế giới quan của nhà văn đối với họ. Thực tế là sau đó, tác giả đã đưa vào vở kịch của mình năm nhân vật thợ mới: Hai Quát, Phó Bảo, Phó Cõi, Phó Toét, Phó Độ. Năm người lúc đầu cùng hăm hở giúp Vũ Như Tô xây đài, nhưng khi công việc gặp khó khăn (phải nói là khó khăn ghê gớm), động chạm thiết thân đến mỗi người, thì giữa họ đã xảy ra xung đột gay gắt: Hai Quát, Phó Bảo chống lại việc tiếp tục xây đài, trong khi Phó Cõi, Phó Độ vẫn còn nặng lòng với Vũ Như Tô (đặc biệt là Phó Cõi, một người thợ không bao giờ “nhị tâm”), còn lại Phó Toét vô thưởng vô phạt. “Tương quan lực lượng” không hẳn là “năm mươi năm mươi” những thế cũng là khá cân bằng. Có thể, trong mong muốn của tác giả, với tất cả thiện cảm (và cả kỳ vọng nữa) của ông đối với giới thợ thuyền, Nguyễn Huy Tưởng vẫn đặt niềm tin vào sự tỉnh táo của họ, sự ứng xử thỏa đáng của họ đối với Cửu trùng đài, công trình mà không chỉ Vũ Như Tô mà bản thân tác giả cũng thiết tha đến thế! Nhưng khi sự biến xảy ra, tiếc thay, “thợ xây Cửu trùng đài quá nửa theo về quân phản nghịch”, và những người hôm trước còn chung tay xây dựng, thì nay chính những bàn tay ấy đã thiêu Cửu trùng đài ra tro. Phải chăng đây là một thực tế như lịch sử đã diễn ra, phải chăng đây là do sự phát triển nội tại của tác phẩm mà tác giả dù có muốn cũng không làm khác được, hay đây chính là cái gọi là “tính dự báo của nhà văn” - tác giả đã tiên liệu và cảnh báo trước chúng ta nhiều thập kỷ về mối nguy cơ của việc ứng xử tùy tiện đối với văn hóa, do những bức xúc nhất thời của một số đông “nông nổi”!...
Với các hồi kịch được thêm vào, với những nhân vật được bổ sung, với những ý tưởng được triển khai vừa nhất quán vừa đa nghĩa đa chiều như trên chúng tôi đã cố gắng phân tích, vở kịch lúc này hẳn là đã định hình về cơ bản. Như trong nhật ký của tác giả cho biết, ít ngày sau đó ông giao bản thảo cho nhà Anh Hoa với tâm trạng khá là háo hức. Lần sửa tiếp theo trước khi đưa Hoa Lư in có lẽ là không nhiều, vì vở kịch đã có cơ sở là “cốt hay” rồi, vấn đề chỉ còn là sửa về văn phong, câu chữ. Nhưng, như người ta vẫn nói, “văn học là nghệ thuật của ngôn từ”. Sự trau chuốt ở lần sửa thứ hai này chắc chắn đã có phần đóng góp không nhỏ, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng văn học của vở kịch để Vũ Như Tô xứng đáng là một kiệt tác của Nguyễn Huy Tưởng...
Theo hồi ức của nhiều bạn bè, đồng nghiệp với Nguyễn Huy Tưởng cũng như theo các ghi chép cá nhân của ông, tác giả Vũ Như Tô sau này còn muốn sửa lại nữa tác phẩm của mình. Không biết ông định sửa ra sao và kết quả của việc sửa chữa đó, nếu có, sẽ như thế nào. Bệnh ác đã cướp ông đi giữa lúc nhà văn còn đang ôm ấp nhiều dự đồ văn nghệ, trong đó có việc sửa chữa Vũ Như Tô. Dẫu sao thì vở kịch của ông cũng đã mặc nhiên tồn tại như-thế-ấy trong tâm trí của nhiều thế hệ bạn đọc sáu thập kỷ qua. Âu đây cũng là số phận lịch sử của tác phẩm. Có thể đã có lúc Nguyễn Huy Tưởng nghĩ rằng nó cổ. Có thể đã có lúc ông còn tự trách cứ mình sửa tác phẩm vội vàng. Nhưng như một nghịch lý, càng với thời gian, tác phẩm của ông càng được nhận chân với những vẻ đẹp mới và càng dễ được tiếp nhận. Có thể lý giải điều này như thế nào đây. Có phải là do gần đây, do tác động của phim ảnh, nhất là phim Trung Quốc, độc giả đã quen hơn với những từ ngữ kiểu như “bệ hạ” và “hạ thần”, “ái khanh” và “tiện thiếp”? Có phải do trình độ bạn đọc nước ta ngày một cao lên? Hay là do hàng loạt những bài nghiên cứu gần đây về Vũ Như Tô, trong số đó có những bài có thể nói là rất chất lượng, đã góp phần giải mã vở kịch (và cả khẳng định nữa), giúp cho sự tiếp thụ của bạn đọc? Theo chúng tôi, tất cả những yếu tố đó đều có ở những mức độ trọng yếu khác nhau. Nhưng trên hết, thành công của trước tác Nguyễn Huy Tưởng thuộc về chính những nỗ lực cá nhân của ông. Nói một cách cụ thể hơn, Vũ Như Tô - đó là khát vọng vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ không bao giờ là cũ, của nhà văn, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng.
Phần 1

***
Chú thích:
(3) Sau đây, để cho bạn đọc tiện theo dõi, văn bản Vũ Như Tô đăng trên Tri Tân sẽ được gọi là “bản Tri Tân”, còn văn bản do Hoa Lư xuất bản sẽ được gọi là “bản Hoa Lư”.
(4) Những trích đoạn trên đây được lấy theo bản Tri Tân, tuy có ít nhiều khác biệt về câu chữ với bản Hoa Lư, nhưng về đại thể thì là một.
(5) In trong Đổi mới đọc và bình văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999.
(6) Đỗ Đức Hiểu, sđd.
(7) In trong Sáng tạo và giao lưu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2004.
(8) Về “bệnh Đan Thiềm”, bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết cùng tên của Phạm Xuân Nguyên, in trong Nguyễn Huy Tưởng - một sự nghiệp chưa kết thúc, Viện Văn học xuất bản, 1992.
(9) Tất nhiên, khi bổ sung thêm hai hồi mới, tác giả cũng đã có những điều chỉnh cần thiết cho các hồi kịch ban đầu để tất cả hợp thành một thể thống nhất, hô ứng lẫn nhau. Tuy nhiên, để việc phân tích được tập trung, sau đây chúng tôi sẽ chủ yếu nói về hai hồi kịch mới này nhằm nêu bật những tiến bộ mà vở kịch đạt được sau khi được viết lại.
(10) Mượn lời của Phạm Vĩnh Cư, sđd.
(11) In trong Nguyễn Huy Tưởng - một sự nghiệp chưa kết thúc, sđd.
(12) Những trích dẫn của vở kịch từ nay trở đi đều lấy theo bản Hoa Lư


Múi giờ GMT. Hiện tại là 02:28 PM.

Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.