๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑

๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ (http://tuthienbao.com/forum/index.php)
-   Văn Học Lớp 11 (http://tuthienbao.com/forum/forumdisplay.php?f=519)
-   -   Khuynh hướng Phan Bội Châu (http://tuthienbao.com/forum/showthread.php?t=111027)

adminbao 26-09-2012 07:27 PM

Khuynh hướng Phan Bội Châu
 
TÁC GIẢ PHAN BỘI CHÂU

I. Cuộc đời Phan Bội Châu:
- Phan Bội Châu trước đó tên là Phan Văn San, sau vì trùng tên với Vua Duy Tân (Vĩnh San) mới đổi thành Phan Bội Châu (Bội : đeo; Châu : Ngọc Châu). Phan Bội Châu có biệt hiệu là Sào Nam (lấy từ câu Việt Ðiểu Sào “Nam Chi"), tỏ ý luôn thiết tha với quê hương đất nước. Ông còn có một tên hiệu khác là Thị Hán, ngụ ý là hảo hán, một đấng nam nhi lỗi lạc ở đời. Khi viết bài "Pháp Việt đề huề chính kiến thủ" ông lại ký tên là Ðộc Tỉnh Tử.
- Ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1867, tại Huyện Nam Ðàn, Tỉnh Nghệ An. Thân sinh của ông là ông Phan Văn Phổ, một bậc thâm nho, thông hiểu kinh truyện nhưng không đỗ đạt gì cả, suốt đời đeo đuổi nghề dạy học. Mẹ của ông là Bà Nguyễn Thị Nhàn, cũng xuất thân từ một gia đình thuộc dòng dõi nho học. Bà là một người phúc hậu, thường hay giúp đỡ những người nghèo khổ.
- Phan Bội Châu đã theo học chữ nho, ông đậu giải Nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý (1900). Khác với các nho sĩ thời phong kiến, Phan Bội Châu không xem việc thi cử đỗ đạt là một phương tiện để tiến thân mà ông chỉ coi đó là một cơ hội thuận lợi cho hoạt động chính trị. Cho nên sau khi thi đậu, Phan Bội Châu đã thoát ly gia đình, lao hẳn vào con đường hoạt động cách mạng. Ông là người đã gây dựng phong trào cách mạng theo xu hướng dân chủ tư sản ở đầu thế kỉ XX. Và ông cũng là người có ý thức dùng văn chương để phục vụ cho hoạt động chính trị.
- Ðầu năm 1904, Phan Bội Châu cùng với Cường Ðể và hơn 20 đồng chí nữa họp tại nhà riêng của ông Nguyễn Hàm, bí mật lập ra một tổ chức yêu nước, theo kiểu hội kín, sau này gọi là Duy Tân hội. Cường Ðể được cử làm Hội chủ. Ðầu năm 1905, theo kế hoạch của Duy Tân hội, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật. Ông nhận trách nhiệm tổ chức phong trào Ðông Du. Ðây là giai đoạn đắc ý nhất của ông. Thời gian này ông cũng sáng tác được nhiều tác phẩm gửi về nước. Lời văn thống thiết, khích lệ của tác giả đã thức tỉnh được lòng yêu nước của nhiều người dân lúc bấy giờ. Nhiều người dân đã tích cực ủng hộ phong trào Ðông Du bằng nhiều hình thức khác nhau. Do dã tâm của đế quốc Nhật và âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, tháng 3 năm 1909 tổ chức Ðông Du bị giải tán, ông bị trục xuất khỏi nước Nhật, phải chạy trốn sang Trung Quốc, rồi Thái Lan.
- Về sau ông đã đứng ra thành lập "Việt Nam quang phục hội". Ngày 24 tháng 12 năm 1913, ông bị bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam, đến năm 1917 mới được ra tù. Tổ chức yêu nước do Phan Bội Châu đứng ra lãnh đạo càng về sau càng gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Mặc dù lòng yêu nước rất sâu và nhiệt tình cứu nước rất cao nhưng Phan Bội Châu không làm cách gì để thay đổi được tình thế. Ông đã cải tổ "Việt Nam quang phục hội", thành lập "Việt Nam quốc dân Ðảng" nhưng chưa kịp thực hiện những mong ước lớn thì ông đã bị bắt vào năm 1925. Kẻ thù định thủ tiêu ông nhưng việc bị bại lộ. Chúng buộc phải tha ông do gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của dân ta. Chính quyền thực dân bắt ông phải về sống ở Huế. Từ năm 1926 về sau, Phan Bội Châu sống trong cảnh "cá chậu chim +++g", mật thám luôn rình rập, theo dõi ông. Kể từ đó xem như ông đã bị đoạn tuyệt hẳn với hoạt động chính trị. Thời gian này công việc duy nhất của ông là sáng tác. Nhiều tác phẩm được ra đời vào những năm cuối đời của Phan Bội Châu.
- Phan Bội Châu mất ngày 20 tháng 10 năm 1940.
II. Sự nghiệp cách mạng gắn liền với sự nghiệp văn chương:
1. Tinh thần yêu nước trong thơ văn Phan Bội Châu được thể hiện một cách cụ thể, gần gũi :
- Khi nói về đất nước các nhà nho xưa thường có những lúng túng do họ còn bị câu nệ bởi những quan niệm cũ, quan niệm "Xã tắc" siêu hình. Phan Bội Châu tuy còn chịu ảnh hưởng ít nhiều của quan niệm phong kiến nhưng ông đã biết phá bỏ những cái lạc hậu. Tình yêu quê hương đất nước ở ông được thể hiện bằng những tình cảm bình thường, gần gũi nhưng rất sâu sắc. Ðó là :
+ Tình cảm của con người trước cái đẹp của quê hương đất nước :
"Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha để lại cho ta lọ vàng
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở
Bốn ngàn năm dãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm"
(Ái quốc ca)
+ Lòng căm thù giặc : Xuất phát từ lòng yêu nước thiết tha, Phan Bội Châu đã ý thức được trách nhiệm đối với tổ quốc. Ông căm thù những kẻ giày xéo quê hương làng mạc. Ông đã chỉ ra cho mọi người thấy kẻ thù của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ là thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước và lòng căm thù của ông cũng hướng vào hai đối tượng này. Ghét Pháp, ông ghét tất cả những gì có liên quan đến chúng, kể cả những vật vô tri vô giác (lá cờ, ổ bánh mì, tờ lịch). Ông cương quyết không chấp nhận sự hiện diện của Pháp ở Việt Nam, ông đã mỉa mai, chỉ trích sự có mặt một cách vô lý của thực dân Pháp trên đất nước ta (Tu hú tranh tổ cà cưỡng). Ðối với bọn tay sai bán nước ông tỏ thái độ khinh miệt, xem thường. Dưới mắt ông, bọn quan lại là những kẻ vô dụng, hèn hạ, chỉ biết bảo vệ cá nhân mình, sẵn sàng khom lưng quì gối trước kẻ thù.
+ Vạch trần tội ác của kẻ thù : Dùng văn học làm vũ khí để vạch trần tội ác của thực dân Pháp, dòng văn học yêu nước chống Pháp đã xem đó là nhiệm vụ hàng đầu. Nhưng đến thơ văn Phan Bội Châu thì bộ mặt của tên thực dân cướp nước mới được nhận thức cụ thể. Ông đã nói đến chính sách thuế khóa nặng nề, ông chỉ rõ sự thâm độc của chính sách khai thác thuộc địa và ông cũng cho mọi người thấy được sự thật của vấn đề khai hoá. Ông báo trước cho mọi người thấy rồi đây nước ta sẽ nghèo, sẽ hèn, sẽ yếu, sẽ ngu, dân tộc ta đang đứng trước nguy cơ diệt chủng. Mặc dù lời lẽ phân tích của ông chưa sâu sắc nhưng qua tác phẩm người đọc cũng cảm thấy rùn mình, khiếp sợ trước kẻ thù nguy hiểm của dân tộc.
+ Tình yêu nước của Phan Bội Châu còn được thể hiện qua nỗi xót xa, sự thông cảm đối với người dân nghèo khổ. Ông vô cùng đau xót trước cảnh đói rét lầm than của người dân vô tội. Ông rất thông cảm cho kiếp đời nô lệ của những người dân mất nước phải sống cuộc đời lam lũ giành giật từng miếng cơm, manh áo. Hình ảnh những anh phu xe dưới trời mưa bão, gò lưng kéo chiếc xe nặng chở một tên thực dân béo mập, hay những đứa bé bán bánh vào đêm mưa đã lần lượt xuất hiện trong thơ ông (Phu xe than trời mưa, Ðêm mưa thương người bán bánh rao)
+ Phan Bội Châu không chỉ bộc lộ tấm lòng yêu nước, mà còn nêu lên một tinh thần sẵn sàng chống giặc cứu nước. Ngay cả thời kỳ bị giam lỏng ở Huế, sống trong hoàn cảnh nguy hiểm, luôn bị uy hiếp, đe dọa, thơ văn ông vẫn còn khí thế hừng hực như khi mới xuất dương :
"Ðúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ"
(Bài ca chúc tết thanh niên)
- Lòng yêu nước của Phan Bội Châu sâu sắc, giàu sức chiến đấu nhưng bước vào giai đoạn mới của cách mạng những lời kêu gọi của ông không đi vào quần chúng với sức mạnh bão táp như xưa. Thời đại đã tiến lên phía trước và nội dung thơ văn ông không theo kịp. Ông không giải đáp được những vấn đề mà quần chúng đã bắt đầu quan tâm, đòi hỏi.
2. Yêu nước gắn liền với vấn đề cách mạng :
- Mặt tiến bộ trong tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu chính là sự đổi mới trong quan niệm về yêu nước và đường lối cứu nước. Là một người từng xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng Phan Bội Châu đã có một thái độ rất dứt khoát đối với chế độ phong kiến. Với ông, yêu nước không nhất thiết phải yêu vua, đất nước này càng không phải là của vua. Vì thế chống giặc cứu nước là vì nòi giống, dân tộc Việt Nam chứ không vì một triều đại hay một dòng họ nào cả. Ông đã đưa ra chủ trương chống phong kiến triệt để. Khác với các nho sĩ yêu nước ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX, Phan Bội Châu đứng lên chống Pháp là để giành lại độc lập và tiến tới xây dựng xã hội mới, không cần có vua.
- Tiến bộ hơn một số nho sĩ cùng thời như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đã đặt ra nhiệm vụ giải phóng đất nước bằng con đường bạo động cách mạng. Ông từng nêu rõ "Thù dân tộc không lấy máu rửa không sạch". Thơ văn ông tràn trề tinh thần quyết chiến đấu, ngùn ngụt như lửa, ồ ạt như lũ : "Lắng xuống mà suy nghỉ rồi hăng hái vùng lên vung tay mà hô lớn : kẻ thù, kẻ thù, ta thề phải tiêu diệt hết rồi mới ăn cơm sáng".
- Theo quan niệm của Phan Bội Châu nhiệm vụ cứu nước là rất quan trọng và cấp bách trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề cải cách xã hội, tiến lên xây dựng một chế độ mới, chế độ dân chủ tư sản, theo gương Nhật Bản cũng là rất cần thiết, phải thực hiện ngay trong thời điểm bấy giờ. Với ông tất cả những việc làm trên là yêu nước, là đóng góp lớn cho xã hội, là cứu nguy cho giống nòi.
3. Chủ trương đoàn kết rộng rãi:
- Phan Bội Châu đã thấy được điều tai hại của việc mất đoàn kết, việc chia rẽ dân tộc. Ông cho rằng một trong những nguyên nhân giúp Pháp chiếm được đất nước ta và đặt được ách đô hộ lên đất nước ta một cách vững vàng là do nhân dân ta "Xung khắc bất hòa":
"Nỗi ngu dại nói không kể xiết
Lại ngờ nhau chẳng biết tim nhau
Coi nhau như thể quân thù
Thù mong nhau hại ghét cầu nhau hư
Bụng có hợp thì nhà mới hợp
Lòng đã tan thì nước cũng tan"
(Hải ngoại huyết thư)
- Từ đó ông đã đi đến khẳng định sức mạnh của đoàn kết. Và ông cũng đã đưa ra một chủ trương đoàn kết rộng rãi, không phân biệt giai cấp, đẳng cấp, tôn giáo, thể hiện một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của đoàn kết. Tuy nhiên, ông chưa thấy rõ lực lượng tiên tiến nhất của xã hội có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ cứu nước, chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò của người nông dân để nhìn về họ như một lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng.
4. Lý tưởng mới của Phan Bội Châu:
- Thơ văn Phan Bội Châu, trong chừng mực nhất định, đã nêu lên được một lý tưởng mới cho cuộc sống và đã sáng tạo được mẫu người lý tưởng cho thời đại.
- Lý tưởng đó là cứu nước. Ông cho rằng mục đích tốt đẹp nhất của đời người, lý tưởng tốt đẹp nhất của đời người là làm sao cứu được nước, vì cứu nước cũng tức là cứu mình. Lý tưởng ấy thật cao quý nhưng nó lại không chút gì cao xa cả, ai cũng có thể theo được.
- Ông đã nêu lên mẫu người lý tưởng trong xã hội, đó là người yêu nước, có lòng căm thù giặc, dám xả thân vì đất nước. Ví dụ : các nhân vật anh hùng trong tác phẩm "Trùng quang tâm sử".
III. Tác phẩm tiêu biểu:
1. Giai đoạn thứ nhất: (từ đầu thế kỉ XX đến khoảng năm 1920)
- Gắn liền với giai đoạn này Phan Bội Châu có một số tác phẩm tiêu biểu là Việt Nam vong quốc sử (1905), thư gửi Phan Châu Trinh (1907), Việt Nam quốc sử khảo (1909), ngục trung thư (1914).
* Tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo
- Việt Nam quốc sử khảo là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940). Tác phẩm này đã được Georges Boudarel, một tác giả người Pháp, đánh giá là: mặc dù có những thiếu sót không thể tránh khỏi, Việt Nam quốc sử khảo là tác phẩm đầu tiên đã thoát khỏi cách biên niên theo vương triều và lối uyên bác ôm đồm để phân tích những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội đã tạo nên sự hưng thịnh và suy vong của Việt Nam.
Giới thiệu tác phẩm:
- Việt Nam quốc sử khảo được Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán, chia thành 10 chương; khởi thảo ở khoảng năm 1906 và hoàn thành ngày mồng 5 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1909, ghi theo tác giả.) tại Nhật Bản. Ngay sau đó, tác phẩm được ra mắt lần đầu tại nơi đó, do nhà xuất bản Shoransha-Tokuo ấn hành, có kèm lời tựa của Hoàng Trọng Mậu, một đồng chí của tác giả. Hiện nay (1982), theo PGS. Chương Thâu, vẫn chưa tìm được bản in đầu tiên, mà chỉ tồn tại hai bản chép tay được sao lại từ bản gốc trên.

-Bản thứ nhất, nguyên là sách của Thư viện Khai Trí Tiến Đức, sau chuyển về Viện Bác cổ, và hiện nay ở Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội (Hà Nội) mang ký hiệu VHv.1332, gồm 174 trang.
-Bản thứ hai, hiện nằm trong tủ sách của một gia đình ở Huế, dày 166 trang, so với bản trên, không có gì khác biệt nhiều.

Trong những năm cuối đời (1926-1940), khi bị giam lỏng ở Bến Ngự (Huế); Phan Bội Châu đã đem tác phẩm này dịch ra tiếng Việt theo thể văn vầnsong thất lục bát, và đặt tên là Việt Nam quốc sử bình diễn ca. Năm 1929, ông có cho trích đăng trên báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng được một kỳ; nhưng sau đó, bị thực dân Pháp không cho đăng tiếp, nên toàn bộ tác phẩm này chưa được công bố.
Kết cấu:
- Trong một bài viết ngắn có tên Nước là gốc, in ở đầu sách Việt Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu viết:
...Tổ tông cha mẹ ta ở đâu ra, con cháu chúng ta nương tựa vào đâu; suy đi tính lại, chẳng phải là nước ta đó sao? Vậy, nước ta là tính mệnh của thân ta. Thân ta vì đâu mà có giá trị? Vì có nước. Nước mất thì giá trị ta thấp hèn. Thân ta vì đâu có quyền? Vì có nước. Nước mất thì quyền cũng không còn...
Xuất phát từ quan niệm ấy, trong Việt Nam quốc sử khảo, tác giả đã tìm hiểu và đã viết thành mười chương với những chủ đề chính như sau:
-Chương thứ nhất: Tổ quốc chúng ta.
-Chương thứ hai: Nhân chủng, nhân khẩu nước ta.
-Chương thứ ba: Địa lý, sản vật nước ta.
-Chương thứ tư: Những biến chuyển mà nước ta đã trải qua.
-Chương thứ năm: Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí nước ta.
-Chương thứ sáu: Những vị anh hùng thời trước chống ngoại xâm, mưu độc lập.
-Chương thứ bảy: Các võ nhân - văn sĩ nước ta.
-Chương thứ tám: Sự gian khổ trong việc nước ta kinh lý nơi biên giới.
-Chương thứ chín: Sự khuất phục về ngoại giao của nước ta qua các triều đại.
-Chương thứ mười: Đầu đuôi mối quan hệ giữa nước ta với người Châu Âu.
Trích tác phẩm:
Chương thứ tám
Chương này có 4 tiết, giới thiệu tiết thứ ba: Những kỷ niệm lớn về đất đai của nước ta đã kinh lý mà bị mất mát.
Lược trích:
-Hồ Hán Thương cắt 59 thôn ở Cổ Lâu cho nhà Minh.
-Mạc Đăng Dung cắt hai châu và bốn động (nay là hai châu Thanh và châu Khâm).
-Lê Cảnh Hưng năm 41, cắt đất sáu châu ở An Tây, Hưng Hóa (Quảng Lăng, Khiêm Châu, Hoàng Nham, Tuy Phủ, Hợp Phì, Lệ Tuyền) nhập vào đất Vân Nam (nhà Thanh).
-Bản triều Tự Đức năm 15 (1862), sai Phan Thanh Giản phụng sứ tới Sài Gòn cắt sáu tỉnh Nam Kỳ nhượng cho Đại Pháp.
-Năm Tự Đức 36 (1883), ký hòa ước hòa thân Pháp - Việt (tức Hiệp ước Hácmăng) mất hết Bắc Kỳ, chủ quyền cũng hết.
-Năm đầu Hàm Nghi, kinh thành Thuận Hóa thất thủ, đai đai và chủ quyền của ta cũng mất hết...
Nhìn lại trước sau gần một ngàn năm lịch sử, khai thác nên vũ trụ này, một tấc đất, một người dân đều là do tâm huyết tổ tiên ta mà có. Thế mà chưa đầy 50 năm, núi sông gấm vóc đó đã sạch sành sanh không còn một tấc đất...Tục ngữ có câu: "Củi của cha đốn, con không mang gánh được". Các tổ tiên có ngờ đâu rằng mấy trăm năm sau đã diễn ra cái cảnh thảm thương như thế này!
Chương thứ chín
- Chương này có 3 tiết.
+Tiết thứ nhất: Sự nhục nhã trong việc thần phục Bắc triều.
Sau khi kể ra những việc nộp cống cho Bắc triều, tác giả viết:
Nói chung cốt là muốn lấy nước ta, nhưng không có cớ gì cho nên nghĩ ra lắm kiểu hạch sách để lập mưu mượn cớ hỏi tội...Tất cả những nỗi nhục nhã như thế, ngoài việc như ba năm nạp cống một lần và chúc mừng vua mới, điếu vua cũ; hằng năm còn phải qua lại cống hiến...mà sử sách không thể chép hết. Đây chỉ tạm chép một vài mẫu để thấy rằng một nước không biết tự cường thì thà chết quách đi còn sướng hơn!
+ Tiết thứ hai: Thần phụ Bắc triều bị nhục về lời lẽ giấy tờ.
Trích:..
Ôi! Làm đế ở nước mình mà vương hiệu còn phải đợi người ngoài đặt cho mới được. Lời lẽ giấy tờ như vậy, không hỏi cũng biết nhục nhã…Nhật Bản chỉ có ba hòn đảo trơ vơ, đất không rộng hơn nước ta, thế mà đối với Tùy, Đường đều xưng là "Thiên tử của xứ mặt trời mọc". Tử Sản[3]nói "Nước không biết cạnh tranh thì (thế nào) cũng bị lăng nhục". Nước ta lại không có một ngày nào thoát khỏi ách nô lệ hay sao?. Từ nay về sau, tôi xin người nước ta phải biết tự trọng.
+ Tiết thứ ba: Thần phục Bắc triều mà không giúp được gì cho nước.
Trích:
Quanh năm châu, có nước nào thần phục người ta mà được người ta yêu thương không? - Không có. Có nước nào thấy nước khác thần phục mình mà rủ lòng thương yêu đến không? - Cũng không có. Hai ý đó lấy chứng cớ ở đâu? Xin lấy chứng cớ ở nước Việt Nam ta.
Sau khi dẫn chứng, tác giả có lời bình:
Rõ ràng ỷ lại vào người ngoài không bằng tự cường lấy ta. Bởi vì tự cường thì khí thế của mình mạnh, khí thế mạnh thì chuyển yếu thành mạnh…Nếu như nước ta, 50 năm về trước mà bỏ hẳn được cái tư tưởng "thờ nước lớn", biết bồi dưỡng cho cái cơ sở độc lập, biết phát triển cái căm uất thành sức mạnh, cùng với người khác tranh thắng, thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay.
Chương thứ mười
- Chương này có 5 tiết, giới thiệu tiiết thứ năm: Thời kỳ cuối của người Tây đắc chí ở nước ta.
Trích:
Năm Tự Đức thứ 36, cách một năm sau khi Hà thành thất thủ lần thứ hai, Hoàng Diệu tử tiết, Bắc Kỳ hoàn toàn mất. Quân Pháp lại tiến đánh kinh đô Thuận Hóa, ta lại ký thêm một điều ước hòa thân...Từ đó, chủ quyền ngoại giao, nội chính, đất đai, nhân dân đều do người Pháp nắm hết.
Nhìn chung lại, nước ta bị diệt vong, do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không thể kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn:
-Một là ngoại giao hẹp hòi.
-Hai là nội trị hủ bại.
-Ba là dân trí bế tắc.
-Bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
...(Suy ra) ngoại giao, nội trị, dân trí sở dĩ đồi bại như vậy là do trên dưới tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất. Vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước...Cái tự tư tự lợi nguy hại là nhường nào!!....
2. Giai đoạn thứ 3( từ khoảng năm 1930 đến 1945)
- Trong giai đoạn này Phan Bội Châu có các tác phẩm tiêu biểu là: Khổng học đăng (1935), Phan Bội Châu niên biểu (1937-1940).
* Tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu:
- Đây là tập hồi ức ghi lại toàn bộ cuộc đời của Phan Bội Châu, với tính xác thực và sự xúc cảm mãnh liệt nên đã in đậm dấu ấn cá tính và bút pháp của tác giả. Phần nội dung chủ yếu của tác phẩm trình bày lịch sử hoạt động của cụ Phan từ khi xuất dương cho đến trước khi bị bắt (1905-25): cuộc sống bôn ba nơi hải ngoại để thực hiện lý tưởng cứu nước; những bước đường hoạt động gian khổ, nào liên lạc với các giới chính trị Nhật Bản, Trung Hoa, như Khuyển Dưỡng Nghị, Tôn Dật Tiên (1866-1925), Lương Khải Siêu, nào vận động phong trào Đông du, tổ chức học sinh xuất dương, đặt trụ sở cho "du học sinh", bắt liên lạc với các tổ chức chính trị ở nước ngoài, viết sách báo để tuyên truyền tư tưởng yêu nước, chuẩn bị võ trang bạo động và lãnh đạo mọi hoạt động bài Pháp ở khắp nơi trong nước…Rồi những ngày thất bại ở Nhật phải chạy về nương náu ở Xiêm; những ngày náo nức vận động thành lập Việt Nam Quang phục hội sau thắng lợi của cách mạng Tân Hợi. Những tia hy vọng vừa loé lên lại tắt ngay vì sự phản bội của chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng; tiếp đó là những ngày ở trong nhà giam của Long Tế Quang (1876-1925); những cuộc chuẩn bị gặp Đại sứ Nga sau khi ra tù, và cái kết cục sa lưới mật thám Pháp ở Thượng Hải năm 1925.
- Tập hồi ký hơn 200 trang phản ánh đầy đủ những diễn biến tư tưởng của Phan Bội Châu trong quá trình chuyển biến từ con đường quân chủ lập hiến sang dân chủ tư sản và có lúc tưởng như đã cảm nhận được sự cần thiết phải tìm đến với "cách mạng xã hội". Nó cũng bộc lộ sâu sắc toàn bộ con người Phan Bội Châu tràn đầy nhiệt huyết, yêu nước chân thành, suốt đời phấn đấu hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, không bảo thủ, cố chấp mà rất giàu thiện chí, song còn thiếu một phương pháp cách mạng khoa học, nên đã phạm không ít sai lầm. Vì thế, có thể xem Phan Bội Châu niên biểu vừa là tác phẩm tự hoạ chân dung đồng thời cũng là tác phẩm "tự phê phán". Viết cuốn hồi ký này, nhà chí sĩ họ Phan muốn gửi gắm lại với quốc dân đồng bào những nỗi niềm tâm sự của mình, và rút ra những bài học cần thiết để cho người sau có thể "trông bánh xe đã đổ trước, thay đổi con đường thất bại, tìm kiếm con đường thành công".
IV. Kết Luận:
- Về mặt nội dung, sáng tác của Phan Bội Châu đã thể hiện được nhiều vấn đề mới, có đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hoá văn chương Việt Nam.
- Về nghệ thuật, Phan Bội Châu chỉ dừng lại ở mức độ cách tân nghệ thuật văn chương của nhà nho, những đổi mới đó chưa đáp ứng được yêu cầu mới của thời đại.


Múi giờ GMT. Hiện tại là 06:38 AM.

Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.