Xem bài viết đơn
  #1  
15-09-2012, 04:06 PM
adminbao adminbao is offline
Đầy Tớ Của Nhân Dân
Facebook: https://www.facebook.com/tuthienbaocom

Default Ông đồ: cảm thức về thời gian và nỗi niềm dâu bể




Năm xưa, cách đây hơn nửa thế kỷ, trong những dòng phê bình dành cho Vũ Đình Liên. Hoài Thanh đã gọi bài thơ Ông đồ là một kiệt tác. Ông cho rằng hai nguồn thi cảm chính của Vũ Đình Liên là: "Lòng thương người và tình hoaì cổ. Người thương những cảnh thân tàn ma dại và người nhớ những cảnh cũ người xưa. Có lần hai nguồn thư cảm ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: "Ông đồ" (Thi nhân Việt Nam, NXB Hoa Tiên).

Ý kiến của Hoài Thanh đã như một khuyên son điểm vào đời thơ Vũ Đình Liên. Và thời gian ngày càng chứng tỏ nhà phê bình của chúng ta rất tinh tường nhạy cảm.

Nhưng bởi vì sao hôm nay chúng ta laị vẫn loay hoay trở lại cái công việc mà Hoài Thanh đã làm, khẽ khàng lật một di vật xưa mà soi ngắm dò tìm? Tại sao "Ông đồ" của Vũ Đình Liên mà không là một bài thơ nào khác? Tôi tự hỏi và cảm giác thấy đây không hề là sự lựa chọn ngẫu nhiên. "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng"... Phải chăng, anh, chị, tôi, chúng ta đang đi tìm bóng dáng mình ở mảnh kính "Ông đồ"?

Hình dung bài thơ như một bộ phim tài liệu quay chậm. Bốn khổ thơ đầu là những cận cảnh: không gian không thay đổi mà chỉ có những biến thái nhỏ, thời gian xoay chuyển từng năm: khổ cuối, một nửa là cận cảnh:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa

Nhân vật chính đã biến mất, để cuối cùng phim dừng lại rất lâu ở một nền lồng lộng đầy mây trắng:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ

Vũ Đình Liên đã tiết kiệm lời thơ đến mức tối đa để sự vật tự lên tiếng - và đó là một đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh: vì thế những ấn tượng đập vào mắt người đọc rất nhanh, cộng với chiều sâu của hệ vấn đề, bài thơ đã để lại một ngân vang sâu thẳm. Thể ngũ ngôn không mới trong lịch sử thi ca Việt Nam, mà ngược lại. Trong giai đoạn văn học 1932-1945, nhiều nhà thơ đã dùng thể này và thật lạ, hầu hết đó là những bài thơ hay. Vũ Đình Liên không chuyên về ngũ ngôn, nhưng với "Ông đồ" ông đã chọn một thể loại tối ưu. Những câu thơ tả chân ngắn, khách quan vô tình, như những giọt mưa rơi đều đặn, gieo vào lòng ta một nỗi buồn âm thầm, thấm thía.

Vũ Đình Liên, khi tâm sự với Hoài Thanh về bài thơ "Ông đồ": "Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của môt thời tàn", ông đã cắt nghĩa tác phẩm của mình nghiêng về "cảm quan xã hội".

Ở khía cạnh này, "Ông đồ" cũng đã đánh động trong chúng ta nhiều tâm trạng: nỗi buồn hoài cổ, sự tiếc nuối quá khứ vàng son, lòng thương xót về số phận hẩm hiu của những nhà nho... và cũng đã gợi ra cho chúng ta nhiều vấn đề: bi kịch của sự gặp gỡ Đông Tây, sự suy vong và cáo chung của giai đoạn lịch sử, sự khép lại vĩnh viễn của một thời đại, sự biến mất của một lớp người...

Tự khắc hình ảnh của Tản Đà lại hiện về với những dòng thơ rao trên báo đầy xót xa:

Nguyễn Khắc Hiếu - Tản Đà!

Nay mai sắp ở Hà
Nay mai sắp ở Hà
Đàn ông và đàn bà
Nhiều ít tùy ở khách
Hậu bạc kể chi mà.

Lại liên tưởng đến dòng tiểu luận đầy cảm thán của Đinh Gia Trinh trên Thanh Nghị ngày nào: "Cách đây ít năm,ở nhiều xóm thôn quê có những kẻ gánh bồ đi mua sách Nho cũ. Tiếng rao của họ như tiếng than của một nền học thuật đang hấp hối: và kẻ tư lự dõi theo bóng họ trên đường đất có cái cảm giác thấy họ đem một chút tinh hoa của một đất nước đến một mộ địa nào xa xôi" (Thanh Nghị 8/1981)

"Ông đồ" là hình ảnh của những nhà Nho đã đầu hàng thời thế, chấp nhận nhập cuộc vào nền kinh tế thị trường, "bán chữ thánh hiền". Nhưng tiếc thay, sư nhập cuộc này đã quá muộn màng. Chữ Hán, phương tiện cao quý chuyên chở đạo thiêng liêng một thời, đã chịu nhận làm một thứ hàng hoá không hơn không kém, thế mà vẫn không thể tồn tại lâu dài. Trước cơn lốc của thời đại, họ như những hạt bụi nhỏ bị thổi giạt vào quá khứ.

Điểm chính của cảm quan xã hội trong bài thơ "Ông đồ" là cảm xúc về sự bể dâu: "Thương hải biến vi tan điền". Chính ở đây Vũ Đình Liên đã gặp gỡ Tú Xương trong bài thơ "Sông lấp":

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Và cũng từ đây Vũ Đình Liên đã có điểm tựa để bước sang cảm thức về thời gian: một cảm quan triết lý.

Với "Ông đồ", Vũ Đình Liên không xuất phát từ ý niệm hay biểu tượng. Ông khởi đi từ cảnh đời có thực. Ông đã tải những gì mà giác quan ông ghi nhận được, hoàn toàn chân xác, không hề tô vẽ. Chúng ta thấy mỗi chữ mỗi câu, mỗi đoạn đều cụ thể và giản dị như gạch ngói, nhưng lạ thay, khi kết thành nguyên khối lại tạo lên sức vang, lại thành biểu tượng của vũ trụ và sự biến dịch đời người.

Trong khi giòng thời gian vũ trụ cứ luân chuyển một cách vô tình:

Mỗi năm hoa đào nở
...
Năm nay đào lại nở

Hoa đào nở là biểu tượng của một thời khắc mới, mỗi năm là sự lặp đi lặp lại và đã đi theo một chu kỳ khép kín bất biến, thì giòng thời gian đời người lại "nhất khứ bất phục phản" (một đi không trở lại). Vì thế đã "Không thấy ông đồ xưa", đã phải tự hỏi:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Đặt cái vĩnh hằng của thiên nhiên bên cạnh cái nhất thời của kiếp người, đặt cái thời gian khách quan bất tuyệt bên cạnh cái thời gian đời người hữu hạn, Vũ Đình Liên đã làm nổi lên cái bi kịch lớn nhất của kiếp người, trong khát vọng vươn đến sự vĩnh cữu.

Phải chăng nhờ ở ý nghĩa triết lý này, "Ông đồ" của Vũ Đình Liên đã có thể được tiếp nhận một cách vô biên, không phải bị ràng buộc bởi một hoàn cảnh xã hội, hay một tâm trạng xã hội cụ thể nào và có thể đến với tất cả mọi người trên hành tinh chúng tả...
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn