Go Back   ๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ > VI - ♥ Không Gian IT ♥ > 27 - Ebook Tổng Hợp - SÁCH GIẢI FULL > Khoa Học Xã Hội > Văn Học Lớp 9


Tìm kiếm chủ đề bài viết ở đây trước khi hỏi TTB -Tìm bằng tiếng việt có dấu càng chính xác-Ví Dụ:Đánh vào Hwang mi ri để tìm truyện tác giả này
$$**=====DS Truyện Tranh Online=====**$$ $$**=====Truyện Tranh Mới Đang Update=====**$$

KHÔNG XEM ĐƯỢC ẢNH TRUY CẬP ĐỔI DNS CLICK VÀO ĐÂY


Trả lời
  #1  
11-09-2012, 05:18 PM
adminbao adminbao is offline
Đầy Tớ Của Nhân Dân
Facebook: https://www.facebook.com/tuthienbaocom

Default Nghị Luận Sang Thu




Bài 1:

Chẳng biết tự bao giờ, đất trời có mùa thu và cũng chẳng biết tự bao giờ, hương sắc mùa thu khiến cho các tao nhân mặc khách ngây ngất để phả vào mấy vần thơ. Tâm hồn con người luôn là một cây đàn muôn điệu với các "tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng đồng thướt tha” mà hoá công có thể diện tả được để gửi vào thời tiết. Đông mang đến sự héo hắt, bi luỵ, u sầu; xuân mang đến mầm sống cùng sự chuyển mình thần kỳ, hạ mang sức trẻ, sự sôi nổi, nhiệt thành; còn thu, thu e ấp gam màu trầm lặng với sự thơ mộng, lãng mạn. Nhưng cũng có lúc tâm hồn ta buồn vui lẫn lộn như một sự giao mùa, chuyển tiết Hè - Thu. Ít ai nhận ra cái chuyển tiếp đó. Và Hữu Thỉnh từng thấy được điều ấy một cách tình cờ để phả vào khúc " Sang thu”.

Xinh tươi bao giờ cũng thuộc về những buổi bình minh cây xanh nắng gội còn hoàng hôn mang đến cho ta nét trầm lặng, lãng mạn của một mùa thu vàng.

Đến rồi lại đi, tự nhiên là thế, mùa hạ đang trôi qua mau chóng nhưng dấu gót của nó vẫn còn phảng phất đâu đây trong hương sắc trời thu để ta phải lưu luyến bâng khuâng như một hoài niệm.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ.
Hình như thu đã về.


Mở ra bài thơ thường bằng một vài lời trần thuật, tự sự để dẫn ta vào mạch cảm xúc. Song ở đây, Hữu Thỉnh đã gợi ra cái ngỡ ngàng trong tâm trạng mình một cách đột ngột.

Bỗng nhận ra hương ổi.


" Bỗng" là một trợ từ nay lại được dùng làm từ mở ra một bài thơ thật bất thường. Nó gợi ra một sự ngạc nhiên đến tột độ. Dường như, thu đến với nhà thơ quá đột ngột, tình cờ trong vô thức. Song chính nhờ cái tình cờ của chữ "bỗng" ấy, Hữu Thỉnh mới nhìn vạn vật mang một vẻ đẹp đầy nên thơ, mơ mộng với những quan sát tinh tế đến từng chi tiết, góc độ.

Trời đã bước sang cuối hạ, hương ổi vẫn còn. Cái hương thơm nồng nàn của loại trái cây đương chín rộ đủ khiến ta ngây ngất. Chắc hương thơm ấy phải đậm lắm mới khiến cho thi nhân đang triền miên suy nghĩ phải lặng người mà tận hưởng mùi thơm ngào ngạt ấy. Rồi một làn gió heo may se sắt của mùa thu khe khẽ thoáng qua đời ta. Lả lướt, nhẹ dịu, mơn chớn khắp da thịt đó là cái sung sướng của những làn thu gửi đến cho ta:

Phả vào trong gió se

Một chữ “phả" kia thôi cũng đủ cho mùi thơm của ổi trở nên sánh lại, đậm sắc hơn. Hương sắc của hoa lá cỏ cây quện vào với gió rồi lan toả khắp không gian rợn ngợp thì còn gì thơm bằng. Mùi ổi như được gió thu tinh lọc để trở nên thanh khiết, cô quánh lại. Riêng hai câu thơ mở đầu đã mang lại cho người đọc cảm giác bâng khuâng xao xuyến trước sự giao thoa vô cùng tự nhiên mà quyến rũ của hè và thu.

Sương chùng chình qua ngõ

Hoà vào âm hưởng của sự chuyển tiết đó là những làn sương thu. Làn sương ấy mỏng tang giăng mắc khắp mọi nơi. Có lẽ, ta chẳng thể tìm thấy một manh mối nào của mặt đất không được sương bao phủ. Sương giăng trên vạn vật hay chính là giăng trong lòng người bao mối tơ vò. Một nỗi buồn vu vơ vì hạ đã qua để lại cho con người ta bao nỗi luyến tiếc. Hay đó cũng là tiếng reo vui chào khí thu đã về. Nhưng dù sao, hình ảnh làn sương được thi nhân miêu tả thật đẹp. Sương khói mùa thu buồn là vậy: bảng lảng, lờ đờ và nhè nhẹ đi qua tất cả. Với biện pháp nhân hoá, Hữu Thỉnh đã giúp cho sương có đôi chân cùng những bước đi nhẹ nhàng, chậm rãi khoan thai. Dường như, ngay cả tạo hóa cũng muốn sương đi chậm lại như một sự níu kéo những bước chân đều đều của khói thu tràn qua cổng ngõ thời tiết. "Chùng chình" một sự nhấn nhá đầy chủ ý, nó gợi ra thấp thoáng đâu đây bóng dáng một thiếu nữ thư ớt tha, yểu điệu qua biên giới mong manh của thời tiết. Danh từ "sương" đã được nhắc nhiều trong thơ ca từ trước đến nay và có ở khắp các mùa trong năm. Với "thi tiên " Lý Bạch, sương mang nặng sự héo hắt giá buốt của mùa đông ẩn vào trong khúc " vọng nguyệt hoài hương":

Nghi thị địa thượng sương
(Tĩnh Dạ Tứ)

Còn với Nguyễn Trãi, sương mờ ảo bất định với vẻ đẹp bí ẩn, " Cỏ xuân như khói”. Nhưng sương thu của Hữu Thỉnh thì thật giản dị, tiêu sơ nhưng lại gói gọn được cái bao điều thi vị.

Tất cả, tất cả mọi sự vật được gợi ra, bắt thi sĩ phải căng hết các giác quan và linh động tâm hồn nhạy cảm để phả vẻ đẹp đó vào vần thơ. Để rồi, chúng khiến cho ngay cả chúng ta có cái gì như ngạc nhiên lạ lẫm ngỡ ngàng từa tựa một điều phán đoán.

Hình như thu đã về

Thu đã về thật rồi sao, lại còn phải ngẩn ngơ? Phải chăng bấy lâu nay ta đã thờ ơ với nó để đến giờ ta cảm thấy lạc lõng khó có thể khẳng định được thu đã sang hay chưa. Mở đầu bằng một sự tình cờ “bỗng" và khép lại khổ thơ bằng cái "hình như”, Hữu Thỉnh gửi vào lòng người đọc sự thoáng chốc, bất giác về tiết lập thu cũng như cảm nhận, mơ hồ mong manh trong tâm thế về sự trở về của mùa thu.

Nếu như, thu trong khổ thơ đầu là không gian hẹp, thấp và gần cùng những cảm giác trong vô thức thì ở khổ thơ kế tiếp lại là một vẻ đẹp khác. Nó được mở rộng hơn, xa hơn và cao hơn. Có thể nói khổ thơ này mang tính logic, hợp với quy luật của dòng lâm trạng của Hữu Thỉnh trong bài thơ. Từ một phản xạ tự nhiên, nhà thơ đã định thần trở lại để ngắm nhìn thu sang:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.


Một sự cụ thể hóa đang diễn ra. Từ cái ngỡ ngàng, si mê, ngây ngất , tác giả dừng chân đứng lại, phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn một cách lặng lẽ phong cảnh.

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã


Từ những tín hiệu của thu về, tất cả bỗng biến chuyển thành đất trời mùa thu/ Cái " hình như " ở câu thơ kết khổ một đã đánh dấu cột mốc cho thu về bằng nhiều hình ảnh quen thuộc. Dòng sông trải dài mênh mang và uốn lượn trên mặt đất. Con nước trôi êm ả không chút băn khoăn. Điều này thật khác với sông trong mùa hạ. Nước lũ dâng cao như muốn dồn tất cả vào bể nước. Vậy mà giờ đãy, con sông trở nên thong thả, yên ả với trạng thái nghỉ ngơi. Nó thật giống với quy luật của cuộc sống, khi hạ - sự cống hiến, sôi nổi nhiệt tình đi qua thì thu - trạng thái nghỉ ngơi sẽ đến. Hai chữ "được lúc" đã khiến cho sông trở nên có hồn: bắt nhịp được với cái lạch nguồn chuyển tiếp của đất trời, lặng lẽ, dềnh dàng....tất cả mang đến cho ta cái yên bình trong sự sống.
Nhưng chính điều đó đã dẫn đến một hình ảnh khác :"chim bắt đầu vội vã". Gió heo may se sắt đã tràn về sông hồn nhiên hơn cũng là lúc mùa rét đã tới. Những đàn chim di cư sẽ phải bay về phương Nam ấm áp để tránh rét. Cả chiều thu đã sang tới bến sông, vậy thì còn đợi gì nữa mà đàn chim chẳng vội vã đi nơi khác. Với biện pháp tương phản đối lập, nhà thơ khắc họa thật đậm nét sự biến chuyển của thời tiết. Song ở đây, ta cũng có thể thấy được cảm nhận tinh thế của nhà thơ qua mấy vần thơ. Đàn chim mới chỉ là “bắt đầu” chứ không phải là đang."Đang" thì thường quá. Hữu Thỉnh thật tài tình khi tìm thấy sự bắt đầu hiếm hoi khó có thể gặp được ấy. Và cũng bởi tất cả mới chỉ ở khởi điểm nên nó chưa thấm mệt mà hãy còn duyên dáng, nhẹ nhàng.

Có đám mây mùa hạ


Mở rộng đến tuyệt đối, con mắt thì sĩ như ngước lên nhìn đám mây trời. Đám mây bảng lảng giữa từng không của mùa hạ. Hai câu thơ là một ẩn dụ đẹp, ẩn dụ nhân hoá. Trước hết, tác giả nhân hoá mây trời cũng giống như người chỉ qua nhột từ “vắt". Trong thơ ca, có rất nhiều nhà thơ chỉ bằng một động từ đã làm nên một phép ẩn dụ giàu tính ước lệ, tượng trưng. ở đây cũng vậy, có lẽ, sắc trắng của mây mùa hạ đã quyện với gam màu vàng dìu dịu của hương thu. Phải chăng, cái ranh giới giữa mùa hạ và mùa thu mong manh lắm chỉ trong gang tấc, cái trôi lững thững của mây hạ đã dạt nửa mình sang thu. Nhưng thực chất, điều này nhằm nói tới sự giao thoa giữa hai mùa cũng chỉ ngắn ngủi trong khoảnh khắc.

Từ những đam mê say sưa trước sự chuyển mình của đất trời sang thu, thi nhân khép lại lòng mình để ngắm nhìn những sự vật xung quanh với những đổi thay sâu kín.

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.


Thật tài tình, từ những sắc mùa của vạn vật, Hữu Thỉnh đã thu mình lại và ru hồn trong những trầm ngâm, suy nghĩ.

Vẫn còn bao nhiêu nắng . .


Nắng vẫn còn chứ không phải hoàn toàn. Nó đã vơi đi chứ không quá gay gắt chói chang như nắng hạ. Có lẽ nắng thu đã gởi lại cho hạ cái oi nồng mà e ấp trong mình sự nên thơ, lãng mạn cùng ánh vàng ngọt ngào như rót mật vào lòng người. Đó không phải là thứ ánh sáng leo lắt của "Mỗi lần nắng mới hắt bên sông/xao xác gà trưa gáy não nùng" (Nắng mới – Lưu Trọng Lư) và đó cũng không phải là: "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" (Hàn Mặc Tử). Nắng ở đây là nắng thơ mang nét đẹp của tâm hồn làm cho thu thêm phần ý nhị.

Cùng với nắng là gió mưa, bão bùng. Mưa vơi cạn dần đi. Giọt mưa không quá nặng hạt để gieo mình xuống mặt đất gây lụt lội. Còn mư a trong thu ít hơn, hiếm thấy và chất chứa trong ta bao bâng khuâng, xao xuyến của một mùa lá rụng. Sấm cũng không thét gào dữ dội trên bầu trời, ánh chớp cơn mưa rạch ngang nền trời trong hạ luôn là một điều đáng sợ. Tưởng rằng, nó sẽ kéo dài dai dẳng nhưng không ngờ khi bước vào thu, tất cả như tắt lịm đi lúc nào không hay. Và ta khó có thể gặp được những:

Tháng bảy mưa gãy cành chám
Tháng tám nắng rám trái bưởi.


Một điều đặc biệt mà ta có thể nhận ra ở đâu đó là tác giả bài thơ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật liệt kê tăng tiến. Trước hết, mọi vật này được liệt kê một cách đầy đủ: nắng, mưa, sấm, chớp. Cùng với việc đó, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nói tránh kín đáo vẫn còn" rồi lộ dần ra "vơi dần" để kế đến là cung bậc cao nhất của sự thiếu hụt "bớt bất ngờ".

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ.


Nhịp thơ nhịp nhàng khiến cho ta tưởng các câu mang ý nghĩa tương đương nhau nhưng không phải. Rõ ràng sự tăng cấp được sử dụng thật khéo léo trong cả ba câu thơ. Cuối cùng, chúng trở thành đòn bẩy để tôn lên vẻ trầm mặc im lìm trên những hàng cây đứng tuổi.

Trên hàng cây đứng tuổi

Lấy động tả tĩnh chính là một biện pháp nghệ thuật được sử dụng thành công trong bài thơ. Việc này khiến cho người đọc hình dung được rằng sự thét gào dữ dội hay chính mùa hạ đang mát dần và thu đậm nét hơn trước mắt bao người.

Thơ là gợi là nhân một vẻ đẹp mà gợi nên bao mối tơ vương trong lòng người. Từ Thu của thiên nhiên, thu của đất trời mà ở đây ta cũng có thể hiểu là thu của đất nước Việt Nam. Có nơi nào mang sắc thu vàng mộng mơ, lãng mạn như Việt Nam. Hữu Thỉnh không nói thu cụ thể ở nơi nào nhưng ông đã ngầm đem đến cho ta cái ngọt ngào của thu Việt Nam, thu Bắc Hà, thu Hà Nội. Có thể nói, toàn bài thơ nhìn tổng thể là một bức tranh giao mùa tuyệt tác, quyến rũ hồn người...Song, "sang thu ' còn được gợi vào tình yêu mùa thu, yêu cảnh vật, quê hương đất nước.

Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông
Đến chút tột cùng là dòng máu chảy.


Đất nước đã hòa bình vậy thì không cần phải hy sinh chiến đấu. Mà tình yêu Tổ quốc chính là lòng yêu những bình dị, thân thương nhất: Một hương ổi, một làn sương, một dòng sông...Tất cả, tất cả làm nên một mùa thu ngọt dịu, đậm đà tình đất nước. Dường như, vần thơ đều thấm đẹp vẻ đẹp hiền hoà, hồn hậu của thu đất nước. Đôi vần thơ thu như luyến giao với lòng người một cách tế nhị, tinh vi mà sâu kín lúc nào không hay. Đó không phải là mùa thu Bắc Việt đẹp quá, lòng người yêu quê hương lắm hay sao? Sự trùng phùng bất giác làm ta ngẩn ngơ pha một chút mừng rỡ vì được hưởng thụ khoảng khắc sang thu tuyệt diệu.

Ngẫm lại cho kỹ, hình như bài thơ còn có một ẩn ý khác. Thu thiên nhiên, thu đất nước và cũng là thu của lòng người. Đơn cử hai câu kết bài thơ :

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.


Không đơn thuần tả cảnh, đôi câu thơ kết lại bao suy ngẫm sâu sắc. Sấm chớp hay chính là tác động của ngoại cảnh, những vạng động, biến cố bất thường trong cuộc đời. Hình ảnh ẩn dụ độc đáo làm cho ta cũng khó hiểu. Nhưng có lời thơ của câu thơ sau nên người đọc mới rút ra được nhiều điều thú vị. Hàng cây đứng tuổi giúp người đọc liên tưởng đến một con người. Hàng cây ấy đã được nhân cách hoá để mang dáng dấp một con người thực thụ. khi đã đi gần hết cuộc đời, ta sẽ lui vào một góc khuất của cuộc sống để suy nghĩ về những trải nghiệm đã qua. Đồng thời, người cũng trở nên điềm tĩnh trước những biến cố lớn lao ấy. Suy rộng ra, dáng vẻ những trải nghiệm đã qua không hề nao núng, sâu sắc hơn cùng t ư thế ung dung, điềm nhiên chỉ có ở những ngư ời đã từng đi khắp nẻo đường đời. Còn hàng cây đứng tuổi đang lặng người, "Chết đứng" trong suy nghĩ về tình người, tình đời cùng tư thế lịch lãm.

Có người nói, suy nghĩ của nhà thơ chỉ dừng lại ở hai câu thơ cuối. Vậy thì, Hữu Thỉnh cũng chỉ là con người tầm thường hời hợt với cuộc sống. Cái mà ta đánh giá cao chính là nội dung toàn bài thơ "Sang thu” - Sự chuyển giao của đất trời hay là sang thu của lòng người. Một khoảnh khắc sang ngắn ngủi ấy khiến cho bao người những khách thể trở nên chín chắn già dặn hơn.

Thu là thơ của đất trời
Thơ là thu của lòng người.


Xin hãy chú ý vào cách mở bài thơ - "Bỗng". Đó là một từ chỉ sự ngạc nhiên cao độ. Nó muốn nói tới sự hiếm hoi của hương thu nơi đô thị. Đã lâu lắm rồi trong Hà Nội không thấy hương cốm sữa, hương ổi Quảng Bá cũng sắc đỏ cây gạo nơi góc phố thân quen. Bởi cuộc sống tất bật, nhộn nhịp của con người Hà Thành đã hoà loãng, phai nhạt đi những vẻ đẹp đích thực của thiên nhiên. Điều cuối cùng muốn nói, chúng ta hãy để tâm đến những vẻ thánh thiện trong cuộc sống và đừng bao giờ để nó phải mất đi. Xin cảm ơn, Hữu Thỉnh đã phát hiện ra khoảng khắc sang thu kỳ diệu đó và phả vào thơ. Và người đọc chúng ta cũng phải cảm phục Hữu Thỉnh đã đưa đến cho ta những nét chấm phá tinh tế về cuộc sống. Chắc thi nhân cũng phải có bản lĩnh kiên cường lắm mới khơi dậy được trong lòng bao con người một mùa thu đẹp, mộng mơ mà ta đã quên.

Gấp lại những vần thơ thu của Hữu Thỉnh, người đọc như thấy vương vấn đâu đây trong tâm hồn, từa tựa một sự lắng đọng cùng chút vảng vất, giao hoà vào đôi câu thơ trác tuyệt của Xuân Diệu.

Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

(Đây mùa thu tới)

Bài 2:
Mùa thu quả nhiên là mùa nhạy cảm bậc nhất trong năm. Con người cùng Tạo vật thảy đều nhạy cảm. Tuy nhiên, cái thời điểm mà sự nhạy cảm của hồn tạo vật luôn thách thức với sự nhạy cảm của hồn người vẫn là thời khắc giao mùa - chớm thu. Các kênh cảm giác và cả tâm cảm nữa của mỗi hồn thơ dường như đều được huy động tối đa để nắm bắt những làn sóng, những tín hiệu mơ hồ nhất từ những giao chuyển âm thầm trong vạn vật.
Chả thế mà, bao đời nay luôn có sự đua ganh giữa hồn thơ với hồn tạo vật. Chỉ cần điểm sơ qua những tín hiệu từng được hồn thơ từ cổ chí kim nắm bắt trong những thi ảnh không thôi, cũng khó đủ giấy mực rồi. Gọn nhẹ hơn, chỉ điểm qua những thi tứ nổi bật dành cho nhịp chuyển mùa thôi, chắc cũng không xuể. Cho nên, tôi sẽ không nấn ná làm cái việc rút tỉa những thi ảnh và thi tứ tiêu biểu về thời điểm nhạy cảm ấy của thơ ca các thời, nghĩa là không tái hiện lại một truyền thống, một tiền đề nữa. Mà cùng Hữu Thỉnh, bước ngay… Sang thu

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Thu, 1977


Tôi mừng cho Hữu Thỉnh và bài thơ, nó vừa giành được một chỗ xứng đáng trong chương trình Văn và Tiếng Việt của nhà trường. Kể từ nay, hương ổi của thi phẩm sẽ phả vào tâm hồn của nhiều thế hệ học trò, sẽ được những tâm hồn ấy mang tới bao nẻo thu, đến cả những miền chưa từng có mùa thu nữa.


1. Từ cấu trúc …


Trước tiên, thử đi vào cấu trúc của thi phẩm.

Hình thái tổ chức của Sang thu đâu dễ nhận diện. Về bố cục, ai chẳng thấy chính tác giả đã tự chia bài thơ thành ba khổ khúc chiết. Nhưng về ý tứ ? Xem chừng ý khổ này cứ “dính” vào khổ kia, chả chịu rành mạch gì cả. Thì quanh đi quẩn lại vẫn là thế : hương ổi, gió se, sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim vội vã, nắng vẫn còn, mưa đã vơi, sấm bớt bất ngờ, hàng cây đứng tuổi… chẳng dáng nét thu về, thì hình sắc thu sang, đấy thay đổi tinh vi, đây đổi thay tinh tế. Ý đâu có khác gì nhau. Đến nỗi, ngay cả “Sách giáo viên” hướng dẫn người dạy khai thác và soạn giảng chừng như cũng “ bí” trong việc phân định . Hay việc chia thành ba khổ thế chỉ hoàn toàn do cảm tính lúc viết của thi sĩ, còn ý thơ thì vốn thiếu rành mạch, vô tổ chức ? Không hẳn.
Đọc kĩ hơn thì thấy rằng: cùng viết về thiên nhiên lúc giao mùa, nhưng mỗi khổ thơ vẫn nghiêng về một ý. Về cảnh vật, khổ một nghiêng về những tín hiệu mách bảo sự hiện diện đây đó của mùa thu, từ góc nhìn vườn ngõ : Bỗng nhận ra hương ổi /Phả vào trong gió se /Sương chùng chình qua ngõ /Hình như thu đã về. Khổ hai lại nghiêng về những cảnh sắc trời mây sông nước đang chuyển mình sang thu, với tầm nhìn rộng xa vào bầu trời mặt đất : Sông được lúc dềnh dàng / Chim bắt đầu vội vã/Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu. Trong khi đó, khổ ba lại nghiêng về những biến đổi bên trong các hiện tượng thiên nhiên và tạo vật : Vẫn còn bao nhiêu nắng/Đã vơi dần cơn mưa/Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi. Như vậy, ba khổ thơ đã được liên kết thành một chỉnh thể nhuần nhị nhờ vào một trật tự khá tự nhiên : từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ ngoài vào trong, với các lớp cảnh càng ngày càng đi vào chiều sâu… Một trật tự hợp lí tự nhiên bao giờ cũng là điều sinh tử để một sản phẩm nghệ thuật hiện ra như một sinh thể !
Nhưng, cả người khờ khạo nhất cũng phải thấy rằng : thơ thiên nhiên không đơn thuần chỉ có cảnh. Cùng với cảnh, bao giờ cũng là tình, dù đậm hay nhạt, dù kín hay lộ. Tình trong cảnh, cảnh trong tình. Cho nên, đồng hành với mạch cảnh sắc trên đây, là tâm tư của thi sĩ. Cụ thể là mạch cảm nghĩ trước mùa thu. Sự đan xen các mạch này là một khía cạnh phức tạp không thể thiếu của cấu trúc. Sau một thoáng ngỡ ngàng ở khổ một (… Hình như thu đã về), là đến niềm say sưa ở khổ hai (…Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu), và kết lại ở khổ ba với vẻ trầm ngâm(… Sấm cũng bớt bất ngờ / trên hàng cây đứng tuổi). Không chỉ có thế. Tương ứng với những cung bậc của mạch cảm, là các cấp độ của mạch nghĩ. Khổ đầu : bất giác, khổ hai : tri giác, khổ ba : suy ngẫm. Mạch cảm và mạch nghĩ bao giờ cũng song hành và chuyển hoá sang nhau trong cùng một dòng tâm tư . Chúng đan bện với nhau khiến cấu trúc nghệ thuật càng tinh vi phức tạp. Rõ ràng, từ khổ một đến khổ ba, thi phẩm là sự đồng hành và hoá thân vào nhau của ba mạch nội dung vừa rõ nét vừa sống động. Có thể nôm na hoá qua sơ đồ sau :
Thế đấy, cấu trúc của thi phẩm này, bề ngoài, có vẻ “dính”, nhưng bề sâu, đâu phải là thiếu rành mạch. Trái lại là đằng khác ấy chứ ! Rõ ràng, qua phân tích trên đây cũng đủ thấy rằng : một tiếng thơ dù bình dị hồn nhiên thế nào đi nữa, vẫn là một kiến trúc ngôn từ với một cấu trúc thật tinh vi.
Cảm nhận tạo vật lúc sang thu, đa phần các thi sĩ nghiêng về vẻ biến suy một chiều của cảnh. Vì thế, thần thái của cảnh thu thường hiện lên qua vẻ tiêu sơ. Ví như bài Thu cảm, tiếng thơ khá tinh tế của một thi sĩ đương thời : Mướp tàn sen cũng đi tu / Lá tre đã thả một mùa heo may / Con sông không ốm mà gầy / Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn. Cảm nhận của Hữu Thỉnh khác, không đơn tuyến. Tôi cho rằng, một trong những nét đặc sắc của bài Sang thu là có hai hệ thống tín hiệu báo mùa có vẻ phản trái nhau, song cả hai đều thuộc về thần thái của mùa thu. Tạm đặt tên là nhịp mạnh và nhịp nhẹ. Nhịp mạnh bao gồm những động thái, sắc thái dương tính (mạnh, nhanh, nhiều…) : hương ổi phả - chim vội vã - vẫn còn bao nhiêu nắng… Nhịp nhẹ thì
nghiêng về âm tính (êm, chậm, ít…) : sương chùng chình, sông dềnh dàng, mưa vơi dần… Lúc bất giác nhận ra hương ổi “phả” vào trong gió se, thì cũng là lúc bắt gặp sương “chùng chình” qua ngõ. Chính lúc sông “dềnh dàng” là lúc chim “vội vã”. Khi nắng “còn” cũng là khi mưa “vơi”. Đừng nghĩ thi sĩ cố ý đặt bày hai mạch tương phản nhằm chơi trò lạ hoá. Nó chính là hiện tượng trái chiều mà cùng hướng ta vẫn thường thấy trong mỗi cuộc đổi thay. Chẳng phải thế sao ? Chẳng phải bao mạch sống đang cần mẫn chuyển lưu trong lòng tạo vật làm nên cõi sống trường cửu này vốn vẫn tương sinh tương khắc như vậy sao ? Và chẳng phải những vận động trái chiều mà cùng hướng vẫn thường đem đến cho sự sống thế quân bình ngay trong lòng mỗi nhịp biến thiên hay sao ? Cho nên, thật thú vị mà cũng thật hiển nhiên là hai nhịp mạnh - nhẹ với hệ thống hưng - suy, tiêu - trưởng kia lại đan dệt trong nhau khá nhuần nhuyễn tạo nên cái bản giao hưởng gợi cảm của đất trời thu. Có thể xem đó là nét phức điệu trong cảm nhận ngoại giới của hồn thơ Hữu Thỉnh. Toàn cảnh thu trong bước chuyển mùa, nhờ lối cảm ấy, đã hiện ra không chỉ có biến thiên, mà đây đó còn cả thế quân bình. Luôn thấy được thế quân bình ngay giữa những biến thiên thì ít bất ngờ chao đảo. Trong thiên nhiên đã vậy. Trong cuộc đời cũng thế. Và, tôi ngờ rằng cảm quan quân bình về đời sống đã ngấm ngầm xui thi sĩ tìm đến cái kết điềm tĩnh trước ba động, giấu cương sau nhu này :
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi ?

Nói đến câu kết kia, không thể không thêm vài lời về cách lập tứ dẫn tới kết. Nó rõ nhất ở khổ ba : Vẫn còn bao nhiêu nắng /Đã vơi dần cơn mưa /Sấm cũng bớt bất ngờ /Trên hàng cây đứng tuổi. Để ý một chút, sẽ thấy rằng đến đây, tâm thế thi sĩ không còn ngỡ ngàng bất giác như khổ một, say sưa tri giác như khổ hai, mà lòng đã nặng hơn, đã ra chiều trầm ngâm với suy ngẫm rồi. Lớp từ mang sắc thái đong đếm ở đây mách với ta điều đó. Hệ thống các từ còn (-hết), vơi (-đầy), bớt (-thêm) bảo rằng thi sĩ đang suy xét, đúc kết, chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm điều gì ? Về một lẽ đời trong hai chiều biến đổi trái nhau. Ba câu trên : nắng “vẫn còn”, tức là đã giảm ; mưa “vơi dần” rõ là giảm ; sấm “bớt bất ngờ” càng giảm. Cả ba nghiêng về chiều giảm. Nhưng, khi câu ba nối vào câu kết, thì chiều giảm đột ngột thành chiều tăng, một chiều tăng kín đáo : Sấm cũng bớt bất ngờ /Trên hàng cây đứng tuổi. Ấy là sự từng trải tăng lên, là cây đã trưởng thành. Nhờ lối viết nén, mấy chữ “bớt bất ngờ” như một nút buộc, câu thơ bỗng có “cú pháp dính”, lời thơ súc tích hẳn nhờ các làn nghĩa giao nhập ràng néo nhau : sấm bớt gây bất ngờ (sấm đã e cây), hay cây bớt bị bất ngờ (cây thôi e sấm)? Có lẽ là cả hai, nhưng xem chừng, cái vế sau mới là chốt hạ. Nhờ ngữ pháp ấy mà cái ý cương kia liền được giấu kín nhẹm, thậm chí được nhu hoá. Có thể nói, đây là lối kết theo kiểu “đảo phách”. Một cú đảo phách ngoạn mục. Bởi đảo mà cứ như không.


*

Sang thu là bài thơ tinh tế. Điều này khỏi bàn thêm. Chẳng thế mà các chi tiết gợi cảm của thi phẩm đã cuốn hút nhiều người yêu thơ. Nào những hương ổi phả vào trong gió se, nào sương chùng chình qua ngõ, rồi thì sông được lúc dềnh dàng… xem ra, thi ảnh nào cũng tài hoa. Mà ấn tượng nhất hẳn phải là cảnh tượng Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu. Làm xác định cái không xác định, khiến cái vô hình thành hữu hình, làm định dạng cái vốn mơ hồ, là lối viết đâu có gì lạ về thi pháp. Thế mà thi ảnh lại mới, hình sắc lại gợi. Đám mây thực thế mà ảo thế ! Cái cách “vắt nửa mình” kia sao mà thi vị ! Có thật chăng một đám mây vốn của mùa hè đang mải mê lấn sân sang mùa thu ? Có mà không có, thật mà không thật. Cứ y như giữa mùa thu và mùa hè vẫn có một lằn ranh làm bằng sợi dây vô hình giăng ra giữa thinh không, khiến đám mây yêu kiều và đỏng đảnh kia có thể vắt nửa mình qua đó mà khoe sắc phô duyên vậy !

Mà đâu chỉ trong quan sát, ở thi phẩm này, Hữu Thỉnh còn tỏ ra tinh hơn nữa trong sự đồng điệu với nhịp chuyển mùa. Những hiện tượng riêng lẻ thì gồm cả hai hệ thống tín hiệu trái chiều, có chậm có nhanh. Nhưng cái nhịp luân chuyển chung chi phối vạn vật thì bao giờ cũng khẩn trương và mau lẹ. Nhịp luân chuyển ấy dường như đã nhập vào mấy chữ tưởng rất không đâu mà lại thần tình này: Sông được lúc dềnh dàng/Chim bắt đầu vội vã ; Vẫn còn bao nhiêu nắng/Đã vơi dần cơn mưa”. Mấy chữ ấy đi với nhau thành cặp, hô ứng và tiếp ứng nhau làm hiển thị cái nhịp luân chuyển trong tạo vật vốn mải mê mà vô hình.


Người đọc cũng dễ say với những nét tài hoa trong việc sử dụng nhuần nhuyễn yếu tố cổ điển của thi sĩ. Đọc Hữu Thỉnh, có một chất rất dễ nhận : dân gian. Còn có một chất khác, luôn cặp kè, mà xem ra lại khó thấy : Đường thi. Sao lại cặp kè ? Thì một trong những chiêu rất Hữu Thỉnh chẳng phải là chế tác thi liệu dân gian bằng thi pháp Đường ư ? Cố nhiên, anh không chỉ có chiêu này. Ở Sang Thu, cái súc tích Đường thi kết hợp với chất hồn nhiên thơ trẻ cứ loáng thoáng đâu đó trong cách nhìn tạo vật, trong cách kiệm lời, mà hiển lộ nhất là ở phép đối ngẫu được dùng khá nhuyễn : Sông được lúc dềnh dàng-Chim bắt đầu vội vã ; Vẫn còn bao nhiêu nắng-Đã vơi dần cơn mưa. Có lẽ khi đọc các cặp ấy, tâm trí ta bị trôi theo lời thơ bình đạm, ít ai để ý đến nghệ thuật tổ chức, chỉ lúc chợt ngoái lại, thì mới vỡ lẽ: ồ, ra là phép đối ! Thế là nhuyễn, là tinh chứ sao !


Tuy nhiên, đó vẫn là những tinh tế tiểu tiết và dễ viết.


Đôi khi quá chú mục vào cái tinh tế trong tiểu tiết có thể quên sự tinh vi trong đại cục. Tôi muốn nói đến điều khác : ý tưởng bao trùm. Nó mới là nét tinh vi thuộc về đại cục. Ý tưởng Sang thu được gói kín vào thi tứ. Một thi tứ đa tầng khiến hình tượng thơ thành đa nghĩa. Nhờ đó, thi phẩm nhỏ đã mang thi tứ lớn.

Sang thu đa nghĩa, vì ít nhất, có sự chất chồng và giao thoa của ba lớp nghĩa : trời đất sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu. Lớp nghĩa thứ nhất dễ thấy. Vì nó ở bề nổi của văn bản thơ. Nó khiến bài thơ như một bức tranh thiên nhiên. Không. Có lẽ như những thước phim về cảnh vật thiên nhiên thì phải hơn. Tranh thì tĩnh, phim mới động. Sự mẫn cảm của tâm hồn thi sĩ đã được dịp phô diễn qua những thi ảnh giàu mỹ cảm trong việc nắm bắt bao vận động, chuyển động, biến động âm thầm và sâu kín của thiên nhiên. Nhưng, nếu chỉ thế thôi, Sang thu cũng mới là thơ tạo vật. Hữu Thỉnh chưa đem đến cái gì mới hơn so với các tiếng thơ thuộc thi đề thu của những người đi trước. Đồng thời, cũng chưa phổ được vào đó hơi thở của thời mình, tinh thần của thế hệ mình.
Hai lớp nghĩa sau mới thật là thứ hương ổi riêng mà Hữu Thỉnh phả vào trong thi đề này. Tất nhiên, những hàm ý kín đáo kia toát lên trước hết từ nghĩa bóng đây đó của các thi ảnh. Ai cũng có thể thấy những ẩn ý nào đó thấp thoáng sau lối viết ẩn dụ trong các thi ảnh rải rác ngay từ đầu sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim vội vã v.v… Nhưng nếu chỉ có thế thì ý nghĩa của chúng còn lờ mờ, chưa xa gì hơn một lối nói sinh động về sự vật, chưa đủ tạo hẳn ra một lớp nghĩa khác cho văn bản. Lớp nghĩa kia chỉ thực sự bật hầm khi hình ảnh cuối cùng đột hiện : Sấm cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi. Chữ “đứng tuổi” bật sáng, phát động một lớp nghĩa khác cho bài thơ. Nó đâu chỉ nói cây, mà còn nói người. Nhân hoá cây là bề nổi, giấu người vào cây là bề sâu. Tự dưng, chúng ta thấy từ mạch hình ảnh thiên nhiên rải khắp bài thơ bỗng bừng dậy một lớp nghĩa khác gắn với con người và cuộc đời.
Có thể thấy rõ hơn nữa, khi nhìn trong tương quan khác.

Cảm thụ nghệ thuật, căn cứ quan trọng nhất là văn bản. Nhưng, chỉ bó hẹp trong văn bản không thôi, dễ làm nghèo nghệ thuật. Trong thực tế, thông điệp nghệ thuật của một tác phẩm không chỉ cất lên từ những gì thuộc nội bộ văn bản, mà còn vang lên cả từ tương quan giữa văn bản với những thứ bên ngoài vốn thiết thân với nó nữa. Ví như hoàn cảnh sáng tác . Tác giả cho biết thời điểm viết Sang thu là mùa thu 1977, ở nhiều lần in cũng ghi rõ như vậy. Điều này ngẫu nhiên chăng ? vô nghĩa chăng ? Không hẳn. Bấy giờ, cuộc sống vừa qua khỏi thời chiến đầy khốc liệt đang chuyển sang thời bình êm ả. Nghĩa là, đời sống cũng vừa sang thu. Đây là lúc trong lòng đời có bao trăn trở xao động. Nhìn bài thơ trong tương quan với thời điểm ấy, tự dưng chúng ta thấy các hình ảnh đó đây nhấp nháy lên những nghĩa khác : nghĩa thế sự. Đặc biệt từ khổ hai trở đi. Nếu ở khổ đầu, thơ còn nặng về tạo vật, thì từ khổ thứ hai đã bảng lảng cái bóng đời. Hèn chi, cùng diễn tả nhịp vận động chầm chậm, nhưng Sương chùng chình qua ngõ thật khác với Sông được lúc dềnh dàng. “Chùng chình” còn dễ ưa, “dềnh dàng” đã khó ưa. “Dềnh dàng” đâu chỉ nói về nét riêng của dòng chảy đã chậm hơn khi con sông vào thu. Dường như nó còn ngầm tỏ thái độ về cái điệu sống của những đối tượng nào đó hồi mùa hạ hăng hái xông pha là thế, giờ vào thu đã tự cho phép mình được dềnh dàng, được xả hơi chăng ? Chả phải vô cớ mà thi sĩ đem chữ “được lúc” gắn với cái thói “dềnh dàng” ấy của sông. Cũng như thế, Chim bắt đầu vội vã có phải chỉ đơn thuần nói về các loài chim lúc sang thu đang gấp gáp bay đi lánh rét không thôi ? Xem ra, nó còn muốn nói tới đối tượng sống tuỳ thời, xu thời nào đó nữa ấy chứ ? Đến khổ thứ ba, cái lớp nghĩa thế sự bảng lảng này còn tỏ hơn nữa. Tôi ngờ rằng đây là khổ thơ mà anh chàng thi sĩ cũng vừa trải qua một mùa hè bỏng rát đang kín đáo nói về thế hệ mình và chính mình ? Vâng, tuy đã sang thu, nhưng lòng vẫn còn bao nhiêu nắng. Đồng thời, bao tủi sầu yếu đuối, bao cơn mưa thở than nay cũng đã vơi dần. Bước sang thu, hàng cây trẻ hồi nào giờ đã đứng tuổi. Sự từng trải đã giúp cây trưởng thành, đủ vững trãi đối đầu với mọi ba động, mọi cú giáng của cuộc đời : Sấm cũng bớt bất ngờ /Trên hàng cây đứng tuổi. Không có chữ “đứng tuổi” cứ như lạc hệ thống này, mọi suy cảm trên sẽ thành võ đoán, lớp nghĩa thời sự vốn khuất mình không thể phát sáng được. Không có nó, ý ngầm của kẻ viết vừa khó phát lộ vừa khó gói ghém.


Một cái kết quá là khôn ngoan.


Thì ra, mùa thu đâu chỉ có chuyện tiêu sơ. Mùa thu còn là chuyện trưởng thành. Mùa thu đâu chỉ có biến thiên. Mùa thu còn tàng ẩn cả những quân bình tự tại nữa. Chẳng phải đó là những nét độc đáo mà Hữu Thỉnh đã đem đến cho một thi đề tưởng đã quá ư quen thuộc hay sao ?

Từ thơ tạo vật, Sang thu đã lẳng lặng thành thơ cuộc đời !
.
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

ADS
Tags
luận, nghị, sang, thu




© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay, truyen tranh online, ebook,ebook ngon tinh, van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.