Go Back   ๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ > VI - ♥ Không Gian IT ♥ > 27 - Ebook Tổng Hợp - SÁCH GIẢI FULL > Khoa Học Xã Hội > Văn Học Lớp 11


Tìm kiếm chủ đề bài viết ở đây trước khi hỏi TTB -Tìm bằng tiếng việt có dấu càng chính xác-Ví Dụ:Đánh vào Hwang mi ri để tìm truyện tác giả này
$$**=====DS Truyện Tranh Online=====**$$ $$**=====Truyện Tranh Mới Đang Update=====**$$

KHÔNG XEM ĐƯỢC ẢNH TRUY CẬP ĐỔI DNS CLICK VÀO ĐÂY


Trả lời
  #1  
13-09-2012, 12:45 AM
adminbao adminbao is offline
Đầy Tớ Của Nhân Dân
Facebook: https://www.facebook.com/tuthienbaocom

Default Hãy phân tích cái hay, cái đẹp trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu




Một vũ trụ bao la, vài làn gió liêu xiêu với những cành cây lả lả trong sự đổi thay của trời bỗng làm cho tâm hồn thi nhân rung động, bỗng bừng lên niềm giao cảm trước cái mênh mông vô tận của thiên nhiên, của cuộc đời; để lời thơ lại tràn vào đầu ngòi bút. Có lẽ bạn sẽ cười: đề tài đó không còn mới lạ nữa, nó đã quen thuộc và gần gũi lắm rồi. Nhưng cái hay của bài thơ là ở hồn thơ, cái hồn ẩn kín sâu kì diệu lắm. Vì vậy, trong cái quen thuộc bình thường kia còn có vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên, vẻ đẹp tiềm ẩn của hồn người giao hòa gắn bó. Thơ duyên của Xuân Diệu là một bài thơ như thế.

Bài thơ đã mang đến cho người đọc một cảm giác dễ chịu, khoan khoái, nó mở ra một không gian thoáng đãng qua hình ảnh "Chiều mộng hòa thơ" và "nhánh duyên". Trong các chiều mộng mơ, có lẽ thi nhân đã say sưa, đã chếnh choáng trước cảnh nên thơ của đất trời, cho nên cảm xúc cứ theo đà ấy mà trào dâng, chiều mộng mơ ấy. Chính nó hòa thơ trong một buổi chiều để từ cảnh mà sinh tình, cái tình bao la lại tràn lên cảnh trong cái duyên gắn bó với hồn người, với cây cỏ mây trời. Thiên nhiên trời đất được mở ra không nhanh, không vội vàng mà lan tỏa từ từ nhẹ nhàng, nó đến với người đọc từ cái say của thi sĩ...không say sao lại có cái chiều mộng hòa thơ.

Đoạn đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên hài hòa có màu sắc, có âm thanh, có cảnh có tình: Đất trời mùa thu! Đó là màu xanh ngọc lấp ló sau những vòm me xanh ngắt, là tiếng líu ríu lách tách của một sức sống đang vươn lên phơi phới của một cặp chim chuyền. Và mùa thu là tiếng đàn bay bổng lâng lâng trong không gian mua thu êm dịu. Trong cái bát ngát của màu xanh, có một tiếng chim lao xao trong tiếng đàn ngân nga trải dài. Quả là hình ảnh vô cùng lãng mạn, nó đẹp trong cái êm ả, bình yên bởi cảm động trong nhưng âm thanh dìu dịu.

Người ta bảo mùa thu buồn lắm, nhưng cảnh trong bài lại không quạnh quẽ chút nào bởi nó có những âm thanh huyền dịu, đan xen nhẹ nhàng và giao hòa trong mây gió, bay qua những vòm me xanh, thổi tan vào bầu trời xanh như ngọc. Chính cách miêu tả chân thực cụ thể sinh động này mà ta mới hiểu được cái chiều mộng ở trên kia, mới thấy được làm sao lại có một bài thơ hòa trong chiều mơ, làm sao lại có một nhánh duyên yêu kiều bí ẩn đến như vậy.

Thơ viết về thiên nhiên, về vũ trụ đất trời không phải là hiếm. Vì thế để nó sống và tồn tại không phải là điều dễ dàng. Và có lẽ chất sống của bài thơ này không phải là cảnh vật cụ thể, sinh động của chiều thu như ở trên mà còn là cái say của lòng thi sĩ với đất trời cởi mở giao hòa, sự hòa quyện giữa linh hồn và cảnh vật. Nếu ở đoạn một cảnh được miêu tả ở chiều sâu, ở sự cụ thể chính xác, thì ở các đoạn tiếp theo cảnh được mở ra theo chiều rộng, cảnh vật bay lên lâng lâng tạo cho người đọc một cảm giác bất ngờ, sau chuyển sang cảm giác thoải mái, dễ chịu trước không gian bao la vô tận, vô cùng. Nhà thơ đã đem đến cho người đọc một sự tiếp nhận thanh thoát không gò bó chút nào. Từ bầu trời xanh ngọc, từ vòm lá me bay với tiếng đàn êm dịu, ý thơ vút lên bay cao bay xa, nơi đó là:

Con đường nho nhỏ gió liêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều

Cảnh vật ở đây rõ ràng không còn cụ thể mà dưới con mắt nhìn say sưa của nhà thơ, tất cả lâng lâng đều như nhớ lại, có cái gì vừa vời vợi xa xôi, lại vừa quen thuộc gần gũi. Dường như thu vào tầm mắt cả vũ trụ bao la, dường như con người cũng lung lay xiêu xiêu theo làn gió, dường như tất cả lá cây đều bay theo cảnh hoang vắng trong các buổi nắng trở chiều.

Xiêu xiêu là gì? Lả lả là gì? Không ai hay, chỉ biết nó gợi hình gợi âm sắc lắm. Người ta nghe thấy gì, thoang thoảng lao xao trong gió, người ta thấy cái la đà, phất phơ chếnh choáng trong những cảnh hoang. Tất cả đều là những cảnh đầy nhưng sao mà trong mà êm, nhẹ đến nỗi cảnh như muốn bay lên trong không trung, như muốn tan ra loãng vào mây và gió. Như thế mới thấy được cái đẹp của tiết trời sang thu: dịu dàng và thanh thoát. Cái đẹp đã cuốn hút hồn thi nhân, đã làm say lòng người để cho mọi vật dưới con mắt nhà thơ trở nên lung linh, cảnh đấy như tan ra trở thành vô hình, như thế mới thấy thế nào là: "lần đầu rung động nỗi thương yêu", lâu nay ta cứ thấy có "anh" có "em" là nghĩ ngay đến tình yêu trai gái. Trong bài này, Xuân Diệu cũng nhắc đến nhiều lần: "Em bước điềm nhiên không vướng chân - Anh đi lững đững chẳng theo gần"; "Anh với em như một cặp vần" hay là "lòng anh thôi đã cưới lòng em". Nhưng xin những người thẩm thơ hãy thoáng hơn, cởi mở hơn để cho cảnh cho tình với vẻ đẹp tự nhiên của nó. Cảnh đẹp thế thì làm sao mà nhà thơ không thể gọi bằng em? Chính cái "Em bước điềm nhiên không vướng chân - anh đi lững đững chẳng theo gần" càng khẳng định cái say của thi nhân là có thực, càng làm cho cảnh đẹp hơn lên. Em là em, là cả đất trời, là vũ trụ bao la muôn màu muôn vẻ với chiều thu! Anh là anh, là kẻ đang khao khát, đang đi tìm kiếm nhựa sống ở đời. Vô tâm thôi, nhưng cái huyền dịu của em đã níu kéo hồn anh, đã đến trong con mắt của anh tự nhiên, bình thản, tâm hồn thi sĩ đã đến đúng cái nơi con tim khao khát kiếm tìm. Vì thế mà "Anh với em như một cặp vần", vì thế mà giữa người với cảnh không còn giới hạn khoảng cách mà đã hòa vào nhau như một, tình và cảnh giao hòa tha thiết. Cái hay, cái tinh tế của bài thơ là Xuân Diệu đã phát hiện được cái hơi thở của sự chuyển mùa: thu đến, nhà thơ được nghe hơi thở muôn loài. Bài thơ diễn tả được niềm giao cảm đầy tinh tế và hứng khởi của nhà thơ với cuộc đời, với thiên nhiên vũ trụ, đất trời. Sao nhà thơ lại nhìn thấy ở đám mây cái dáng bay gấp gấp, sao nhìn thấy ở con cò có một đôi cánh phân vân? Rõ ràng cái "gấp gấp" và "phân vân" kia là tâm trạng ở bên trong của sự vật, cái ở bên trong bí ẩn tiềm tàng mà nhà thơ vẫn cảm nhận và nói lên. Quả là bài thơ tuyệt diệu lắm.

Ta bắt gặp một cách tả mới, một cách nhìn mới: Nhà thơ không chỉ ta bút pháp cụ thể chân thật, sinh động, không chỉ tả theo chiều rộng của không gian bao la thoáng đãng mà nhà thơ còn miêu tả cái hồn của đất trời, của cây cỏ hoa lá. Nhà thơ đi sâu vào bên trong tâm tình của sự vật, cái đẹp của đất trời, cái hứng khởi say sưa của thi nhân khiên cho dưới con mắt của nhà thơ, tất cả đều tràn đầy sức sống. Tất cả đang cựa quậy, chuyển hóa, tất cả đều mang trong mình cái cảm giác lâng lâng của chiều thu.

Mây trắng về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.

Vì thế mà có một áng mây bay vội đi, có một con cò giang cánh phân vân; vì thế mà trời rộng thêm ra bởi đôi cánh vẫy vùng của một con chim tự do trong trời đất và một bông hoa thấm lan chiều sương.

Cảnh đẹp như thế sao ta chẳng gọi là em?

Cảnh đến người, nhà thơ tìm đến cảnh bằng sự tự nguyện, chân thành và say sưa với một đôi mắt khách quan cho nên nào phải "băng nhân gạ tỏ niềm" mà "lòng anh thôi đã cưới lòng em". "Cưới" ở đây là sự gặp gỡ, hòa quyện giữa cảnh và tình với vũ trụ bao la. "Anh cưới em" bởi trái tim yêu đời của anh đã tìm thấy em. Ở đây tình yêu đất trời, cuộc đời cỏ cây hoa lá của nhà thơ cũng giống như tình yêu trai gái: Nó cũng thiết tha, mặn nồng cũng say đắm và ngưỡng mộ. Thế mới thấy cái duyên của mùa thu như thế nào, thế mới thấy được cái duyên của tác giả, sâu sắc hơn những cái duyên yêu kiều đã làm nên một bài Thơ duyên tuyệt diệu.

Ta bảo ta chán thơ thiên nhiên đất trời bởi nó không còn là đề tài mới lạ, nó trở thành quen thuộc và muôn thuở của mỗi nhà văn nhưng nếu ta biết tìm từ cái quen thuộc ấy, cái sâu xa của hồn thơ, cái gửi gắm của hồn thi sĩ thì sẽ thấy thú vị và chẳng chán chút nào. Thơ duyên là bức tranh, vẻ đẹp lâng lâng bay bổng. Bài thơ viết về mối quan hệ, mối giao cảm của nhà thơ với đất trời, với cuộc đời thông qua việc miêu tả thiên nhiên. Những cảnh thiên nhiên được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, sinh động. Cảnh được miêu tả theo chiều sâu mở rộng không gian mang hơi thu lãng đãng và cảnh được phát hiện và lột tả bên trong linh hồn. Chính điều đó đã gợi sự tiếp nhận thoải mái, thanh thoát ở người đọc, đã làm nên cái duyên của bài thơ. Xuân Diệu một hôm nào đó đã thốt lên rằng:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn

Thì hôm nay đã hòa mình vào cuộc sống, không thể đối lập cái tôi của mình với cuộc sống, với người đời và thế giới. Hôm nay nhà thơ đã khẳng định mình: khao khát giao cảm với đời, yêu cuộc sống với vũ trụ bao la, với "con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu - lả lả cành hoang nắng trở chiều" để đến bây giờ "Lòng anh thôi đã cưới lòng em".
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

ADS
Tags
bài, cái, của, diệu, duyên, hay, hãy, phân, tích, thơ, trong, xuân, đẹp
Ðiều Chỉnh
Xếp Bài




© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay, truyen tranh online, ebook,ebook ngon tinh, van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.