Go Back   ๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ > VI - ♥ Không Gian IT ♥ > 27 - Ebook Tổng Hợp - SÁCH GIẢI FULL > Khoa Học Xã Hội > Văn Học Lớp 11


Tìm kiếm chủ đề bài viết ở đây trước khi hỏi TTB -Tìm bằng tiếng việt có dấu càng chính xác-Ví Dụ:Đánh vào Hwang mi ri để tìm truyện tác giả này
$$**=====DS Truyện Tranh Online=====**$$ $$**=====Truyện Tranh Mới Đang Update=====**$$

KHÔNG XEM ĐƯỢC ẢNH TRUY CẬP ĐỔI DNS CLICK VÀO ĐÂY


Trả lời
  #1  
25-09-2012, 02:22 AM
adminbao adminbao is offline
Đầy Tớ Của Nhân Dân
Facebook: https://www.facebook.com/tuthienbaocom

Default Một số đặc điểm trong tư duy tự sự của Nam Cao qua 'Chí Phèo'




Nghiên cứu truyện "Chí Phèo", nhiều người nhận ra trong tác phẩm này hội đủ những yếu tố cấu thành một chủ nghĩa hiện thực kiểu Nam Cao. Cụ thể, tác giả "Chí Phèo" không chỉ góp vào những nét vẽ thần tình để hoàn tất bức tranh thực tại đời sống xã hội VN trong một thời điểm lịch sử, mà hơn thế, với cảm hứng truy nguyên mạnh mẽ, nhà văn đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của bấy nhiêu thực trạng được phơi bày.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào cấu trúc nội tại của tác phẩm, ta còn có thể nhận thấy rằng: cảm quan hiện thực sắc bén của Nam Cao thấm đẫm mọi thành tố, khiến cho mọi tế bào nghệ thuật của tác phẩm tồn tại thống nhất như trong một sinh thể; chúng tương tác, quy định lẫn nhau một cách chặt chẽ, logic, thể hiện đặc điểm riêng của một kiểu tư duy tự sự.

Theo thời gian, giá trị của tác phẩm Chí Phèo (chủ yếu qua hình tượng nhân vật chính) dường như đã được lĩnh hội khá đầy đủ, sâu sắc ở nhiều phương diện ý nghĩa: điển hình cho tầng lớp nông dân bần cùng hoá, lưu manh hoá, bi kịch bị từ chối quyền làm người, sức khái quát hiện thực, sự thể hiện cảm hứng nhân đạo cũng như khả năng khám phá chiều sâu tâm lý con người của tác giả... Những khía cạnh ấy đương nhiên là hết sức quan trọng. Nhưng một số vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là hệ thống hình tượng được tạo nên bởi các thành tố đan dệt trong mối quan hệ tương liên tương tác hết sức tinh vi, là sự phối thuộc lẫn nhau giữa các tình tiết nghệ thuật; là tính tất yếu của các sự kiện, biến cố cũng như biểu hiện của tâm lý nhân vật... Tóm lại, thoát khỏi cách bình giá thông thường ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng, cố gắng nhìn nhân vật như một “khách thể hành động”, ta nhận thấy Nam Cao không hề giản đơn, không hề lơi lỏng trong tư duy và xử lý các yếu tố tự sự của mình.

1. Sự chặt chẽ trong tư duy tự sự của Nam Cao bộc lộ trước hết ở việc sáng tạo một mạng lưới các chi tiết nghệ thuật có độ nén rất lớn và tổ chức chúng thành một hệ thống có sức biểu đạt cao. Nỗ lực sáng tạo của Nam Cao thể hiện ở sự gia tăng những chi tiết có chức năng kép: vừa giữ chức năng miêu tả, vừa giữ chức năng giải thích. Đó là những chi tiết có vai trò rất quan trọng trong kết cấu tác phẩm. ở vị trí vốn có trong văn bản tự sự, các chi tiết đắt giá có khả năng đem đến cho người đọc sự nhận thức rất sâu về đối tượng. Chức năng miêu tả, chức năng định danh của chúng là hết sức rõ ràng. Thiếu chúng, khó mà hình dung được đầy đủ những đặc điểm của đối tượng. Nhưng mặt khác, đặt vào trong hệ thống, chúng lại hàm chứa khả năng lý giải, khả năng cắt nghĩa rất lớn. Rất nhiều điều ẩn khuất, nhiều nghịch lý thấp thoáng chỗ này chỗ kia bỗng trở nên sáng rõ hơn bởi những chi tiết như thế. Có thể thấy điều này, chẳng hạn qua lai lịch Chí Phèo được Nam Cao miêu tả trong tác phẩm. Chỉ bằng mấy dòng ngắn gọn, dường như tác giả đã tiên lượng đầy đủ về số phận nhân vật. Với một bản “lý lịch” khá đặc biệt như thế, dường như trong con người Chí Phèo, sự bất trắc, nỗi thống khổ đã được “cài đặt” sẵn, chúng tiềm ẩn và sẽ bùng phát bất cứ lúc nào trên mỗi bước đường đời. Nói cách khác, trong bối cảnh cuộc sống lúc bấy giờ, một con người như Chí Phèo không bất hạnh mới là vô lý. Lời đay nghiến của bà cô đối với Thị Nở khi thị định gắn đời mình với Chí Phèo: “đàn ông chết hết rồi hay sao mà lại đi đâm đầu lấy một thằng không cha không mẹ”... chỉ là sự láy lại thái độ nhất quán của cộng đồng đối với một số phận coi như đã được an bài một cách hiển nhiên trong ý thức mọi người.

Từ điểm nhìn mà ta đang tuân thủ, cái thiện của nhân vật Chí Phèo, cũng là chi tiết có độ nén lớn. Khác với Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng - con người hư hỏng từ trong trứng nước - Chí Phèo vốn lương thiện, một sự lương thiện gần như bản năng. Không phải là kết quả của một sự giáo dục nào đáng kể, cái thiện căn của Chí Phèo vẫn đủ mạnh để giúp Chí, ngay giữa tuổi hai mươi, vượt qua sự cám dỗ của một người đàn bà dâm loạn. Nó cũng không dễ dàng bị đánh bật khỏi tiềm thức bởi những trận say triền miên và những hành vi phá phách. Điều này rất có ý nghĩa. Bởi nếu không có cái thiện căn nguyên sơ sâu bền ấy thì khó mà giải thích nổi tại sao sau khi gặp Thị Nở, nhờ sự tác động của tình người, Chí Phèo bỗng trỗi dậy khát vọng hoàn lương, tức là khao khát trở về với bản nguyên thuần khiết được cất giữ sâu kín trong tiềm thức của mình.

Những chi tiết giàu hàm lượng nghệ thuật thường khiến cho tác phẩm trở nên có chiều sâu bởi tính đa nghĩa. Ngược lại, những chi tiết có độ nén cao, có chức năng kép thường đem đến cho người đọc những thú vị bất ngờ bởi sự phát hiện, sự vỡ lẽ. Đọc truyện Chí Phèo, gặp chi tiết Chí Phèo xách dao đi trả thù, độc giả không thể không bật ra câu hỏi: do đâu mà bước chân Chí Phèo dẫn hắn đến nhà Bá Kiến trong khi hắn vừa đi vừa lẩm bẩm: “Phải đến nhà con -- kia để đâm chết nó, đâm chết con khọm già nhà nó” ? Có phải “những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm” như cách lý giải trực tiếp của người thuật truyện? Vấn đề hẳn không đơn giản như vậy. Không nên quá cả tin vào sự lý giải trực tiếp của lời kể chuyện, bởi xét về chức năng nghệ thuật, những lời ấy có lúc “đánh bẫy” người đọc một cách có chủ ý. Với chi tiết này, Nam Cao buộc người đọc phải tìm lấy câu trả lời ngay chính trên tương quan có vẻ mâu thuẫn của hành động. Nếu cho rằng hành động của Chí Phèo là cố tình thì vô lý, nhưng cho là vô thức thì lại hoá vô nghĩa. Đúng ra, Chí Phèo bước đi trong trạng thái chập chờn, lưỡng phân [1]. Bước chân ấy vừa theo quán tính lại vừa theo sự dẫn dắt vô hình của con người lương tri. Theo quán tính thì dĩ nhiên Chí Phèo không rẽ vào nhà Thị Nở mà sẽ đến nhà Bá Kiến. Theo sự dẫn dắt của con người lương tri thì điểm đến cũng là nhà Bá Kiến, bởi con người này không mơ hồ về kẻ thù của mình. Sự suy diễn trên càng có cơ sở nếu ta lắng nghe những lời buộc tội gay gắt cuối cùng của Chí Phèo khi đối thoại cùng Bá Kiến. Lời chất vấn sắc sảo khôn ngoan ấy đâu phải là lời lẽ của một thằng say.

Ngay trong sự kiện này, có một chi tiết đặc sắc chắc chắn không nằm ngoài sự tính toán của Nam Cao: Chí Phèo đến nhà Bá Kiến lúc ông ta đang nổi cơn ghen. Lão ghen vì bà tư quá trẻ, cứ phây phây, lẳng lơ, đa tình. Lão ghen với bọn trai trẻ trong làng và muốn tống hết bọn chúng vào tù. Chỉ cần có thế, lập tức người đọc vụt nhớ ngay đến cơn ghen vô cớ của Bá Kiến hơn hai chục năm về trước - một cơn ghen mù quáng và độc địa đã huỷ hoại cuộc đời một con người lương thiện. Và giờ đây, nạn nhân đang hiện diện trước mặt kẻ gây tội ác, đang dồn dập đặt ra những câu hỏi không thể trả lời. Không trả lời được những câu hỏi Chí Phèo đặt ra cũng có nghĩa Bá Kiến phải chết, chết giữa cơn ghen đích đáng như một sự quả báo. Quan sát mọi biến cố, mọi tình tiết theo hướng này ta sẽ thấy không thể cắt nghĩa đầy đủ chiều sâu tác phẩm nếu thiếu cái nhìn hệ thống. Những “đơn vị chức năng” [2] chỉ thực sự phát sáng khi nó được đặt trong mối quan hệ hết sức tinh vi với những “đơn vị chức năng” khác.

2. Đối với thể loại truyện, điểm hấp dẫn và cũng rất khó trong xử lý nghệ thuật chính là những bước rẽ ngoặt bất ngờ của số phận nhân vật. Ở đó, nhà văn phải chuẩn bị “thế năng” cần thiết để cho những đột biến kia diễn ra như một tất yếu. Những điểm “gấp khúc” trong cuộc đời Chí Phèo thực sự là những thử thách rất lớn đối với khả năng sáng tạo của Nam Cao, đồng thời cũng là chỗ thể hiện những đặc điểm nổi bật trong tư duy tự sự của ông.

Có hai bước ngoặt bất ngờ trong đường đời Chí Phèo được Nam Cao miêu tả. Thứ nhất: từ một con người hiền lành, lương thiện, bị đẩy vào tù một cách vô cớ, trở thành kẻ hung hãn. Thứ hai: từ một kẻ tha hoá, điên dại, bỗng cất tiếng kêu đòi được sống lương thiện.

Ở khúc ngoặt thứ nhất, nhà văn đã đưa ra hai hình tượng Năm Thọ và Binh Chức - những nhân vật phụ không trực tiếp tham gia vào diễn biến câu chuyện - để làm sáng tỏ nhiều điều. Trong lời kể nhẩn nha, những nhân vật này như tiện thể được nhắc đến, nhưng thực chất, vai trò giải thích, cắt nghĩa của chúng đã được phát huy tối đa. Nếu như nhân vật Năm Thọ ngầm lý giải đầy đủ cho cái nguyên cớ Chí Phèo bị đẩy vào tù (cái nguyên cớ vốn rất mù mờ trong con mắt người dân làng Vũ Đại), thì nhân vật Binh Chức lại rọi sáng cái quá trình biến chất của Chí Phèo. Nhờ sự xuất hiện của những nhân vật ngoài cốt truyện ấy mà tính tất yếu trong mọi biến cố của số phận nhân vật chính được bộc lộ sắc nét, rõ ràng hơn. Từ hai nhân vật bên lề của truyện Chí Phèo, ta càng hiểu rõ hơn điều mà Roland Bathes khẳng định khi nghiên cứu cấu trúc truyện kể: “Chỉ có một con đường duy nhất: hoặc trong văn bản, mọi thứ đều có ý nghĩa hoặc không có ý nghĩa nào hết... Trong tác phẩm nghệ thuật không có yếu tố thừa, cho dù sợi chỉ xâu chuỗi đơn vị cốt truyện với các đơn vị khác có thể rất dài, mong manh hay mảnh mai” [3].

Ở bước ngoặt thứ hai, tất cả bắt đầu từ tình huống gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở - một tình huống có tính quyết định cho sự đột biến. Tình huống gặp gỡ này thoạt nhìn có vẻ là hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng quan sát kỹ, ta sẽ thấy Nam Cao đã ngầm chuẩn bị khá chu đáo mọi phương diện.

Về phía Thị Nở, khác với mọi người dân làng Vũ Đại, chưa bao giờ Thị sợ hãi và xa lánh Chí Phèo. Mặc cho Chí là người thế nào, Thị Nở vẫn đi qua vườn nhà Chí Phèo ra sông lấy nước. Thậm chí có lúc thị còn vào nhà Chí Phèo xin rọi lửa, xin rượu bóp chân. Chuyện người dân Vũ Đại kinh sợ Chí Phèo là điều thị không hiểu nổi. Và cái cảnh Thị ngủ ở vườn chuối bờ sông hẳn cũng không phải chỉ có một lần. Vậy nên, việc Chí Phèo gặp Thị Nở như tình trạng như Nam Cao miêu tả trong tác phẩm chỉ là vấn đề thời điểm. Những gì phải xảy ra tất yếu đã xảy ra.

Một điều quan trọng khác có lẽ cũng không nằm ngoài sự cẩn trọng của Nam Cao: mặc dù miêu tả Thị Nở xấu xí, ngẩn ngơ là vậy, nhưng tác giả không hề biến Thị Nở thành một kẻ đần độn về tinh thần. Thị Nở cũng có những khoái cảm xác thịt như mọi người bình thường, vừa cưỡng lại, vừa dâng hiến; vẫn biết thấy ngượng và thinh thích khi nói đến hai tiếng “vợ chồng”; vẫn biết lườm nguýt, e lệ, biết cách âu yếm rất “bình dân” nhưng không kém phần tình tứ... Nghĩa là ở Thị Nở vẫn vẹn nguyên cái “thiên tính nữ” mà tạo hoá đã thổi vào cái hình hài xấu xí thô kệch kia.

Phía Chí Phèo, ta biết rằng Chí chưa bao giờ ý thức về cái xấu “ma chê quỷ hờn” của Thị Nở cũng như chưa hề bận tâm về sự ngẩn ngơ và cái dòng mả hủi của người đàn bà ấy. Không kể lúc say mà cả khi tỉnh táo, Chí vẫn nhận thấy “Thị thế mà có duyên”. Nam Cao đã không để Chí Phèo nhìn Thị Nở bằng con mắt kì thị của người dân làng Vũ Đại. Quả thật, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Nam Cao thể hiện qua những chi tiết vừa nêu, sự gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở sẽ không có được chiều sâu ý nghĩa và giá trị nhân văn.

Là một nhà văn hiện thực chủ nghĩa nghiêm ngặt, Nam Cao hiểu rằng ước muốn trở về với cuộc sống lương thiện của Chí Phèo là điều không hề đơn giản (xét ở góc độ xử lý nghệ thuật). Làm sao để một kẻ đã mất hết nhân tính, chỉ quen đập phá và cắn xé điên dại bật ra được tiếng kêu đòi trở về với cuộc sống hiền lành như những người bình thường? Khát vọng đó nếu có thì nhất định phải diễn ra theo một quá trình hợp lý và phải là kết quả của những tác nhân hết sức đặc biệt nào đó. Hành động cưỡng đoạt Thị Nở của Chí Phèo được miêu tả như là tác nhân kiểu ấy. Nó đặc biệt bởi lần đầu tiên Chí Phèo biết đến người đàn bà với tận cùng mọi cảm giác của mình. Nhân vật AQ (AQ chính truyện của Lỗ Tấn) chỉ mới chạm vào tay -- Ngò mà đã ngây ngất cái cảm giác về da thịt đàn bà thì mới biết rằng hành động giao hoan với Thị Nở sẽ là “cơn địa chấn” cực mạnh làm biến đổi toàn bộ đời sống sinh, tâm lý của Chí Phèo. Những diễn biến trong nội tâm của Chí Phèo vào cái buổi sáng sau đêm gặp Thị Nở là toàn bộ hệ quả của “cơn địa chấn” kia. Như có người đã chỉ ra, quá trình tâm lý ấy đã diễn ra một cách logic theo kiểu phản ứng dây chuyền. Ở đó, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chìm trong những cơn say triền miên, các giác quan của Chí Phèo dần dần hồi tỉnh để đánh thức những xúc cảm bị vùi quên từ rất lâu [4]. Nam Cao đã miêu tả rất kỹ lưỡng những diễn biến tinh vi phong phú ấy, và điều đó cho thấy sự cặn kẽ trong bút pháp tự sự của ông.

Tuy nhiên, để dẫn đến nỗi khát thèm lương thiện ở Chí Phèo, cần phải có thêm chất xúc tác. Bát cháo hành của Thị Nở chính là chất xúc tác quan trọng đó. Nhiều người đã phân tích rất kỹ ý nghĩa phong phú sâu sắc của chi tiết nghệ thuật này [5]. Ở đây, chúng tôi chỉ lưu ý thêm tác động mạnh mẽ của bát cháo hành đối với tâm trạng Chí Phèo - điều rất đáng quan tâm khi xem xét đặc điểm bút pháp phân tích tâm lý của tác giả. Thoạt tiên, Chí rất ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên trong đời hắn được nhận miếng ăn do người khác đem cho. Sau thoáng ngạc nhiên là nỗi xúc động chân thành, nhờ đó mà Chí Phèo mới cảm nhận được vị ngon đặc biệt của cháo hành. Bát cháo hành còn buộc Chí Phèo tự đối diện nghiêm khắc với những hành động cướp giật thường xuyên để có cái mà ăn - một kiểu ăn không khác gì thú vật. Rồi bất giác, Chí so sánh cử chỉ săn sóc của Thị Nở với hành vi dâm đãng của vợ ba Bá Kiến ngày nào. Tất cả những điều đó khiến tâm trạng Chí Phèo xáo trộn dữ dội. Cái thiện căn bị chèn lấp bởi bao nhiêu thứ giờ đây đã bật dậy vẹn nguyên: “Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi, sao mà hắn hiền... Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao!” Có phải anh canh điền Chí Phèo lành như đất của tuổi hai mươi lại hiện diện trong cái hình hài vốn đã thay đổi đáng sợ? Anh ta đang cất tiếng kêu tha thiết đòi được sống kiếp sống đích thực của con người. Đây chính là kết quả của một quá trình chuyển biến hết sức tinh vi, phức tạp nhưng cũng rất logic trong tâm trạng Chí Phèo. Diễn tả quá trình này, ngòi bút của Nam Cao đạt đến độ sắc sảo, thấu đáo và vô cùng chặt chẽ.

Tuân thủ nguyên tắc tiếp cận này, một câu hỏi tất yếu được đặt ra: do đâu mà khát vọng hoàn lương đẹp đẽ của Chí Phèo bị từ chối? Có ý kiến cho rằng do thói hồ đồ định kiến của người đời mà bà cô Thị Nở chỉ là kẻ phát ngôn [6]. Nói thế không sai, tuy nhiên những gì mà văn bản cung cấp sẽ giúp ta hiểu thêm một số khía cạnh. Cần biết rằng những thay đổi ở Chí Phèo dù lạ lùng, kỳ diệu đến đâu cũng chỉ mới dừng lại ở khao khát thầm lặng trong thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật mà thôi. Người dân làng Vũ Đại ngoại trừ việc thấy một sự kiện lạ: đã năm ngày Thị Nở đến ở nhà Chí Phèo (sẽ là đề tài hấp dẫn cho những câu chuyện đàm tiếu kiểu nhà quê), tuyệt chưa hề nhận được dấu hiệu đáng tin nào để thay đổi thái độ đối với Chí Phèo. Thậm chí, hắn có nói to lên những ý nghĩ tốt đẹp từng nảy sinh trong đầu khi ở bên Thị Nở cho mọi người nghe thì người ta cũng không thể tin ngay được. Lực cản lớn nhất là từ phía Chí Phèo: hắn đã gieo rắc quá nhiều nỗi đau, sự bất hạnh cho cuộc sống vốn đã rất khốn khổ của người dân yếu đuối và lương thiện. Bản năng tự vệ buộc họ phải xa lánh Chí Phèo. Cho nên, muốn được chấp nhận trở lại trong cái xã hội thân thiện bằng phẳng này, Chí Phèo phải trải qua những thử thách để hoà nhập, phải chịu sự “sát hạch” qua thời gian. Mà Chí Phèo thì không nhận thức được và cũng không đủ kiên nhẫn để làm điều ấy (cứ xem cái cách Chí Phèo lôi rượu ta uống và chửi Thị Nở khi phải chờ đợi thì đủ biết). Đó là chưa tính đến lực cản từ phía những kẻ thường xuyên lợi dụng sự điên dại của Chí Phèo và thừa sức khống chế Chí Phèo trong tình trạng điên dại. Bấy nhiêu điều cũng đủ thấy sự trở về với cuộc sống lương thiện của Chí Phèo là một giấc mơ đẹp nhưng “ít tính khả thi”. Cái thực tế hiển nhiên đó Nam Cao thấu hiểu, và, với cảm quan một nhà văn hiện thực chủ nghĩa, ông không thể nói khác.

3. Tìm hiểu đặc điểm tư duy tự sự của Nam Cao qua truyện Chí Phèo không thể không xem xét cách tổ chức văn bản của tác giả. Một trong những sở trường của Nam Cao là lối kết cấu văn bản thoạt nhìn là rất tự do, phóng túng, nhưng kỳ thực hết sức chặt chẽ. Văn bản truyện Chí Phèo được tổ chức theo nguyên tắc: gián đoạn về thời gian nhưng tuần tự về trần thuật. Roland Bathes gọi đặc điểm này trong văn bản tự sự là “tính logic không đồng đại” [7]. Chính sự gián đoạn về thời gian cho ta cái cảm giác về một lối kể tự nhiên, phóng túng, rất hiện đại. Truyện Chí Phèo chủ yếu kể về những điều đang diễn ra (gắn với thì hiện tại). Cách mở đoạn thường gắn với sự định vị thời gian: “Thì năm nay lại nảy ra Chí Phèo...”; “Bây giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi...”; “Hắn cứ chửi như chiều nay hắn chửi...”; “Bây giờ thì đến ngõ nhà Tự Lãng...”; “Bây giờ thì chúng ngủ bên nhau...”; “Bây giờ Chí Phèo đã mửa xong...”; “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh...”. Trong toàn truyện, cách sử dụng thời gian lại rất linh hoạt với sự đan xen giữa hiện tại, quá khứ, tương lai. Tuy nhiên, sự đảo lộn trật tự thời gian tuyến tính trong truyện Chí Phèo không hề phá vỡ tính liền mạch của câu chuyện, ngược lại có có tác dụng gia tăng tính tuần tự, tính nối kết chặt chẽ của các tình tiết nghệ thuật. Chẳng hạn, đoạn mở truyện tả tiếng chửi của Chí Phèo được khép lại bằng câu: “A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết”. Cả đoạn văn tiếp theo là thời gian quá khứ, với chuyện anh thả ống lươn đã nhặt được Chí Phèo như thế nào. Rất tự nhiên, nó đã trả lời lập tức những câu hỏi vừa buông ra ngay cuối đoạn văn trước đó. Bất cứ giữa hai đoạn văn kể về những thời điểm khác nhau nào trong tác phẩm, ta cũng dễ dàng tìm ra mối liên hệ rất logic như trên. Rõ ràng, cái nguyên tắc gián đoạn về thời gian mà liền mạch về trần thuật hầu như là một nguyên tắc được sử dụng nhất quán trong kết cấu văn bản truyện Chí Phèo. Nó cho thấy sự buông bắt rất nhịp nhàng của tác giả.

Vậy là cả ở cấp độ kết cấu hình tượng lẫn cấp độ kết cấu văn bản, truyện Chí Phèo bộc lộ một kiểu tư duy tự sự đặc thù của Nam Cao. Không riêng gì Chí Phèo mà ở hầu hết truyện của Nam Cao, dường như mọi thành tố có mặt trong tác phẩm phải có mối liên hệ qua lại với nhau theo luật tương tác, luật nhân quả, hô ứng... được điều phối bởi một ý thức sáng tạo đầy quyền năng. Đương nhiên, những thành tố đó phải được tổ chức tinh vi như những “hệ vi mạch”. Nhờ vậy, ý nghĩa mà chúng tạo ra trong sự tiếp nhận của người đọc là vô cùng phong phú. Cũng cần nói thêm, kiểu tư duy tự sự này không phải là độc quyền của Nam Cao mà là đặc thù của nghệ thuật hiện đại. Nó sẽ bị phủ định một cách quyết liệt trong văn học hậu hiện đại
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

ADS
Tags
cao, của, chí, duy, một, nam, phèo, qua, số, sự, tự, trong, , đặc, điểm
Ðiều Chỉnh
Xếp Bài




© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay, truyen tranh online, ebook,ebook ngon tinh, van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.