Thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh là sự tiếp nối Nhật ký trong tù thể hiện lòng yêu nước, chí khí, tinh thần lạc quan của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Phân tích một số bài thơ kháng chiến của Người để làm rõ ý kiến.
Bài làm:
Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pác Bó gió lùa
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Manh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.
( Chế Lan Viên).
Thời gian vẫn mải miết cuộc hành trình băng qua năm tháng. Cuộc chiến đấu gian lao mà anh dũng của dân tộc đã lùi vào quá khứ nhưng âm ba còn cvọng mãi không thôi. Bóng dáng người Cha già kính yêu Hồ Chí Minh lồng lộng tạc vào thế kỷ những dấu ấn không phai. Con đường cách mạng của Người từ nhà lao Tưởng Giới Thạch đến hang Pác Bó cũng là con đường thơ từ Ngục trung nhật ký đến thơ ca kháng chiến luôn sáng lên lòng yêu nước, tinh thần lạc quan.
Lần dở trang thơ – trang lòng lãnh tụ những nămtrường kỳ kháng chiến ta thấy bao giá trị cao quý. Đúng là Thơ kháng chiến Hồ Chí Minh là sự tiếp nối Nhật ký trong tù. Thi ca ra đời trong xiềng xích hay bay bổng giữa mênh mông Việt Bắc đều nhất quán thể hiện lòng yêu nước, chí khí, tinh thần lạc quan của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Điều đó nói lên sự định hình của một phong cách thơ khỏe khoắn, dồi dào. Hơn thế nữa, đó còn là minh chứng cho một trái tim trọn đời thao thức với quê hương, đất nước, đập những nhịp đập rắn rỏi trong huyết mạch đỏ thắm. Sự tiếp nối thấm nhuần trong thể thơ, trong thi liệu, trong một tình yêu bát ngát với thiên nhiên, xứ sở. Dù người nghệ sĩ bị giam cầm trong tối tăm, nghiệt ngã hay tự do giữa rừng núi hoang sơ, tiếng thơ luôn là điệu đàn tranh đấu hào hùng, là khúc hát yêu thương đằm thắm của một tâm hồn tràn đầy yêu nước, yêu thiên nhiên. Có một vầng trăng tri kỷ đi về trong thơ Bác mà ánh sáng xuyên suốt hầu hết thi phẩm của Người. Thật vậy, trở về với tháng năm cả dân tộc sôi sục bầu huyết kháng chiến, những ngày cách mạng còn gian khổ, ta bắt gặp một đêm rằm đẹp như huyền thoại, tỏa sáng lung linh.
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên.
( Nguyên tiêu).
Vẫn là thể thơ tứ tuyệt sâu đằm chất Đường thi trong Nhật ký trong tù, vẫn là ánh trăng huyền ảo, đắm say. Tứ thơ gợi nhớ đến một đêm rằm bên cửa ngục.
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu
Hay:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Vầng trăng xưa cô lieu, quạnh quẽ “ mảnh trăng thu”. Nó mong manh trong nổi nhớ quê hương da diết, ngày đêm “ Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ”. Tình yêu thiên nhiên hóa thành nỗi khát khao, khiến “ trăng” và “ người” cố hướng đến nhau, giao cảm với nhau qua “ khe cửa” tù giam. Vầng trăng nay tự do, khỏe khoắn. Nó chảy tràn, ôm ấp cả bài thơ.
“ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên” – ba từ “ xuân” liên tiếp dậy một sức sống bừng bừng. Hương xuân, sắc xuân, tình xuân tràn ngập không gian và lòng người hơi xuân nồng ấm. Lòng yêu thiên nhiên thấm đẫm khiến Bác nhìn đâu cũng thấy những vẻ đẹp say lòng.
Yêu ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Lại là tứ thơ hài hòa giữa tình yêu đất nước và tinh thần chiến sĩ. Ở Nhật ký trong tù là nỗi nhớ trào lên trước trăng thu. Ở thơ kháng chiến, nỗi nhớ hoá hành động cụ thể, quyết đem lại độc lập tự do cho xứ sở “ đàm quân sự”.
Âm hưởng cổ thi triền mien, êm đềm dâng lên trong hai câu thơ. Cõi mêng mông khói sóng ấy khác xa câu thơ của Tô Hiệu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sự nhân sầu.
Yên ba xưa buồn bã, u hoài, yên ba nay là cái nền thơ mộng cho công việc chiến đấu. Một sự tiếp nhận và sáng tạo độc đáo làm nổi bật tính nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại trong thơ Bác. Đó cũng là một bước đi từ Nhật ký trong tù đến thơ ca kháng chiến. Con thuyền chở trăng của Lí Bạch u uất, muộn phiền, con thuyền chở trăng của Hàn Mạc Tử chở cả nỗi hoài nghi, vô vọng. Còn con thuyền chở trăng trong Nguyên tiêu là hình ảnh phát triển của con thuyền giải tù.
Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình
Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.
Cả hai khác nhau về không gian, thời gian, bối cảnh, nhưng đều là con thuyền thép chở ý chí, tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Một sự kết hợp tài tình giữa hiện thực và lãng mạn. Tình yêu chiến khu Việt Bắc thăng hoa và kết tinh trong những vần thơ tuyệt bút.
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Bài thơ khép lại rồi mà ánh trăng còn lai láng, nó thắp sáng tâm hồn ngạy cảm mà gang thép, đằm thắm mà rắn rỏi của người chiến sĩ – thi sĩ Hồ Chí Minh.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự tiếp nối ấy còn thể hiện ở nhiều góc độ khác mà bài Cảnh khuya là một điển hình. Thi tứ trằn trọc, băn khoăn vì Tổ quốc cứ trở đi trở lại trong thơ Người từ thơ tù đến thơ kháng chiến.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bong lồng hoa.
Năm 1947 ấy, đêm khuya tĩnh mịch, Bác lắng nghe bắng thính giác đẹp của người nghệ sĩ nên “ tiếng suối” đã hóa thành “ tiếng hát xa”. Vầng trăng tri kỷ đi về trong thơ Bác nhiều lần nhưng mỗi lần một vẻ đẹp khác nhau. Sự đan chéo, lồng quyện giữa trăng – cây – hoa tạo nên bức tranh thiên nhiên quyến rũ vô cùng. Thế nhưng.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bác thức thâu đêm đâu phải chỉ để “ mỡ hồn uống trọn hương đêm” ( Xuân Diệu) mà vì nỗi lo nước thương nòi trĩu nặng tâm tư. Câu thơ cuối như cánh cửa tâm hồn mở ra một lòng yêu nước bao la, tinh thần trách nhiệm cao của người chiến sĩ cách mạng. Tiếng suối reo bên tai có nét gì tương đồng chăng với tiếng đêm canh năm nào gõ nhịp vào tim, gõ vào nỗi nhớ.
Một canh… hai canh…lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
( Không ngủ được).
Trong ngục thất năm xưa, nỗi nhớ cồn lên dày vò tâm trí. Nơi chiến khu năm nay, nỗi lo trĩu nặng tâm hồn xua đi giấc ngủ. Hai hoàn cảnh nhưng một tâm hồn, một trái tim nặng tình non nước. Sừng sững đứng lên giữa hoang vu của đêm rừng, dáng dấp người chiến sĩ trung kiên tạc vào đá núi, âm vang đến muôn đời tiếng thơ kỳ diệu.
Thơ ca đã thể hiện tinh hoa Hồ Chí Minh. Ở tù, Bác phải đi đày “ năm mươi ba cây số một ngày”, ốm đói, bệnh tật thì ở chiến khu Người phải.
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Dù luôn thiếu thốn, khắc nghiệt nhưng tinh thần lạc quan, ý chí cách mạng của Người luôn bừng sáng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
( Tức cảnh Pác Bó).
Tóm lại, ý kiến nêu trong bài là sự đúc kết sâu sắc trên cơ sở đồng cảm và thấu hiểu thơ ca Hồ Chí Minh. Phong cách nghệ thuật của Người tại sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời thơ – đời cách mạng. Thơ kháng chiến là sự tiếp nối, một bước phát triển cao của Nhật ký trong tù từ thể thơ, cảm hứng âm điệu Đường thi…đến hình tượng nghệ thuật. Ở đó ta bắt gặp một tấm lòng “ Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước” ( Chế Lan Viên), một tinh thần lạc quan. “ Hết mưa là nắng hửng lên thôi” của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại mang chí khí sắt thép. Con người trong thơ Bác vụt lớn lên như huyền thoại, lấp lánh hào quang. Tiếng thơ Người là tiếng đồng vọng của khúc hát yêu thương và bài ca chiến đấu.
Có một loài hoa biểu trưng cho nét đẹp cao quý của con người Việt Nam: hoa sen. Có một con người thành tượng đài bất diệt cho sức sống của cả dân tộc. Hồ Chí Minh. Bác đã đi xa nhưng bong dáng Người sống mãi trong muôn triệu trái tim. Thơ Bác vẫn mãi mãi cất lên trên mọi miền sử sở, đọng lại thiết tha giữa lòng đất nước. Bao lâu trên cõi đời này còn sự ngự trị của cái Đẹp – tài năng và nghệ thuật thì tiếng thơ Người còn vọng mãi không thôi. Đời cách mạng hòa quyện đời thơ làm nên “ cái Đẹp đăng quang và cứu chuộc” dân tộc mến yêu. Một nén tâm hương kính dâng Người trong triền mien nỗi nhớ.
Con đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
( Hoàng Trung Thông).
|