Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Nhiều ý kiến ĐB cho rằng các quy định vẫn chưa linh hoạt, chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Buổi chiều cùng ngày, Chủ nhiệm UB kinh tế của QH trình bày báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); các ĐB thảo luận tại Hội trường về dự thảo luật này.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng được hoãn, giãn thuế để vượt qua giai đoạn khó khăn
Băn khoăn về thời hạn nộp thuế
Quy định được nhiều ĐB "mổ xẻ” chính là về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK). Theo ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), tại Điều 42, Luật Quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, tuy nhiên dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa XNK phải thực hiện trước khi thông quan. "Việc sửa đổi như vậy sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN)”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn) thì cho rằng, cần xem xét và chưa nên có quy định sửa đổi về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK. "Trong năm 2012, xuất khẩu có phát triển, nhưng trong năm 2013 sẽ có nhiều điều phức tạp. Chúng tôi rất lo việc xuất khẩu đạt 10% GDP, vì vậy từ tình hình thực tế khó khăn của DN đề nghị ban soạn thảo xem xét chưa sửa đổi”. Cũng lo lắng cho rủi ro của DN, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng kiến nghị, cần ghi cụ thể trong luật quản lý rủi ro và ưu tiên quản lý rủi ro, tiêu chí xếp hạng ưu tiên quản lý rủi ro để tạo sự minh bạch, công khai niềm tin cho người nộp thuế.
Nhiều quy định chưa linh hoạt
ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo có bổ sung trường hợp cưỡng chế đối với người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế quyết định cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời gian không quá 12 tháng. Tuy nhiên, đi kèm theo điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Việc này gây khó khăn cho người nộp thuế. Vì vậy, cần phải nghiên cứu lại điều này. Về việc bổ sung các nguyên tắc quản lý rủi ro có những tiến bộ tạo điều kiện cho người nộp thuế, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đánh giá, quy định này vẫn chưa thể hiện được rõ ràng, thiếu quy định chung về phân loại rủi ro cho người nộp thuế. Liên quan đến quy định về nội dung kê khai thuế, ĐB Điêu K’Rứ (Đắk Nông), cho rằng, hiện Chính phủ đang cải cách hành chính, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa tập trung đầu tư. Do đó cần quy định rõ trong luật quản lý thuế được khai thuế theo tháng hay quý bằng việc dựa vào số thuế phát sinh, số phải nộp và số còn được khấu trừ để giảm bớt phiền hà cho DN.
ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa): Không nên gây khó khăn cho người nộp thuế
Đặc biệt, liên quan đến các biện pháp cưỡng chế thi hành hành vi trốn thuế như kê biên tài sản để thu tiền cho thuế, nếu không thu hồi sẽ bị tẩu tán tài sản, không thu được thuế, ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, mức xử phạt hành vi chậm nộp thuế theo quy định như trong dự thảo là không đủ sức răn đe, vì vậy cần phải tăng mức phạt này lên cao hơn nữa để tránh tình trạng chây ì. Đồng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thùy Phúc (Bình Thuận) nói: "Biện pháp cưỡng chế thuế làm khó, không linh hoạt, khó thu thuế do quy định về thời hạn là 90 ngày. Theo ĐB Phúc, các trường hợp quá 90 đều chây ì, bỏ trốn. Do vậy, nếu áp dụng tuần tự các biện pháp thì khó mà thu hồi được, chưa kể mất thời gian xác minh, không có chuyên môn nghiệp vụ. Đến lúc xong đối tượng đã bỏ trốn, hoặc tài sản đã được tẩu tán hết không kê biên được.
Nộp thuế chậm nên tính theo mức lãi suất ngân hàng
Theo ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) nên áp dụng thời hạn 5 năm tăng trách nhiệm với các cơ quan quản lý thuế hơn là mức 10 năm. "Về xử lý việc chậm nộp thuế, khai thuế sai nên phân biệt với khai man thuế. Trường hợp nộp thuế chậm nên áp dụng với mức lãi suất ngân hàng” - ĐB Hùng kiến nghị. Đối với DN bị tuyên bố phá sản, ĐB Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) đề nghị, bổ sung quy định giải quyết xóa nợ thuế, tiền phạt thuế cho DN cho phù hợp với quy định của pháp luật về phá sản. Hiện nay, theo Luật Phá sản, khi DN tuyên bố phá sản, DN không còn tồn tại và không còn tư cách pháp nhân để giải quyết bất kỳ thủ tục nào, không thể sử dụng dấu và cũng không thể nhân danh cá nhân đứng ra giải quyết vấn đề thuế.