Go Back   ๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ > VI - ♥ Không Gian IT ♥ > 27 - Ebook Tổng Hợp - SÁCH GIẢI FULL > Khoa Học Xã Hội > Văn Học Lớp 11


Tìm kiếm chủ đề bài viết ở đây trước khi hỏi TTB -Tìm bằng tiếng việt có dấu càng chính xác-Ví Dụ:Đánh vào Hwang mi ri để tìm truyện tác giả này
$$**=====DS Truyện Tranh Online=====**$$ $$**=====Truyện Tranh Mới Đang Update=====**$$

KHÔNG XEM ĐƯỢC ẢNH TRUY CẬP ĐỔI DNS CLICK VÀO ĐÂY


Trả lời
  #1  
27-09-2012, 09:54 PM
adminbao adminbao is offline
Đầy Tớ Của Nhân Dân
Facebook: https://www.facebook.com/tuthienbaocom

Default Mùa xuân trong thơ Tố hữu




Trên mặt trận tư tưởng văn hoá, cả trong chiến tranh và trong thời bình, Tố Hữu nổi lên như một người lính cầm quân, vừa như một người lính xung trận. Là một người gánh trọng trách công tác tư tưởng – văn hoá qua nhiều thời kỳ cách mạng cho đến khi Đảng ta là Đảng cầm quyền, đồng chí Tố Hữu có cả một bề dày kinh nghiệm quý báu, nên khi không giữ cương vị lãnh đạo trực tiếp, Bộ Chính trị Trung ương Đảng vẫn phân công Tố Hữu phụ trách công tác tư tưởng-văn hoá. Tầm cao trí tuệ, sự xả thân cho lý tưởng cách mạng của nhà thơ đã đưa Tố Hữu vào vị trí một nhà tư tưởng lớn của Đảng. Đó là lời nhận xét trân trọng của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá TW nhân một năm nhà thơ Tố Hữu đi xa.

Cả cuộc đời, Tố Hữu đam mê thơ ca, nhưng đối với nhà thơ làm thơ là để giãi bày lòng mình với đời, với Đảng, với dân và suy cho cùng làm thơ là để làm cách mạng “Rằng:Thơ với Đảng nặng duyên tơ”(Chuyện thơ). Gần 70 năm hoạt động cách mạng, nhà thơ dành hết thời gian và tâm lực cho công tác tư tưởng, công tác văn hoá văn nghệ của Đảng. Thực hiện nhất quán phương châm”Nay ở trong thơ nên có thép-Nhà thơ cũng phảI biết xung phong” (Hồ Chí Minh), “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ-Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng), Tố Hữu luôn thể hiện nhất quán quan điểm lập trường của mình về thơ ca “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ-Hơn nghìn trang giấy luận văn chương” (Tiễn đưa). Trong muôn ngàn nguồn thi liệu, đề tài phong phú mà Tố Hữu đã đóng góp cho nền văn học nước nhà, chúng ta không thể không nhắc đến tình cảm sâu nặng của nhà thơ dành cho mùa xuân. Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam không có tác giả nào lại mê mải với khúc ca mùa xuân như Tố Hữu. ông đã dâng tặng trái tim “tươi đỏ” của mình cho mùa xuân đất nước và xứng đáng được tôn vinh là Thi sĩ của mùa Xuân.

Mùa xuân vốn là bạn muôn đời của thi nhân. Từ lâu, xuân đã trở thành đề tài quen thuộc của thi ca dân tộc. Nói đến mùa xuân-mùa đẹp nhất trong năm, mỗi nhà thơ bằng phong cách riêng của mình thể hiện vẻ đẹp riêng của xuân tươi đẹp, trẻ trung, tràn trào nguồn nhựa sống không vơi cạn.Trong quan niệm của người phương Đông, giữa con người (tiểu vũ trụ) và vũ trụ luôn có một sự tương thông. Chính vì điều đó, người ta thường lấy những quy luật của tự nhiên để nói quy luật của con người. Tứ thời: Xuân - Hạ - Thu - Đông gắn liền với Sinh-Trưởng-Thu-Tàng. Mùa xuân gắn với sự sinh sôi nảy nở, sự phát triển của tạo vật. Trong mối giao cảm sâu sắc, mùa xuân đã trở thành một hình tượng nghệ thuật mà thi nhân gửi gắm vào trong đó nỗi niềm sâu kín. Tố Hữu là một trong số những nhà thơ đã tiếp nối truyền thống thơ xưa khi viết về mùa xuân. Có lẽ ít có ai say mê mùa xuân, dành cho mùa xuân nhiều trang thơ đặc sắc, đắm say lòng người như Tố Hữu. Chính vì vậy, hơi thở mùa xuân nồng nàn, thấm đậm trong từng trang thơ của một nhà thơ cách mạng- nhà thơ của lý tưởng cộng sản tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị.

Tố Hữu đến với thơ và cách mạng cùng một lúc. Năm 1937, những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu đã đem đến một tiếng thơ mới mẻ cho thơ ca cách mạng đương thời. Vào thời gian đó, phong trào Thơ Mới đã hoàn toàn thắng thế, công cuộc hiện đại hóa thơ ca đã được thực hiện thành công. Là người cùng thế hệ với nhiều nhà Thơ Mới, Tố Hữu trước khi giác ngộ lý tưởng cách mạng không tránh khỏi tâm trạng “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”(Nhớ đồng), phân vân “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước’’ trong sự lựa chọn “Chọn một dòng hay để nước trôi?” (Dậy lên thanh niên). Bởi vậy, một cách tự nhiên, Tố Hữu tiếp nhận những thành tựu nghệ thuật Thơ Mới để làm giàu cho thơ cách mạng. Nhưng con đường đi của Tố Hữu khác hẳn con đường của các nhà Thơ Mới, vì nó gắn liền với lý tưởng cộng sản và cuộc đấu tranh cách mạng. ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ, sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng, trở thành một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng. Thơ Tố Hữu kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỷ XX của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, thơ của các chiến sĩ cộng sản lớp trước ở nửa đầu những năm 30 nhưng đã được đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hoá thơ ca đương thời, đem đến cho văn học cách mạng một tiếng thơ sôi nổi, trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy cảm hứng lãng mạn, mở ra một khuynh hướng lớn và có vị trí chủ đạo-khuynh hướng trữ tình chính trị-trong suốt mấy chục năm của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với chính những cống hiến vĩ đại đó, Tố Hữu vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 năm 1996).

Thơ Tố Hữu theo sát từng bước đi của dân tộc. Nhìn vào thơ ông chúng ta dễ dàng nhận thấy đất nước mình trong từng giai đoạn lịch sử . Mùa xuân trong thơ cũng vậy. Nó không chỉ là một trong bốn mùa trong năm. Nhà thơ đã gửi gắm trong mùa xuân nỗi niềm sâu kín, tình cảm trong sáng, hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, phong phú. Hơi thở mùa xuân vừa đẹp đẽ nồng nàn, đắm say tha thiết; vừa hào hùng, hoành tráng, vừa lắng đọng nên thơ; vừa đậm dấu vết thời sự âm hưởng thời đại, vừa đậm chất trữ tình… Mùa xuân hiện từ tập thơ đầu tay Từ ấy, tiếp tục phát triển qua các chặng đường thơ của người chiến sĩ cộng sản: Việt Bắc, Gió lộng, đặc biệt hai tập thơ Ra trận, Máu và Hoa, thể hiện sâu sắc hơn cả không khí xuân gắn với những chiến công lẫy lừng của dân tộc. Đọc thơ Tố Hữu, một điều dễ nhận thấy mùa xuân đã trở thành một đề tài vĩnh cửu, quen thuộc gần như có mặt trong hầu hết thơ ông. Khảo sát tập Thơ Tố Hữu, Nhà xuất bản Văn học năm 1983, mùa xuân xuất hiện với tần xuất khá lớn: 151 từ xuân. Hơn 50 bài thơ trong số 155 bài trong tập thơ có nhắc đến từ xuân. Và không ít những bài thơ không nói đến xuân nhưng đã có cảm xúc xuân tràn trong đó : Việt Bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Trên đường thiên lý, Đêm giao thừa, Đêm đầu năm.... Có nhiều bài thơ tiêu đề bài thơ trực tiếp nói về mùa xuân: Tập thơ Từ ấy có 4 bài: ý xuân, Xuân đến, Xuân nhân loại. Gió lộng có 3 bài thơ mùa xuân: Trên miền Bắc mùa xuân, Bài ca mùa xuân 1961, Giữa ngày xuân. Máu và Hoa có 2 bài: Với Đảng mùa xuân, Một khúc ca xuân. Đặc biệt hơn cả là tập thơ Ra trận với 7 bài thơ trực tiếp nói về mùa xuân: Tiếng hát sang xuân, Xuân sớm, Chào xuân 67, Bài ca xuân 68, Xuân 69, Bài ca xuân 71, Xtalingrat - một ngày xuân. Cũng là điều dẽ hiểu khi mùa xuân xuất hiện với tần số cao, đậm đặc liên tiếp trong chặng đường thơ Tố Hữu vào những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và hào hùng của dân tộc cho tới ngày toàn thắng. Mùa xuân trong thơ ông gắn liền với khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu ở cả hai miền Nam Bắc: “Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào Xuân 68-Xuân Việt Nam-Xuân của lòng dũng cảm”(Bài ca Xuân 68). Khẳng định ý nghĩa lớn lao cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với lịch sử dân tộc và thời đại, thơ Tố Hữu cũng thể hiện những suy nghĩ, phát hiện về dân tộc và con người Việt Nam với sự ngợi ca, với niềm tự hào và cảm phục. Nhân vật trong thơ xuân là con người, thể hiện tập trung phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ được nâng lên thành những hình tượng anh hùng mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hoá. Mạch thơ cuồn chảy khi nói về xuân song hành cùng hình ảnh đẹp đẽ của anh chiến sĩ giải phóng quân: “Ai đến kia rộn rã cùng Xuân? Hoan hô anh Giải phóng quân-Kính chào Anh con người đẹp nhất-Lịch sử hôn Anh chàng trai chân đất-Sống hiên ngàng bất khuất trên đời-Như Thạch Sanh của thế kỷ 20” (Bài ca Xuân 68). Cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu trong những năm chống Mỹ cứu nước mang đậm tính chính luận và chất sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng anh hùng ca. Vẻ đẹp mùa xuân là chính người chiến sĩ “Không, không phải thiên thần-Bước chân hài bảy dặm-Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân-Vẫn đôi dép cao su đánh giặc suốt ba mươi năm lội khắp sông sâu rừng thẳm-Vũ khí chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông-Vũ khí chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng- Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào-Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ- Lịch sử sang Xuân Anh vào trận cuối cùng...”(Toàn thắng về ta!).

Những bài thơ xuân của Tố Hữu cứ liên tiếp xuất hiện và tuôn chảy ào ạt, tràn trào. Nặng lòng với mùa xuân, duyên nợ với mùa xuân, Tố Hữu lấy mùa xuân là đối tượng miêu tả thể hiện đầy đủ những cung bậc tình cảm của mình. Trong tâm thức của người Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về mọi người chờ đợi thơ chúc Tết của Bác Hồ và sau đó là niềm hoài mong những bài thơ Xuân của Tố Hữu. Điều gì đã làm nên thành công đó? Có thể nói ngoài tài năng thiên bẩm, ngoài tinh thần học hỏi, say văn học, ngoài tác động của truyền thống gia đình thì quê hương cũng góp phần quan trọng vào sự hình thành hồn thơ Tố Hữu. Quảng Điền tuy là vùng đất nghèo nhưng phong cảnh thiên nhiên núi sông rất nên thơ xứ Huế nổi tiếng là một vùng văn hoá phong phú, độc đáo, đậm bản sắc dân tộc bao gồm văn hoá cung đình và văn hoá dân gian mà nổi tiếng nhất là những điệu ca, hò như nam ai, nam bình, mái nhì, mái đẩy…đã tác động không nhỏ đến hồn thơ Tố Hữu.

Với Tố Hữu, mùa xuân luôn mang ý nghĩa biểu trưng, biểu trưng cho cái đẹp, cho sức mạnh của tuổi trẻ, cho tương lai tương sáng của dân tộc, cho những con người đẹp đẽ, kiên trung, cho niềm vui ngập tràn niềm hạnh phúc. Mùa xuân đất trời, mùa xuân trong lòng người. Mùa xuân luôn được ví với tuổi trẻ. Bác Hồ cũng đã dùng cặp song hành này “Một năm khởi đầu từ Mùa Xuân, một đời người khởi đầu từ Tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Trong rất nhiều bài thơ, Tố Hữu đã thể hiện lối so sánh đó: “Đất nước huy hoàng 25 tuổi trẻ” (Tuổi 25), “Trẻ lại rồi thế kỷ 20-Và trẻ mãi, mỗi người-Một nhành xuân của Đảng” (Một nhành xuân), “Mấy chàng lính trẻ măng tơ-Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi” (Nước non ngàn dăm)… Một sự so sánh tinh tế khác: mùa Xuân –nàng Xuân trong vẻ đẹp duyên dáng, mặn mà “Ôi những nàng xuân rất dịu dàng-Hát câu quan họ chuyến đò ngang-Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy-Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng” (Xuân sớm). Hồn thơ mãnh liệt của Tố Hữu như một dòng sông vọt trào nguồn cảm xúc vô tận, phơi phới. Khi nói đến mùa xuân, tác giả còn chọn biểu tượng cánh én. Chim én báo hiệu mùa xuân, mang đến cho con người những niềm vui bất tận. “Mùa xuân đó con chim én mới-Rộn đồng chiêm chấp chới trời xanh” (Ba Mươi năm đời ta có Đảng), “Mùa đông đã hết em ơi-Mà con én đã gọi người sang xuân-Hẳn là sương giá chưa tan-Nên con én mới kết đoàn đưa xuân” (Tiếng hát sang Xuân), “Con én về bên cửa sổ nhìn sang”… Cánh én – mùa xuân còn là biểu tượng cho chủ nghĩa xã hội. Thơ ông gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng, nên các chặng đường thơ cũng song hành cùng các giai đoạn của cuộc đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ. Bài thơ Chúc mừng năm mới năm 1961, Bác Hồ viết “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó chính là con đường đi lên CNXH mà Đảng đã chọn. Cũng Bài ca xuân 1961, Tố Hữu đã nhắc lại câu thơ của Bác như khẳng định chân lý bất di bất dịch “Đời trẻ lại tất cả đều cách mạng- Giũ sạch cô đơn riêng lẻ bần cùng- Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung-Người hợp tác nên lúa dày thêm đó- Đường nở ngực những hàng dương liễu nhỏ- Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm- Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm- Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội”. Sau khi thống nhất đất nước, Tố Hữu dành toàn bộ tâm lực tuyên truyền tạo ra sự chuyển biến nhanh chóng về tư tưởng để xây dựng đất nước theo con đường CNXH. Tố Hữu đã nói: “Nếu hôm qua, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” thì hôm nay, ngoài cái đó ra, còn phải nói rõ thêm là không có gì quý hơn CNXH. Không có CNXH thì không thể sống được, thậm chí sự nghiệp độc lập tự do cũng không thể giữ được”(3). Cảm xúc CNXH phơi phới như dòng thác lũ cuồn cuộn “Đi ta đi khai phá rừng hoang-Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng- Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy… Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng- Xuân ơi xuân vui đến mông mênh- Biển vui dâng sang trắng đầu ghềnh… “(Bài ca xuân 1961).

Nhận thức rõ nhiệm vụ chiến lược của hai miền Nam Bắc trong những năm chống Mỹ cứu nước, nhà thơ trữ tình chính trị đã thể hiện tập trung tính thời sự nóng bỏng “Tiến công giặc Mỹ-Miền Nam, miền Nam dũng sĩ-Biển dậy sóng thần-Miền Bắc chuyển mùa phơi phới lúa xuân”, “Tiền tuyến ra sức tiến công-Hậu phương hết lòng chi viện”(Bài ca Xuân 71), “Tiền tuyến cần thêm? Có hậu phương” (Tiễn đưa). Vững tay cày, chắc tay súng luôn là khẩu hiệu thường trực cho con người Việt Nam lúc đó “Đất nước vào xuân gọi những cánh đồng-Giống mới rộn ràng 5 tấn- Dáng thẳng những chàng trai hăng lập chiến công- biếc mắt bèo dâu đẹp như cô gái xã viên tiễn người trận” (Bài ca Xuân 71)... Thơ mang tính thời sự nhưng không khô khan. Hơi thở mùa xuân nồng nàn làm cho bài thơ thêm đẫm chất lãng mạn cách mạng. Do đi theo hướng khái quát tổng hợp và chú trọng nội dung chính luận, thời sự thơ ông thời kỳ này có khi phải trở thành những lời kêu gọi, hô hào như một mệnh lệnh, khẩu hiệu và không phải lúc nào cảm xúc nghệ thuật cũng theo kịp “Ta sẽ đánh đánh những đòn sét đánh-Lũ diều hâu phải rã cánh tan đầu- Tổ quốc giục không sợ dài lâu, ta quyết mau lớn mạnh-Mở con đường Hồ Chí Minh sáng đến mai sau...”(Bài ca Xuân 71), “Vì độc lập tự do núi sông hùng vĩ-Vì thiêng liêng giá trị Con Người-Vì muôn đời hoa lá xanh tươi-Ta quyết thắng dành mùa xuân đẹp nhất” (Bài ca Xuân 68). Chính vì thế, cây đại thụ thơ tình Xuân Diệu khẳng định “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến một trình độ là thơ rất đỗi trữ tình, trong từng giai đoạn gay go của cuộc đấu tranh, thơ chính trị đạt đến thơ hay là niềm sung sướng cho tâm và trí người đọc” (1). Có một sự kết hợp hài hoà giữ thơ mang tính thời sự và cảm hứng lãng mạn. Sau một năm nhà thơ Tố Hữu qua đời, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá TW, đồng thời là một nhà thơ có bài viết tưởng nhớ ông: “Thật ra đường lối chính trị mà chắp cánh được hồn thơ thì chỉ có đường lối phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đằm mình trong tiến trình của dân tộc và ngược lại một hồn thơ đón nhận được đầy đủ đường lối chính trị đó phải là một hồn thơ lớn”( Trọn cuộc đời dành cho nhân dân, cho Đảng và cho thơ- Báo Nhân dân ngày 5/12/2003).

Như vị sứ giả của mùa xuân, Tố Hữu say sưa viết, say sưa chở những niềm vui hạnh phúc bất tận cho con người, thơ mang đôi cánh lửa, thơ cất cao tiếng hát, thơ mang chất thép, phơi phới chất tình, thơ “Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta” (Mùa thu tới). Có người đã nhận xét Tố Hữu là người lĩnh xướng xuất sắc nhất trong dàn hợp xướng viết về Tổ quốc, nhân dân, Bác Hồ... Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại luôn thường trực trong tâm thức nhà thơ “Chỉ biết vậy từ khi có Bác-Đảng cùng ta như cội liền cành-Là mùa xuân vô tận lá tươi xanh”(Một nhành Xuân), “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng”(Bài ca Xuân 68), “Đảng dạy tôi biết ngẩng đầu đứng dậy-Vững hai chân, đứng thẳng, làm người”, và một sự so sánh kỳ diệu “Với Đảng, Mùa Xuân” (Với Đảng, Mùa Xuân)... Viết về Bác, ngợi ca Bác cũng vậy, chưa có một nhà thơ nào vượt được kỷ lục thơ dành cho Bác vượt Tố Hữu. Tố Hữu luôn dành cho Bác tình yêu thương chân thành nhất, nồng ấm nhất, với sự biết ơn sâu sắc nhất. Nhà thơ luôn đặt Bác bên mùa xuân, Bác là mùa xuân của dân tộc “Bác ơi Tết đến giao thừa đó-Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần-Ríu rít đàn em vui pháo nổ-Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân”, “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng- Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”(Theo chân Bác), “Xin lắng nghe... Phút giao thừa đang chuyển-Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”(Bài ca Xuân 68)… Với Tố Hữu, “tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ(…) là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy mà thôi” (2). Điều trân trọng hơn cả là trước sau thơ Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lý tưởng cộng sản và con đướng cách mạng. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai nói: “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca…”

Thơ Tố Hữu là một thành công xuất sắc của thơ ca cách mạng, và kế tục truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam qua nhiều thời đại: gắn với vận mệnh đất nước, phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Con đường thơ Tố Hữu là con đường kết hợp hài hoà 2 yếu tố, hai cội nguồn là cách mạng và dân tộc trong hình thức đẹp đẽ của thơ ca. Sức hút của thơ Tố Hữu với những thế hệ người đọc mấy chục năm qua chủ yếu ở niềm say mê lý tưởng và tính dân tộc đậm đà cả trong nội dung và hình thức nghệ thuật. Mùa xuân tươi đẹp chiếm một vị trí đặc biệt và trở thành hình tượng xuyên suốt sáng tác của ông. Còn mãi với dân tộc, nhân dân là những bài thơ xuân bất tận, xuân bất tử cùng năm tháng. Biểu tượng mùa xuân thấm sâu, sức lan toả mạnh và thơ ông đã có Tượng đài Xuân bất tử bằng thơ. Và ông là người Nghệ sĩ vĩ đại nhất của Mùa Xuân./
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

ADS
Tags
hữu, mùa, tố, thơ, trong, xuân




© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay, truyen tranh online, ebook,ebook ngon tinh, van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.