Trong những năm 60, khi miền Bắc nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã chủ trương khuyến, khích nhân dân – nhất là tầng lớp thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cùng với các cây bút khác, Nguyễn Khải "khăn gói" đi xa nhập thực tế và viết. Nếu như Huy Cận phấn khởi cùng "Đoàn thuyền đánh cá", Bùi Minh Quốc nô nức "Lên miền Tây", thì Nguyễn Khải lại lặng lẽ quay về với những số phận nhân vật bé nhỏ trong cái ồn ào, biến chuyển của cuộc sống. Trong truyện ngắn "Mùa lạc" rút ra từ tập truyện cùng tên đã nói lên tình cảm và tâm tư của tác giả đối với nhân vật của mình. Đọc tác phẩm ta sẽ thấy được số phận bất hạnh và khát khao hạnh phúc của nhân vặt Đào, hơn nữa ta còn thấy được cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Khải khi viết về người phụ nữ.
Khác với những nhân vật dưới đáy xã hội như: Chí Phèo, Điền, Hộ… của Nam Cao, nhân vật Đào có một đoạn đuờng dài đau khổ không như những con người khác. Chị khác họ bởi cuộc đời chị không phải là chuỗi dài những bi kịch. Nỗi bất hạnh của chị một phần do hoàn cảnh, phần vì số kiếp của Đào đã trở thành định mệnh. Chính điều đó đã làm cho chị sống táo bạo hơn, liều lĩnh, ghen tị với mọi người, hờn giận bản thân. Nguyễn Khải đã rất ưu ái khi dành một phần ba trang viết để miêu tả cuộc đời bất hạnh của Đào; đồng thời ông cũng khẳng định khát vọng sống, khát vọng vượn lên cuộc sống mới cho bản thân của mình.
Có lẽ để hiểu sâu về Đào ta phải biết về hình dáng bên ngoài của cồ. Bởi đó cũng là một yếu tố để tạo nên số phận bất hạnh của Đào. Đào là một phụ nữ có những nét rất dễ nhận ra trong chân dung, ngoại hình và trong nét tâm lí, tính cách với cái thân người xồ xề của chị nở to ra hổn hển gò má cao nhọn hoắt, bướng bỉnh đầy tàn nhang, cặp chân ngắn, hai bàn tay có những ngón rất to, "hàm răng khểnh, nhiều lúc định mím lại nhưng không chặt”. Hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh… Tất cả điều ấy nói lên chị là một con người "ít duyên dáng” về ngoại hình. Những chi tiết ấy báo trước một cuộc đời long đong, lận đận. Điều ấy, phải chăng là đúng. Trước kia, chị cũng như bao thiếu nữ khác, lẽ ra phải được sống cuộc sống đầm ấm và vui tươi cùng cha mẹ. Nhưng chị lại phải xa cái thời tươi đẹp ấy của mình. Nhà không có ruộng, chị phải bươn trải nhiều nghề để kiếm sống, nhưng cuộc đời vẫn không "phù hộ" cho. Thế rồi chị bước lên xe hoa khi cái tuổi vẫn đang nằm trong cái vô tư và năng động – 17 tuổi. Tưởng chừng như cuộc đời sẽ "mỉm cười" với mình, nhưng chị vẫn phải tiếp tục chịu đựng. Cờ bạc, rượu chè, nợ nần nhiều, sống với nhau chưa được bao lâu chồng chị bỏ đi vào Nam, khi trở về sống với nhau chưa được bao lâu thì chồng chị chết. Cách mấy tháng sau đứa con trai lên hai của chị cững bỏ chị chỉ vì bị lên sài. Từ đó, "gái không chồng như phản gỗ long đanh", không con cái xuôi ngược "khi ra Hòn Gai, Cẩm Phả lấy muồng, khi ngược vào Lào Cai buôn gà vịt, mùa tu hú kêu sang đất Hà Nam buôn vải, tháng sáu lại về quê bẻ nhãn" với chiếc đòn gánh trên vai "tới đâu là nhà, ngã đâu là giường". Cuộc đời của chị khác nào cuộc đời của một đấng nam nhi: cuộc đời dạn dày sương gió có pha chút phong trần. Lúc nào cũng "cái áo nâu vá vai, mùa đông một cái áo bông ngắn đã bạc". Dấu ấn của những ngày tháng đã qua không chỉ phai dần trong tâm hồn chị mà nó còn làm cho hình dáng của chị tàn phai: "Mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại, đỏ đi như chết, hàm răng phai không buồn nhuộm, soi gương thấy hai gò má cao càng cao, tàn hương nổi càng nhiều. Chính vì thế mà khiến chị đã trở thành một con người sống ghen tị với mọi người và mặc cảm với chính mình. Cuộc đời của chị là một môi trường sống không có niềm vui và hạnh phúc. Tưởng chừng như cuộc sông quá khứ của Đào sẽ làm tâm hồn chị chai sạn nhưng không, chị không phải là con người bằng lòng với những gì mình đã có, Đào vẫn giữ được đức tính của người lao động cần cù và chịu khó. Chị vẫn tin vào cuộc sống ngày mai, chị vẫn khát khao cuộc sống gia đình. Trong những "ngày ốm đau, nằm nhờ nhà người quen, bưng bát cơm nóng, nhìn ngọn đèn dầu lại sực nhớ trước đây mình cũng có một gia đình, có một đứa con, sớm lo việc sớm, tối lo việc tối. Còn bây giờ…" Sức sống của nhân vật Đào thật mãnh liệt. Trong cái khổ cực, chị vẫn khát khao được có hạnh phúc, được sống như mọi người phụ nữ khác.
Lúc đầu, khi nói đến nông trường Điện Biên, chỉ để quên đi những ngày đau khổ của mình. Cái quá khứ đã cho chị bao nhiêu cái khổ cực của mình. Chị không cần biết những ngày tới sẽ ra sao, cuộc đời của chị như thế nào? Chị cũng chẳng cần biết, Chị sống bất cần đời. Nhưng cái bản tính cần cù và siêng năng đã giúp cho sức sống mãnh liệt của bản thân khiến chị không chịu buông xuôi. Chị làm việc như cái máy, làm việc để quên đi cuộc đời cũ, để hòa chung với mọi người ở nông trường Điện Biên. Chính nơi đây và con người ở đây đã làm thay đổi Đào, đã thức tỉnh cái khát vọng sống của Đào. Khát vọng về một tổ âm gia đình ngày càng lớn dần trong cô. Với cô, lúc nào cũng có sự "thèm muốn" một hạnh phúc, "thèm muốn" công việc… Khi đứng bên Huân cùng một bàn máy, khi đi làm, cùng buổi nhổ lạc ở một khoảnh, nhìn đôi cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng đỏ rực của Huân bên cạnh, Đào lại thấy bừng bừng, chị thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc. Cuộc đời của chị chưa tất hẳn. Chị đã có một cái gì đó chưa rõ nét nhưng có vẻ đầm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày qua của mình, nó cứ lấp lánh, lập lòe phía trước. Phải chăng, đây là cuộc đời của chị? Đào thực sự được hồi sinh, cuộc sống của cô hình như có vui hơn, cô nhiệt tình cười đùa cùng với mọi người. Với bản tính chân thực nhiệt tình đó Đào đã thu hút đuợc mọi người. Cô đã được mọi người yêu quí. Chị không chỉ khát vọng cho mình mà còn khát vọng cho hạnh phúc của người khác. Vì thế mà cô luôn vun đắp cho hạnh phúc lứa đôi của Huân và Duệ.
Từ chỗ bị mọi người trêu đùa với Huân, Đào luôn tìm phản ứng để chống đỡ lại mọi lời trêu đùa: "Mỗi năm một tuổi, nó đuổi xuân đi" hay "Trâu quá sá, mạ quá thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân". Đến chỗ có thái độ hồn nhiên, tin yêu, và muốn giãi bày tâm sự của mình đối với một người con trai – người bạn là một quá trình chuyển biến tâm lí trong tâm trạng Đào. Nó không giằng kéo, gay go vật vã như Chí Phèo, cũng không là tia lửa cứ chập chờn như Mị trong "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài nhưng nó vô cùng mãnh liệt.
Cái khao khát một gia đình êm ấm của Đào ngày càng mãnh liệt khi cô nhận được bức thư ngỏ lời của Dịu. Đào không từ chối cũng không vội vàng đồng ý. Đọc xong lá thư chị như sống lại cái thời trẻ của mình: "Một cảm giác êm đềm cứ lan nhanh ra, như mạch nước ngọt rỉ thấm vào thớ đất khô cằn vì nắng hạn, một nỗi vui sướng kì lạ dạt dào không thể kìm nén lại nổi; khiến người chị ngất ngây, muốn cười to lên một tiếng, nhưng trong mi mắt lại mọng đầy nước chỉ định trào ra". Vậy là chị đã tìm được cái hạnh phúc lớn lao mà chị đã khát khao từ bao lâu nay. Chị như người con gái mới lớn đang nhận lá thư ngỏ lời đầu tiên. Nếu trước kia, gặp sự đùa nghịch, Đào tỏ ra chua cay, phản ứng một cách thâm nho kịch liệt, thì giờ đây, dưới con mắt của cô sự đùa nghịch của mọi người thật đáng yêu, cô sẵn sàng tha thứ cho họ vì họ đang chăm lo cho hạnh phúc của cô và xây dựng nông trường. Từ ngày ấy, chị không có gia đình, đòn gánh trên vai, tới đâu là nhà, ngã đâu là giường, chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho bản thân. Và cũng từ đó, cũng từ ngày ấy, cái khát vọng có một gia đình hạnh phúc cũng bắt đầu bùng lên trong chị. Một ngọn lửa bị dập tắt từ lâu giờ đây đã có người nhóm, nó bùng lên mạnh mẽ.
Qua đoạn văn trên chúng ta không chi nhìn thấy cái bất hạnh và niềm khát khao trở về với mái ấm gia đình mà còn thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc. Đây chính là một trong hai nguồn cảm hứng truyền thông của văn học Việt Nam. Cảm hứng nhân đạo là bộc lộ tư tưởng, tình cảm yêu thương trân trọng, sự đồng cảm với nỗi đau con người và biểu hiện căm giận với thế lực chà đạp lên số phận con người. Hiểu theo ý tưởng đó, cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Khải trước hết là sự đồng cảm nỗi đau, hiểu rõ mong muốn của nhân vật Đào. Ông đã san sẻ những bất hạnh và theo dõi Đào từ đầu đến cuối câu chuyện.
Nếu Nam Cao hiểu và đồng cảm với nỗi đau mất quyền làm chủ của Chí Phèo, thì đến nhân vật Đào, Nguyễn Khải đã hoàn chỉnh bổn phận của một nhà văn chân chính mà thế hệ Nam Cao chưa làm được; đó là hướng nhân vật tự vượt ra khỏi nỗi đau, tìm đến sự sống. Vì vậy, cảm hứng nhân đạo của Nguyền Khải là cảm hứng nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.
Nói đến cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Khải khi viết về người phụ nữ, không thể bỏ qua thái độ của nhà văn đối với nhân vật. Đó là thái độ trân trọng những phẩm chất tốt đẹp vốn có ở nhân vật. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Nguyền Khải cũng theo sát bên Đào, trân trọng những điều cao quí, tốt đẹp mà Đào luôn gìn giữ. Dù thời gian qua, tính cách của mỗi con người có thay đổi. Nguyễn Khải khẳng định, tin tưởng vào khả năng thay đổi của nhân vật Đào vì ở cô luôn có sức sống, khát vọng sống mãnh liệt. Một con người – nhất là người phụ nữ đã mang sẵn trong mình bản năng ấy, sớm muộn gì nó sẽ "bừng sáng" và được toại nguyện.
"Từ ngày ấy, chị không có gia đình, đòn gánh trên vai, tới đâu là nhà, ngã đâu là giường, chị sông, táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho bản thân". Nhưng ngay từ ấy chị nuôi dưỡng một khát vọng hạnh phúc gia đình. Câu chuyện khép lại không phải là cảnh đám cưới hay một gia đình hạnh phức nhưng ta biết rằng Đào đã đạt được cái khát vọng của mình. Phải chăng, đây chính là cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Khải?