Nước Úc vốn nổi tiếng nhiều chim muông, thú rừng và hoa. Quốc huy của nước Úc có từ lúc thành lập Chánh phủ Liên bang năm 1901, lấy Kangaroo và đà điểu làm chủ đạo trên nền hoa wattle. Trên quốc huy còn có một bảng huy hiệu của 6 Tiểu bang trong Cộng đồng Liên bang Úc là New South Wales, Victoria, Queensland, Westwern Australia, South Australia, Tasmania. Giềng chung quanh bảng huy hiệu tượng trưng cho sự đoàn kết của các Tiểu bang. Ngôi sao Liên bang nằm trên cùng và một dải băng tên nước Úc nằm dưới cùng của quốc huy. Hai Vùng lãnh thổ có tư cách tự trị, tương đương với Tiểu bang la thủ đô Canberra và Northern Territory (thủ phủ là Darwin), mới thành lập sau nầy nên không có trong bảng quốc huy nước Úc. Ở Úc, mỗi Tiểu bang và Vùng lãnh thổ đều có quyền tự trị riêng và chọn một thứ hoa riêng làm biểu tượng :
- New South Wales : hoa Waratah
- Victoria: hoa Pink heath
- Queensland: hoa Cooktown Orchid
- Western Australia: hoa Mangles Kangaroo Paw
- South Australia: hoa Sturt’s Desert Pea
- Tasmania: hoa Tasmanian Blue Gum
- Canberra: hoa Royal Bluebell
- Northern Territory: hoa Sturt’s Desert Rose
NHỮNG CON THÚ BIỂU TƯỢNG
Kangaroo: Là loài thú có vú (mammal) và có túi đãy (marsupial) rất phổ biến và đặc trưng ở Úc và các hải đảo lân cận. Kangaroo sanh con và mang con trong một cái túi đãy trước bụng. Có hơn 50 loại kangaroo, hai chủng loại lớn và nhỏ. Loại lớn thuộc họ Macropodidae, có kangaroo đỏ và kangaroo xám cao đến 2 mét và nặng đến 85 kg và loại nhỏ hơn thuộc họ Potoroidae, có loại kangaroo rat (chuột kangaroo), thân dài khoảng 30 cm. Có những con kangaroo khổng lồ cao tới 3mét và nặng 200 kg.
Bên cạnh kangaroo, Koala cũng là một loài rất dễ bắt gặp tại Úc. Koala cũng là loài thú có vú và có túi đãy để mang con như kangaroo. Koala có lông mao mềm dầy, màu xám hoặc màu nâu.
Emu
Emu còn gọi là đà điểu, là loài chim chạy (ratite) lớn nhất ở Úc, sống rải rác khắp nơi, một số sống ở sa mạc. Đà điểu có lông vũ màu nâu, nhưng không bay được vì cánh ngắn và xương ức của chúng không đủ mạnh. Nhờ có chân rất dài (mỗi chân có 3 ngón) và mạnh, chúng chạy thật nhanh lên đến 50 km/giờ.
NHỮNG LOÀI HOA BIỂU TƯỢNG:
Wattle (làm nền của quốc huy)
Tên khoa học là Acacia pycnantha, thuộc họ Mimosaceae, lá xanh, bông vàng, hình cầu, kết thành chùm ( là loại hoa mi-mô-sa ở Việt Nam).Người Úc rất thích loài hoa nầy. Hiệp Hội Wattle do Archibald Campbell thành lập năm 1899 tại Tiểu bang Victoria đã phát động ngày lễ hội hoa Wattle trong tháng 9 hàng năm nhằm khích lệ công nhận đó là loại hoa biểu tượng nước Úc, vì khối lượng hoa Wattle không có nước nào nhiều bằng nước Úc. Ngày 01/09/1988, nhân ngày Kỷ niệm 200 năm người Anh đến định cư ở Úc, Acacia pycnantha được công nhận là hoa biểu tượng cho quốc gia. Ngày đó Thủ Tướng phu nhân, Bà Hazel Hawke, trồng một cây Wattle Vàng (Golden Wattle) trong vườn Australian National Botanic Gardens. Bốn năm sau đó, 1992, Bộ Môi Sinh Liên bang Úc chánh thức tuyên bố ngày 1 tháng 9 hàng năm là “Ngày lễ hội hoa Wattle của nước Úc”.
Waratah ( Biểu tượng Tiểu bang NSW)
Hoa màu đỏ, đường kính từ 7 tới 10 cm, cành hoa dài tạo thành bụi cao tới 4 mét, lá xanh đậm, dài từ 13 đến 15 cm, tên khoa học là Telopea speciosissima, phát sinh từ tiếng Hy Lạp “Telopos”, có nghĩa “ nhìn thấy từ xa” và speciosissima do tỉnh từ La tinh “specious” là “đẹp đẽ”. Telopia thuộc họ Proteaceae. Waratah được nhận là biểu tượng của Tiểu bang NSW vào ngày 24/10/1962.
Pink Heath ( Biểu tượng Tiểu bang Victoria )
Bụi hoa cao độ 1 mét, lá dài từ 4 đến 16 mm. Hoa màu hồng, hình cái chuông dài 25 mm, tên khoa học là Epacris impressa, thuộc họ Epacridaceae. Epacris do tiếng Hy Lạp “epi” có nghĩa là “upon” ở trên và “akris”có nghĩa là “ngọn đồi”, chữ “impressa” do tiếng La tinh “impressed” hay “indented” mang ý nghĩa “chen kẻ” cứ 5 hoa mọc thẳng hàng trên cành hoa, rồi 5 hoa khác mọc thẳng hàng tiếp theo ở phía bên kia của cành hoa. Victoria là Tiểu bang tiên phong chọn một loài hoa làm biểu tượng vào ngày 11/11/1958 và loài hoa đó là Pink Heath.
Cooktown Orchid ( Biểu tượng Tiểu bang Queensland)
Là loại hoa lan, có tên khoa học là Dendrobium bigibbum. Dendrobium do tiếng Hy Lạp “dendron” có nghĩa là “cây” và “bios là “đời sống”. Tên đặc biệt của nó là phalaenopsis, gốc từ tiếng Hy Lạp “phalaina” là “sâu bướm”, vì hình dáng của hoa rất giống sâu bướm, màu hồng sậm. Cooktown là tên một địa danh miền Bắc Queensland có con sông Endeavour, nơi mà thuyền trưởng Cook của Anh Quốc vào năm 1770 đã có dịp ngừng lại để sửa tàu. Ven bờ sông nầy có nhiều Cooktown orchid mọc. Loại lan nầy dễ trồng, rất hợp với phong thổ Queensland, nên được chọn làm biểu tượng của Tiểu bang ngày 19/11/1959.
Mangles Kangaroo Paw ( Biểu tượng Tiểu bang Western Australia)
Có tên khoa học là Anigozanthos manglesii, thuộc họ Haemodoraceae. Anigozanthos có thể do từ Hy Lạp “Anises”, có nghĩa là “không đều” hay là “xiên xéo” và “anthos” nghĩa là “hoa”, ám chỉ phần cuối của hoa gồm 6 cánh không bằng nhau. Còn manglesii là để vinh danh Robert Mangles, người đã thí nghiệm gieo trồng loại hoa nầy trong khu vườn của ông ở Anh quốc. Tên thường gọi, Kangaroo Paw vì hoa nầy rất giống bàn chân của Kangaroo. Hoa màu xanh lục, nền màu đỏ, được nhận làm biểu tượng của Tiểu bang Tây Úc vào ngày 9/11/1960.
Sturt’s Desert Pea (Biểu tượng Tiểu bang South Australia)
Tên khoa học là Swainsona formosa, thuộc họ Fabaceae. Là một loại dây bò dưới đất, có bông dài khoảng 9 cm, màu đỏ thắm, kết từng chùm từ 6 đến 8 cái trên một nhánh ngắn và thẳng đứng. Trên mỗi cánh hoa có nổi phồng lên một cái mụt màu đen bóng, trông giống hột đậu. Thuyền Trưởng Charles Sturt (1795-1869) phát hiện loại hoa nầy vào năm 1844 trong chuyến đi thám hiểm giữa Adelaide (South Australia) đến miền trung bộ nước Úc. Tên Swainsona để vinh danh Isaac Swainson người đã bảo quản Vườn bách thảo tư Twickenham gần London vào khoảng năm 1789. Và Formosa , từ La Tinh, có nghĩa là đẹp. Sturt’s Desert Pea được chọn làm biểu tượng của Tiểu bang Nam Úc vào ngày 23/11/1961.
Tasmania Blue Gum (Biểu tượng Tiểu bang Tasmania)
Tên khoa học là Eucalyptus globulus, thuộc họ Myrtaceae, do nhà thực vật học người Pháp, Jacques-Julien Houton de Labillardiere (1755-1834), là người đầu tiên tìm thấy ở bờ biển đông nam đảo Tasmania khoảng năm 1792-93. Đó là một trong số trên dưới 800 loại cây khuynh diệp tại Úc. Cây Tasmanian Blue Gum có thể cao tới 70 mét và đường kính của thân cây có thể tới 2 mét, lá xanh, bông hình cầu (globulus), trắng ngà. Tasmanian Blue Gum được chọn làm biểu tượng của Tiểu bang Tasmania vào ngày 27/11/1962.
Royal Bluebell (Biểu tượng thủ đô Canberra)
Tên khoa học là Wahlenbergia gloriosa, thuộc họ Campanulaceae. Wahlenbergia là tên do nhà thực vật học người Đức, Heinrich Schrader, đặt ra để vinh danh Georg Goran Wahlenberg (1780-1851), Giáo sư Thực Vật ở Uppsala, Thụy Điển. Từ La Tinh Gloriosa có nghĩa là “glorious”, rực rỡ, lộng lẫy. Hoa hình ngôi sao 5 cánh, đường kính 2-3 cm, màu tím xanh, lợt dần về phía nhụy. Royal Blue Bell được chọn làm biểu tượng của thủ đô Canberra (ACT, Australian Capital Territory) vào ngày 26/05/1982.
Sturt’s Desert Rose (Biểu tượng Northern Territory)
Tên khoa học là Gossypium sturtianum, thuộc họ Malvaceaeae. Còn có tên Darling River Rose, Cotton Rosebush và Australian Cotton. Gossypium xuất phát từ tiếng La Tinh “gossypion”, cây bông vải. Sturtianum để vinh danh thuyền trưởng Charles Sturt (1795 -1869) đã tìm thấy loại hoa nầy trong chuyến đi đến miền trung bộ nước Úc những năm 1844-45. Bụi hoa Sturt’s Desert Rose cao từ 1 mét đến 2 mét. Lá màu xanh đậm., hình bầu dục, dài độ 5 cm. Cánh hoa dài 5 cm màu hoa cà, đài hoa đỏ. Nhụy hoa (trái) dài 1 cm, gồm nhiều hột nhỏ có lông tơ. Sturt’s Desert Rose được chọn làm biểu tượng cho Vùng Lãnh thổ Bắc Úc vào ngày 12/07/1961.