Nỗi ám ảnh không gian trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Năm 1940, tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận xuất hiện như một mảnh hồn đầy ảo não giữa trời thơ mới đang đi dần vào bế tắc. Điều được quan tâm nhất là trong hồn thơ ảo não ấy, Huy Cận vẫn giữ được nét trong trẻo lạ thường. Ngay từ khi mới “trình làng” tập thơ đã tạo được ấn tượng mạnh và thu hút mọi sự chú ý, khiến người ta phải thốt lên rằng: “Huy Cận là nhà thơ của nỗi khắc khoải không gian”. Riêng đối với bài thơ “Tràng giang” thì không gian đã trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng lạ thường.
Nỗi buồn là mảnh hồn của tác giả được thả xuống dòng sông mênh mang vô định, trôi nổi bồng bềnh rồi tan, chảy suốt dọc bài thơ. Khổ thơ đầu mở ra một không gian lạ với những cảnh vật còn lạ thường hơn: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Dòng sông quê hương gắn bó thân thương muôn đời là thi tứ cho biết bao nhà thơ say đắm: “Anh ở biên cương/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Ở nơi đây mùa này con nước/ Lắng phù sa in bóng đôi bờ” (Gửi em ở cuối sông Hồng – Dương Soái). “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước sông xanh soi bóng những hàng tre” (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh). Dòng sông trong thơ Dương Soái và Tế Hanh gần gũi, cụ thể như bao dòng sông tuổi thơ ta tắm mát. Ngược lại dòng sông trong thơ Huy Cận lại dị thường biết bao, dị thường ở chỗ nó như muốn vượt ra, muốn phá bỏ hoàn toàn những cái quen thuộc, cái cụ thể để vươn tới cái vô cùng và vĩnh cửu. Bằng các cặp từ gây ấn tượng mạnh: “tràng giang”, “điệp điệp”, “song song”, “mấy dòng” khiến cho dòng sông của Huy Cận không phải là một dòng sông bình thường mà là dòng sông vũ trụ mênh mông.
Khi đánh giá thơ ông, Xuân Diệu nói rất tình: “Thơ Huy Cận không gắn đến cái hằng ngày, cái trước mắt mà là cái ngàn năm”. Đây là một quan niệm nhân sinh mới mẻ thể hiện sự vụt tỉnh của ý thức cá nhân, thôi thúc Huy Cận sáng tạo nên một hình ảnh tương phản thể hiện rõ cảm quan buốt nhói về thời gian ngay trên chính dòng sông “Tràng giang”. Lọt thỏm giữa dòng sông vũ trụ mênh mông vô định là những hình ảnh lẻ mọn, nhỏ nhoi khiến cho không gian trở nên thật khác lạ: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Câu thơ dung chứa cả hai đợt sóng, sóng nước và sóng lòng. Đây là con sóng đa tầng nghĩa khiến cho dòng sông cựa mình biến thành một thực thể vô thường. Nhạc sóng và nhạc lòng, không gian vũ trụ và không gian tâm tưởng hoà quện vào nhau tạo thành thứ sắc màu tâm lý, màu buồn đổ bóng lên vạn vật: “Con thuyền xuôi mái nước song song”. Hai chữ “xuôi mái” đầy bất lực và phó mặc, tất cả mọi quyền lực được trao trọn cho số phận, cho sự chiếm lĩnh của không gian và thời gian.
Tê tái nhất vẫn là hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Đây là câu thơ cô đơn nhất, xót xa nhất trong bài thơ. Câu thơ bảy chữ vỡ vụn thành sáu mảnh đầy nhói buốt: “Củi - một - cành - khô - lạc - mấy dòng”. “Củi” là trạng thái chết chóc của cô đơn vì cô đơn vốn là cội nguồn của cái chết. Xưa nay không ai chết vì buồn nhưng lại chết vì cô đơn. “Một” là số từ gợi sự lẻ loi đơn độc bởi cô đơn thường là một mình (Đôi khi nỗi cô đơn khủng khiếp đến mức đang tắm mình trong đám đông mà vẫn cô đơn). “Cành” là cái nhỏ nhoi, yếu ớt gợi thân phận của kiếp người. “Khô” là trạng thái cằn cỗi thiếu sức sống, “lạc” là sự trôi dạt bơ vơ. “Mấy dòng” là cái mênh mông vô định của không gian, cũng là sự lạc loài bơ vơ của cảm xúc. Câu thơ trải qua một cuộc hành trình từ kiếp củi đến kiếp người. Đó là hành trình đầy cô đơn tuyệt vọng của con người nhỏ nhoi, yếu ớt bị lọt thỏm giữa vũ trụ mênh mông rợn ngợp. Trạng thái khô héo, cô đơn và chết chóc ngay trong sự sống mới càng trở nên buốt nhói hơn vì nước là sự sống, là cội nguồi của sự sống được bắt đầu từ những hạt Coasepva. Một quan niệm nhân sinh hiện đại, sự tự ý thức về nỗi cô đơn được hình thành trên cơ sở của sự thức tỉnh ý thức cá nhân mạnh mẽ mà trước đó chưa từng có.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Không gian thơ càng trở nên rợn ngợp và ám ảnh hơn khi tứ thơ đột ngột được nhấc bổng lên để toả ra đôi bờ và phía “cồn nhỏ”, “làng xa” gợi cảm giác về vũ trụ quá rộng nhưng rỗng và lạnh. Huy Cận diễn tả không gian 3D bằng hai câu thơ đầy tài hoa: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Không gian trong thơ cổ thường bị đập bẹp với hai chiều cao-thấp. Huy Cận cũng làm như vậy nhưng khi diễn tả chiều rộng, ông bổ sung thêm chiều sâu “sâu trót vót” khiến không gian được dựng dậy, mở rộng về tứ phía tạo không gian hình lập phương ba chiều hiện đại đầy ám ảnh. Huy Cận còn khéo léo tạo ra nỗi ám ảnh dai dẳng cho người đọc bằng thủ pháp đối lập giữa hai khổ thơ. Nếu khổ thơ thứ nhất là sự nhói buốt bởi cái nhìn nhỏ nhoi và hữu hạn của kiếp người trong sự “vô thủy vô chung” của không gian thì khổ thơ thứ hai lại choáng váng trước cái thăm thẳm vô cùng của vũ trụ.
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Khổ thơ thứ ba này là cái rùng mình lạnh toát mồ hôi của sự đứt mối giao cảm. Vạn vật vỡ vụn, đứt mối liên hệ dồn con người về phía cô đơn và ngột thở trong cái không gian ba chiều hun hút. Nỗi cô đơn của khổ thơ được diễn tả bằng hình ảnh cánh bèo truyền thống nhưng mang linh hồn hiện đại “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”. Câu thơ là sự ngân dài qua ba biến tấu, từ kiếp “củi” đến kiếp “bèo” và cuối cùng là kiếp “người”. Đặc sắc nhất là chữ “dạt” đứng sau chữ “bèo” gợi sự chới với, chơi vơi. Càng ấn tượng hơn nữa là hai chữ “không”: “không cầu”, “không đò” như những nhát dao cắt đứt mọi mối liên hệ dù là mỏng manh nhất khiến thế giới thống nhất trở nên vỡ vụn, vạn vật hoàn toàn bị cô lập. Đây là thủ pháp nghệ thuật dùng cái không để diễn đạt cái có, Lấy cái “không cầu”, “không đò” để diễn tả nỗi cô đơn đã chiếm lĩnh hết vị trí của ôxi trong cái không gian hình lập phương ba chiều ấy. Một đặc trưng nữa của thơ mới là cái buồn gắn với cái đẹp, tác giả cũng tạo ra một câu thơ lấp lánh vẻ đẹp như dòng sông dưới ánh trăng nhưng hoang vắng và lặng lẽ như “cõi không người”: “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Hai chữ “bờ xanh” và “bãi vàng” khiến câu thơ đẹp như trong miền cổ tích ngày xưa hay từ lời ru đưa nôi nhưng hoang vắng lạ thường. Thực chất đây là thủ pháp dùng cái lặng lẽ ở bên ngoài để rồn tụ, để lắng đọng những cái đang náo động, đang nhảy múa toán loạn bên trong. Đó là nỗi khắc khoải, nỗi khát khao của tâm hồn ham sống cho ra sống.
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa/ Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Khổ thơ cuối cùng là đỉnh điểm của cảm xúc, là sự lắng tụ ý tưởng của bài thơ. Tác giả tạo ra hai hoàng hôn, hoàng hôn của cảnh vật với sự đối lập của hai phạm trù không gian, không gian của dáng chiều và không gian của cánh chim. Dáng chiều đẹp và hoành tráng với núi mây kỳ vĩ bao la, cánh chim lại nhỏ nhoi yếu đuối nhưng chính cánh chim ấy mang một tầm vóc phi thường. Chỉ cần nghiêng cánh mà cả dáng chiều hấp hối đã đổ sập xuống. Đấy là thủ pháp cường điệu hoá dùng để diễn tả hữu hiệu nhất cái đẹp không bền vững cứ chới với chơi vơi… Đặt chúng trong pháp tư duy tổng thể, ta thấy xuất hiện hoàng hôn lòng. Thông qua phút hoàng hôn chấp chới ấy tác giả muốn nhấn mạnh rằng: sự sống thì quá đỗi nhỏ nhoi, cái cô đơn lại quá đỗi khổng lồ giữa không gian vô định.
Hai câu thơ cuối cùng xuất hiện đầy bất ngờ, vừa quen lại vừa lạ. Quen vì nó được gợi tứ từ hai câu thơ cổ của nhà thơ Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Hoàng Hạc lâu). Lạ vì mãi cho đến hai câu cuối cùng mới thấy sự xuất hiện của con người mà lại là con người của cảm thức cá nhân mới mẻ. Thôi Hiệu phải nhìn thấy khói sóng, phải có khói mới nhớ nhà còn Huy Cận thì “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ như đầy ắp và luôn trào ra khỏi cái vực thẳm của tâm hồn cô đơn trước không gian ám ảnh. Đây không đơn thuần là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình mà là nỗi nhớ quê hương, nhớ đất nước ngay khi đang đứng chân trên chính quê hương đất nước, đang tắm mình trong không gian của quê hương đất nước mình. Đây chính là nỗi buồn “vong quốc” của một thế hệ nhà thơ như tác giả vì quê hương đất nước không còn là của mình mà đã bị giặc chiếm.
Bằng biện pháp sắp đặt các sự vật của vũ trụ trong “mối quan hệ vô quan hệ”, các thủ pháp nghệ thuật tu từ và tạo ra mối tương quan giữa các từ ngữ trong bài thơ “Tràng giang”, Huy Cận đã đem đến cho người đọc nhiều khoái cảm thẩm mỹ mới lạ về không gian vũ trụ và con người với ý thức cá nhân bừng tỉnh mà trước đây chưa từng có. Đặc biệt hơn cả là tác giả đã nhẹ nhàng “đánh bẩy” người đọc vào nỗi ám ảnh không gian dai dẳng lạ thường.
|
|
|
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM
|
ADS
Ðiều Chỉnh |
|
Xếp Bài |
Chế độ bình thường
|
© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay,
truyen tranh online,
ebook,ebook ngon tinh,
van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
|