I/ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN
Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta hay gặp từ bình luận: bình luận thời sự, bình luận thể thao, bình luận về tai nạn giao thông,… Vậy bình luận là gì, hướng tới mục đích gì và cần phải đạt được những yêu cầu như thế nào?
1. Trước hết, bình luận không phải là giải thích hay chứng minh mà chủ yếu là bàn luận về vần đề nêu ra (vấn đề đó thường được xã hội quan tâm) để thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với ý kiến của mình. Bài bình luận có thể sử dụng chứng minh hay giải thích như là những yếu tố để góp phần làm rõ ý kiến bàn luận của người viết nhằm đạt được mục đích bình luận của mình.
2. Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ là một đoạn bình luận, thể hiện ở những điểm sau đây:
– Có nhận định, đánh giá đúng – sai, hay – dở, bàn bạc sâu rộng vấn đề được nói đến để nhắm đến cái đích cuối cùng là “xin lập khoa luật” với ước mong muốn đổi mới đất nước.
– Bài viết xuất phát từ một lí do cụ thể, đặt ra một vấn đề bức thiết của đất nước lúc bấy giờ (chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ, luật pháp không được coi trọng,…) để bàn luận và thuyết phục người đọc (ở đây là thuyết phục triều đình nhà Nguyễn).
– Ở bài viết này, tác giả không làm nhiệm vụ giải thích hay chứng minh về luật, mà chủ yếu là bàn luận về sự cần thiết phải có pháp luật, phải đề cao tư tưởng pháp trị, Nhà nước pháp quyền trong xã hội. Mọi luận điểm, luận cứ đều hướng tới mục đích đó.
3. Thời đại mới luôn đặt ra những vấn đề cần phải bàn luận để có những giải pháp đúng đắn. Vì vậy, con người hôm nay cần phải biết bình luận, dám bình luận trước những vấn đề bức thiết của cuộc sống, và muốn bình luận có sức thuyết phục, phải nắm vững kĩ năng bình luận.
Câu 3 :
- Hiểu biết và tôn trọng pháp luật chính là đạo đức.
- Giáo dục pháp luật cho học sinh nói riêng và mọi công dân là nhiệm vụ quan trọng.