Đã bao giờ bạn tự hỏi biểu tượng tự nhiên được nhận biết nhiều nhất ở Úc là gì? Kangaroo, chuột túi koalo, hoa wattle, những dải san hô trên đảo Lord Howe…? Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng đó chỉ là những tảng đá thô ráp tại vườn quốc gia Uluru – Kata Tjuta. Không rực rỡ, không sống động nhưng đằng sau những tảng đá đấy là cả một kho tàng văn hóa lịch sử thổ dân Úc tồn tại qua hàng nghìn năm.
Cách thành phố Darwin 1.431 km về phía Nam, vườn quốc gia Uluru – Kata Tjuta nằm sâu trong sa mạc Red Centre – một địa chỉ rất linh thiêng của thổ dân Australia và được coi là nơi hình thành nền văn hóa phong phú, sinh động trải dài ít nhất 50.000 năm của thổ dân nước này. Vườn quốc gia có diện tích 1.398 km vuông này nổi tiếng với núi đá Uluru và Kata Tjuta.
Vườn quốc gia Uluru – Kata Tjuta nhìn từ một mỏm núi
Thường xuất hiện trên những con tem, những đồng tiền Úc, Uluru là các núi đơn sa thạch khổng lồ với số lượng lớn đá của nó nằm dưới mặt đất. Các thổ dân Úc tin rằng các thần linh biến thành Uluru từ thần linh rùa. Uluru được xem là nơi vô cùng thiêng liêng đối với những người bản xứ Pitjantjatjara và Yankunytjatjara. Một số những hình ảnh minh họa cuộc sống của người thổ dân Úc xa xưa hiện vẫn còn được lưu lại trên Uluru cho đến ngày nay.
Du khách dễ dàng bắt gặp những nghi lễ thổ dân tại đây
Một nghi lễ cầu mùa của thổ dân Pitjantjatjara
Nhìn từ xa, bề ngoài của hòn đá khổng lồ Uluru tròn và bóng nhẵn, toàn vẹn một khối, không có lấy một cọng cỏ. Với cao 348 m, dài 3 km, chu vi chân núi khoảng 8,5 km , nó khiến tất cả mọi thứ xung quanh trở nên thật nhỏ bé. Bốn mặt vách dốc đứng, trên đỉnh bằng phẳng như một hòn đảo mới nứt ra, lại vừa giống một con thú khổng lồ đang nằm nghỉ trên một mặt đất khiến hòn núi lộ ra vẻ hùng vĩ, tráng lệ và bất phàm.
Mỗi năm có khoảng 350.000 du khách tới thăm Uluru và một nửa trong số này đã leo núi. Từ sáng sớm đến lúc chạng vạng tối, người ta có thể nhìn thấy màu sắc của ánh sáng thay đổi trên vách núi. Lúc rạng đông, mặt trời vừa mọc thì toàn bộ khối đá màu đỏ nhạt. Đến giữa trưa lại biến thành màu đỏ của trái cam, phản chiếu ánh mặt trời.
Buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn về tây, hòn đá lộ màu đỏ thẫm, thậm chí chuyển màu tím. Màn đêm buông xuống, nó lại thay chiếc áo ngoài màu vàng nâu để hoà lẫn với cảnh vật xung quanh. Nếu gặp trời mưa to hay khi mưa vừa tạnh thì hòn đá khổng lồ lại hiện màu tro bạc, pha lẫn một chút đen, giống như môt con báo nằm trên bãi cát.
Chùm ảnh: Sự vận động ánh sáng trên núi Uluru theo ánh mặt trời
Vườn quốc gia Uluru – Kata Tjuta
Nguyên nhân đổi màu của Uluru liên quan đến đặc tính của núi đá. Uluru thực ra là một khối đá ráp thạch anh, chất đá cứng rắn, kết cấu chặt chẽ. Bề ngoài của đá ráp màu đỏ gồm có chất ôxy sắt dưới sự chiếu rọi của ánh sáng mặt trời, dưới nhiều góc độ khác nhau sẽ đổi màu liên tục khiến hòn đá còn có tên “ngũ sắc độc thạch sơn”. Trải qua sự bào mòn của mưa gió, mặt đá trở nên bằng phẳng, hòn đá vẫn đứng sừng sững và được các nhà địa lý gọi là núi Thực Dư.
Uluru còn có một tên gọi khác là Ayer Rock. Năm 1873, sau khi 2 nhà thám hiểm William Gosse và William Ernest Powell Giles chia ra 2 nhóm thám hiểm bắt đầu khởi hành từ phía tây khu vực Uluru-Kata Tjuta. Trong khi, Ernest Giles chọn con đường khác với con đường trước đây đã từng thấy hòn đá khổng lồ Uluru, William Gosse lại chọn con đường mà Ernest Giles từng đi qua. Kết quả, nhà thám hiểm William Gosse đã đến Uluru-Kata Tjuta trước so với nhà thám hiểm Ernest Giles. Và ông đã quyết định đặt tên khối đá khối đá khổng lồ Uluru theo tên vị toàn quyền Nam Úc lúc bấy giờ là ngài Henry Ayer.
Cách Uluru chỉ 40 cây số, du khách sẽ thấy Kata Tjuta – một nhóm gồm 36 vòm đá tròn gồ ghề, dựng đứng đã được hình thành qua quá trình xói mòn hơn 500 triệu năm. Kata Tjuta nghĩa là “nhiều cái đầu” và còn được gọi là núi Olga. Những khối đá hình tròn tuyệt đẹp với điểm cao nhất chỉ là 546m nhưng lại là điểm thưởng lãm hấp dẫn với những nhà leo núi.
Vòm đá tròn Kata Tjuta nhấp nhô giữa vùng sa mạc mênh mông
Kata Tjuta lung linh phản chiếu dưới bóng nước
Cho tới nay, Uluru và Kata Tjuta không chỉ có ý nghĩa văn hóa rất lớn cho các chủ đất truyền thống Anangu mà còn đứng vị trí đầu tiên trong top 10 địa danh linh thiêng nhất thế giới.