Go Back   ๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ > VI - ♥ Không Gian IT ♥ > 27 - Ebook Tổng Hợp - SÁCH GIẢI FULL > Khoa Học Xã Hội > Văn Học Lớp 10


Tìm kiếm chủ đề bài viết ở đây trước khi hỏi TTB -Tìm bằng tiếng việt có dấu càng chính xác-Ví Dụ:Đánh vào Hwang mi ri để tìm truyện tác giả này
$$**=====DS Truyện Tranh Online=====**$$ $$**=====Truyện Tranh Mới Đang Update=====**$$

KHÔNG XEM ĐƯỢC ẢNH TRUY CẬP ĐỔI DNS CLICK VÀO ĐÂY


Trả lời
  #1  
12-09-2012, 01:10 PM
adminbao adminbao is offline
Đầy Tớ Của Nhân Dân
Facebook: https://www.facebook.com/tuthienbaocom

Default Thuyết Minh Cuộc đời nhà thơ Nguyễn Trãi




Bài 1:

Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, sinh năm 1380 tại Thăng Long, ở nhà ông ngoại là cụ Trần Nguyên Đán. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh nhà nghèo, phải đi dạy học để sinh sống. Sau khi được mời vào dạy học ở nhà cụ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh lấy con gái cụ Trần Nguyên Đán mà sinh ra Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng.

Từ bé, Nguyễn Trãi đã rất thông minh và chăm học. Năm 1400, nhà Hồ cướp ngôi nhà trần rồi sau đó lại mở khoa thi để chọn nhân tài. Nguyễn Trãi đi thi, đậu tiến sĩ và cùng cha, ra làm quan với nhà Hồ... Ông nguyện đem hết tài năng ra để giúp dân, giúp nước.
Quân Minh mượn cớ là giúp nhà Trần, diệt nhà Hồ, để sang xâm lược nước Nam. Hồ Quý Ly cố sức chống cự lại, nhưng vì lòng dân không phục, nên đã bị thua. Quân nhà Minh bắt được toàn thể vua tôi nhà Hồ - trong đó có cả Nguyễn Phi Khanh - đem nhốt hết vào cũi, rồi đặt lên xe, giải về Tàu.

Nguyễn Trãi trốn thoát. Khi nghe tin cha bị bắt, ông liền cùng em là Nguyễn Phi Hùng lẽo đẽo theo sau đoàn xe giải tù, đi lên tận ải Nam quan. Hai anh em cùng khóc, người nào cũng muốn được đi theo để săn sóc cha già, ở nơi đất khách, quê người.

Trước khi vượt qua cửa ải Nam Quan, quân Minh cho đoàn xe tù tạm nghỉ. Thừa dịp quân canh đi uống rượu, Nguyễn Trãi và em lẻn đến gần cũi nhốt cha. Hai anh em cùng xin phép cho cho được đi theo cha, tới tận Kim Lăng (nước Tàu).

Nguyễn Phi Khanh ứa nước mắt, nói khẽ: "Các con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là có trung, có hiếu. Không nên cứ lẽo đẽo theo cha mà khóc lóc như thế này! Nếu cần thì cho Phi Hùng đi theo là đủ rồi!"
Biết rõ ý cha đã quyết, Nguyễn Trãi đành gạt nước mắt, để cho em là Nguyễn Phi Hùng đi theo cha. Ông còn căn dặn em là, sau này khi cha chết, phải cố mà tìm cách đem nắm xương tàn của cha về nước. Đến đây, Nguyễn Phi Khanh lại giục: "kìa quân canh đã trở lại rồi, con về đi!"

Nguyễn Trãi buồn rầu lùi ra xa, rồi đứng yên một chỗ, trông theo đoàn xe tù dần dần qua ải Nam Quan. Tới khi không còn nhìn thấy gì nữa, Nguyễn Trãi mới quay gót trở về Đông Quan. Chân bước trên đường mà lòng đau như cắt, vì từ nay ông đành vĩnh biệt cha già!
Vừa về tới Đông Quan là Nguyễn Trãi đã bị quân Minh kéo tới bắt. Chúng biết ông đã từng làm quan với nhà Hồ. Nhìn thấy vẻ mặt thông minh của Nguyễn Trãi, Trương Phụ sai lính đem chém đầu ngay để trừ mầm mống nổi loạn, chống đối sau này.

Thấy thế Hoàng Phúc vội ngăn lại và ghé tai nói thầm với Trương Phụ rằng: "Người này có tài, ta nên dụ dỗ hắn thì sẽ có lợi cho việc cai trị và bình định dân Nam." Trương Phụ ngẫm nghĩ một lát rồi ra lịnh tha cho Nguyễn Trãi được trở về nhà riêng.11) Sau đó, bọn tướng nhà Minh lại cho người đem vàng lụa tới khuyên dụ Nguyễn Trãi nên ra làm quan với chúng. Nguyễn Trãi lựa lời tìm cách từ chối nên chúng cho người rình rập, dò xét mọi hành động của ông. Để làm cho chúng khỏi nghi ngờ, ông mở trường dạy học.

Tuy bị giam lỏng, không được tự do đi lại, nhưng Nguyễn Trãi vẫn biết rõ tình hình của giặc, nhờ các học trò của ông ở khắp nơi, tới trường kể lại. Ông theo dõi và suy nghĩ rất kỹ để tìm ra một kế hoạch đánh đuổi giặc Minh. Rồi theo đó mà soạn thành một sách lược "Bình Ngô".
Ít lâu sau, có người bán dầu tìm tới gặp ông. Khi người này vào nhà, bỏ nón ra, đặt gánh dầu xuống, thì Nguyễn Trãi vội kêu lên: "Trời ơi! Anh Trần Nguyên Hãn!" Thì ra đó chính là Trần Nguyên Hãn, đã ăn mặc giả làm người bán dầu, để tìm đến gặp Nguyễn Trãi.

Trần Nguyên Hãn, cháu nội của cụ Trần Nguyên Đán, vốn là anh em con cô, con cậu với Nguyễn Trãi. Nay Trần Nguyên Hãn tới rủ Nguyễn Trãi cùng vào Lam Sơn tìm gặp Lê Lợi, để lo việc cứu nước. Ông hẹn sẽ đợi Nguyễn Trãi vào sáng mai, ở ngoài thành Đông Quan.
Đêm hôm ấy, Nguyễn Trãi thu xếp lại mọi công việc và đồ dùng để chỉ mang theo một cuốn sách lược "Bình Ngô". Sáng hôm sau, nhân gặp ngày rằm, thiên hạ nô nức kéo nhau đi lễ chùa rất đông, Nguyễn Trãi liền đi lẫn vào đám người đi lễ, để trốn ra khỏi thành.
Rồi hai anh em, sau khi gặp nhau, liền đêm đi, ngày nghỉ, cốt để tránh sự kiểm soát ở dọc đường của quân lính nhà Minh. Tới Lam Sơn, hai người được nghĩa quân đưa vào gặp chủ tướng Lê Lợi. Nguyễn Trãi dâng kế hoạch đánh đuổi giặc Minh được ghi trong sách lược "Bình Ngô".

Lê Lợi liền cho họp các gia tướng lại để nghe Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn trình bày thêm về tình hình giặc ở thành Đông Quan. Sau đó Nguyễn Trãi lại nhấn mạnh vào việc muốn thắng giặc, cần phải được lòng dân chúng trước đã. Có như thế mới không như Hồ Quý Ly trước đây, vì những cải cách quá táo bạo, mới mẻ, mà đã làm mất lòng dân, nên mới bị thua.
Mọi người rất vui mừng. Lê Lợi giữ Nguyễn Trãi ở lại làm sư quân và giao cho Trần Nguyên Hãn việc huấn luyện binh sĩ. Nguyễn Trãi liền soạn thảo những tờ hịch kể tội ác của giặc Minh, rồi cho đem đi dán ở khắp mọi nơi để kích thích lòng yêu nước của dân chúng.
Trong suốt mười năm gian khổ chống lại giặc Minh, Nguyễn Trãi luôn luôn ở liền bên cạnh Bình Định Vương Lê Lợi. Ông đưa ra những ý kiến và đường lối để thu phục lòng người. Chính tay ông đã soạn thảo ra những văn thư và mệnh lệnh gửi cho nghĩa quân.

Khi nghĩa quân phải rút về Chí Linh lần thứ ba, lương thực cạn, tướng sĩ mỏi mệt, Nguyễn Trãi đã khuyên Bình Định Vương nên tạm hòa với giặc. Rồi ông viết thư cho Trần Trí và Sơn Thọ, trình bày rõ mọi lẽ lợi hại, hơn thiệt để hai bên cùng ngưng chiến, nghỉ ngơi.
Khi Phương Chính, tên đô đốc giặc, gửi thư kể tội, mắng nhiếc Lê Lợi và nghĩa quân, Nguyễn Trãi đã viết thư trả lời mắng lại. Lời thư thật là đanh thép, hùng hồn. Ngoài việc nêu cao chính nghĩa vì dân, vì nước của Bình Định Vương, ông còn vạch rõ những tội ác dã man của giặc, khiến Phương Chính xem xong, uất ức, tức giận vô cùng!

Năm 1427, khi ra vây thành Đông Quan, theo lệnh Bình Định Vương, Nguyễn Trãi lại viết hịch gửi đi khuyên bảo, thúc giục Vương Thông ở thành Đông Quan nên sớm rút quân về Tàu, vì viện binh của y đều đã bị phá vỡ...
Ngọn bút của Nguyễn Trãi có sức mạnh phi thường, chẳng khác gì một đoàn quân dũng mãnh, đánh thẳng vào tâm lý, tình cảm của quân thù. Vì thế mà những lá thư dụ hàng của ông đã khiến cho nghĩa quân hạ được nhiều thành của giặc, mà không mất một mũi tên, một giọt máu nào...

Sau khi đánh đuổi được giặc Minh về nước, Bình Định Vương lên ngôi vua tức là vua Lê Thái Tổ. Ngài ủy cho Nguyễn trãi viết bản "Bình Ngô Đại Cáo" để thông báo cho toàn dân biết tin là đã phá tan được giặc Minh. Bản này còn là một áng văn chương hùng tráng, tuyệt tác, rất có giá trị và được truyền tụng đến muôn đời sau...

Lên ngôi rồi, vua Thái Tổ liền ban chức tước và khen thưởng các công thần. Bên văn, đứng đầu là Nguyễn Trãi. Bên võ, đứng đầu là Lê Vấn. Ngài lại phong cho Nguyễn Trãi tước Quan Phục Hầu và Trần Nguyên Hãn làm Tả Tướng Quốc.
Chẳng được bao lâu vì tính hay nghi ngờ, lại nghe lời dèm pha mà Thái Tổ đã lầm lẫn giết oan nhiều vị công thần như: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo v.v.. Đã có một lần Nguyễn Trãi bị bắt, rồi bị tống giam vào ngục và xuýt nữa thì bị giết chết.

Buồn chán vì việc đời trái với lòng mình, Nguyễn Trãi xin thôi làm quan và về ở ẩn tại côn sơn (Hải Dương) từ năm 1439. Chưa ở nhà được một năm thì vua Lê Thái Tông lại vời ông ra làm việc. Bất đắc dĩ, không từ chối được, ông đành phải vâng mệnh vua, trở lại kinh thành.
Tuy ra làm quan mà Nguyễn Trãi vẫn thường đi, về đất Côn Sơn, sống một cuộc đời thanh bần, giản dị. Một lần đến thăm ông, tiến sĩ Đỗ Mộng Tuân, người bạn thi đậu cùng khoa với ông, đã phải nói: "Nhà Quan phục hầu sao mà trống trải, nghèo nàn thế này? Chỉ được mỗi cái là có rất nhiều sách cổ mà thôi!"

Nguyễn Trãi có người vợ lẽ tên là Nguyễn Thị Lộ rất xinh đẹp, nết na, lại giỏi văn thơ. Thái Tông biết tiếng nên cho vời vào cung, rồi phong cho làm Lễ Nghi nữ học sĩ, để dạy các cung phi. Nhà vua thường đem việc nước ra bàn với Nguyễn Thị Lộ.
Khi vợ thứ tư của Thái Tông là Nguyễn Thị Anh sinh con trai là Băng Cơ được lập làm thái tử, thì người vợ thứ năm của vua là Ngô Thị Ngọc Dao cũng có thai. Sợ Ngọc Dao lại sinh con trai, có thể tranh giành quyền hành với con mình, Nguyễn Thị Anh liền cùng bọn gian thần tìm cách đặt điều nói xấu, hãm hại Ngọc Dao. Nhà vua nghe theo định đầy Ngọc Dao đi thật xa.

Thấy việc này oan ức, Nguyễn Trãi bảo Thị Lộ gỡ oan giúp. Thị Lộ xin vua xét lại và được Thái Tông nghe lời, cho đổi tội đi đầy ra tội giam lỏng Ngọc Dao tại chùa Huy Văn (ở gần Văn miếu bây giờ). Sau đó, Nguyễn Trãi lại thường sai người ngầm mang thức ăn đến cho Ngọc Dao.
Đến kỳ sinh nở, Ngọc Dao sinh được một người con trai, đặt tên là Tư Thành. (sau này khi lên ngôi vua, Tư Thành lấy hiệu là Lê Thánh Tông 1460-1497). Việc ấy đến tai Nguyễn Thị Anh. Bà này giận lắm, bàn cùng bọn Lê Vấn, tìm mọi cách để báo thù, hãm hại cả gia đình Nguyễn Trãi

Năm 1442, Lê Thái Tông đi duyệt kỳ thi võ ở thành Chí Linh (Hải Dương). Tiện đường về, vua ghé lại Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Sau đó xa giá trở về kinh. Dọc đường, trời tối, Thái Tông cho lệnh dừng xe, nghỉ đêm ở Lệ Chi Viên (tục gọi là trại vải Đại Lại, Bắc Giang).
Thình lình nửa đêm, Thái Tông bị bệnh mà băng hà (chết). Các quan hộ giá cùng nữ học sĩ vội bí mật rước thi hài vua về kinh. Triều đình lập Băng Cơ lên nối ngôi, tức là vua Lê Nhân Tông. Vì Nhân Tông mới có hai tuổi nên bà Thái hậu Nguyễn Thị Anh được cử ra để trông coi việc nước.

Nhân dịp này, bọn quyền thần liền cùng Thái hậu bắt Nguyễn Thị Lộ đem ra tra khảo rất tàn nhẫn và khép vào tội giết vua. Thái hậu Nguyễn Thị Anh, ngồi sau rèm, bắt quân lính tra hỏi: "Có phải chính Nguyễn Trãi xui mi dùng thuốc độc giết vua hay không?".
Nguyễn Thị Lộ kêu oan nên bị đánh đập nữa. Sau cùng, không chịu nổi hình phạt, Thị Lộ đành liều nhận tội. Thế là Thái Hậu tức tốc sai bọn lực sĩ về tận Côn Sơn, bắt cả gia đình Nguyễn Trãi, đóng vào cũi, giải về kinh, trị tội (1442).

Theo lịnh của Thái hậu, lũ quyền thần ghép cho Nguyễn Trãi cái tội làm phản, giết vua nên bị tru di tam tộc (tức là giết cả ba họ là: họ cha, họ mẹ và họ vợ, không kể gì già trẻ, trai gái, lớn, bé). Thế là cả gia đình của Nguyễn Trãi đã bị chết oan, nhưng danh thơm, tiếng tốt của ông vẫn còn sáng chói đến muôn đời trong lịch sử...
Hai mươi hai năm sau (1464) con trai bà Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành lại được tôn lên làm vua Lê Thánh Tông. Biết rõ lòng trung nghĩa của Nguyễn Trãi, lại nhớ ơn người đã từng cứu sống cho cả hai mẹ con mình, Lê Thánh Tông liền xuống chiếu giải oan cho ông và truy tặng ông tước Thái sư Tuệ Quốc Công.

Việc cả gia đình Nguyễn Trãi bị giết là do ở mối thù của bà Thái Hậu Nguyễn Thị Anh và lũ quyền thần. Tuy nhiên trong dân gian lại có một thuyết cho là vì rắn báo oán. Thuyết đó kể rằng, khi ông còn dạy học, đám học trò phát cỏ, dọn vườn làm trường, có người đã chém đứt đuôi một con rắn cái đang có mang (có bầu sắp đẻ)
Đêm đến, con rắn cái đó leo lên xà làm rỏ một giọt máu xuống cuốn sách mà ông Nguyễn Trãi đang cầm đọc. Giọt máu trúng ngay vào chữ Đại (Đại có nghĩa là đời) và thấm tận xuống 3 tờ giấy trong sách. Vì thế nên ông bị tội chết cả ba họ và Nguyễn Thị Lộ chính là con rắn cái đã bị chém đứt đuôi hiện ra để báo oán thù ông. Truyện này tuy huyền hoặc, song vẫn có nhiều người hay kể lại.

Bài 2:
Nguyễn Trãi, sinh ở Thăng Long trong gia đình ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Cha ông là Nguyễn ứng Long, hiệu ức Trai (tức là Nguyễn Phi Khanh). Mẹ ông là Trần Thị Thái, con gái Trần Nguyên Đán.

Năm Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ ông mất. Sau đó không lâu, Trần Nguyên Đán cũng mất. Ông về ở với cha tại quê nội ở làng Nhị Khê.

Năm 1400, để cứu vãn chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và tiếp tục thi hành các cải cách như chính sách hạn nô, hạn điền, tổ chức lại giáo dục, thi cử và y tế.

Cũng năm 1400, sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi. Nguyễn Trãi ra thi, ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm ông 20 tuổi. Hồ Quý Ly cử ông giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Còn cha ông là Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn từ năm 1374, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa trung thư kiêm Hàn lâm Viện học sĩ tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Năm 1406, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ mang quân sang xâm lược Việt Nam. Nhà Hồ đem quân ra chống cự, nhưng bị đánh bại. Cha con Hồ Quý Ly và một số triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh bị bắt và bị đưa về Trung Quốc.

Nghe tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng khóc theo lên tận cửa Nam Quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù.

Nhân lúc vắng vẻ, Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi:

- Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha, khóc lóc như đàn bà mới là hiếu hay sao?

Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở lại tìm con đường đánh giặc, cứu nước.

Về đến Thăng Long, ông bị quân Minh bắt. Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc biết Nguyễn Trãi là một nhân vật có tài, tìm cách dụ dỗ, nhưng ông kiên quyết không theo giặc.

Sau một thời gian bị giam lỏng ở Đông Quan (tức Thăng Long), Nguyễn Trãi vượt được vòng vây của giặc vào Thanh Hóa theo Lê Lợi. Ông gặp vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn ở Lỗi Giang. Ông trao cho Lê Lợi bản chiến lược đánh đuổi quân Minh mà sử sách Việt Nam gọi là Bình Ngô sách.

Trong bài tựa ức Trai di tập, Ngô Thế Vinh cho biết: Bình Ngô sách "hiến mưu trước lớn không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người".

Lê Lợi khen chiến lược của Nguyễn Trãi là đúng. Và ông đã vận dụng chiến lược này để đánh quân Minh. Từ đây, ông thường giữ Nguyễn Trãi gần bên mình để cùng bàn mưu tính kế đánh quân Minh.

Cuối năm 1426, Lê Lợi lập bản doanh ở bến Bồ Đề (Gia Lâm). Tại đây, ông cho dựng một cái chòi cao ngang bằng tháp Báo Thiên ở Đông Quan. Lê Lợi ngồi tầng thứ nhất của chòi, Nguyễn Trãi ngồi tầng thứ hai. Hai nhân vật luôn luôn trao đổi ý kiến với nhau.

Trong kháng chiến, Nguyễn Trãi chủ trương phải dựa vào dân thì mới đánh được giặc, cứu được nước. Khi kháng chiến đã thắng lợi, ông cũng thấy rằng phải lo đến dân, thì mới xây dựng được đất nước. Trong tờ biểu tạ ơn được cử giữ chức Gián nghị đại phu tri tam quân sư, ông đã viết: "Chí những muốn, việc cố nhân đã muốn: để tâm dân chúng, mình lo trước điều thiên hạ phải lo".

Năm 1437, khi vua Lê Thái Tông cử ông định ra lễ nhạc, ông cũng nói cho vua biết những điều mà vua phải làm trước hết là chăn nuôi nhân dân:

- Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc.

Do luôn luôn "lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ", Nguyễn Trãi lúc nào cũng sống một cuộc đời giản dị, cần kiệm liêm chính. Nhà của ông ở Đông Kinh (Thăng Long) chỉ là một túp nhà tranh (góc thành Nam lều một gian). Khi ông cai quản công việc quân dân ở hải đảo Đông Bắc, nhà của ông ở Côn Sơn "bốn mặt trống trải, xác xơ chỉ có sách là giàu thôi" (thơ Nguyễn Mộng Tuân, bạn Nguyễn Trãi).

Bài Bình Ngô đại cáo của ông là một "thiên cổ hùng văn". Đó là một thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc.

Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi là những thư từ do ông viết trong việc giao thiệp với quân Minh. Những thư này là những tài liệu cụ thể chứng minh đường lối ngoại giao vào địch vận hết sức khéo léo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi làm cho quân Lam Sơn không mất xương máu mà hạ được rất nhiều thành.

Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tác phẩm xưa nhất bằng Việt ngữ mà chúng ta còn giữ được. Tác phẩm này rất quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam và lịch sử ngôn ngữ Việt Nam.

Năm 1442, cả gia đình ông bị hãm hại (tru di tam tộc) khiến cho người đương thời vô cùng thương tiếc.

Năm 1464, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng quan tước và tìm hỏi con cháu còn sót lại.

Nguyễn Trãi là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. ông là anh hùng dân tộc, là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nước ta. Tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng "Ưc Trai tâm thượng quang Khuê Tảo".

Bài 3:
"Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng"

(Tố Hữu)

Lấp lánh rọi sáng như một ngôi sao Khuê trong tâm hồn, trong trái tim "ưu thời ái quốc", - thâm thuý, sắc bén, đầy biến hoá trong tài mưu lược chính trị - nhẹ nhàng mà thanh tao, thi vị trong những vần thơ về thiên nhiên, cây cỏ, Nguyễn Trãi đã tạc mình vào vóc dáng dân tộc, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim mỗi người dân Viêt Nam, trong lịch sử dân tộc.

Lắng mình cùng dòng chảy thời gian, trở về với mảnh đất Hải Dương - nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng con người tài hoa Đất Việt Nguyễn Trãi, ta mới thấu hiểu rằng lấp sau mũ quan, áo gấm là một thời ấu thơ đầy bão dông. Nguyễn Trãi (1380 - 1442) sinh ra và lớn lên tại làng Chi Ngại, là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại tướng công Trần nguyên Đán. Thật may mắn khi con người vốn đã tài hoa, kiệt xuất trời xinh ấy lại được nuôi dưỡng, lớn lên trong một gia đình mà truyền thống yêu nước, văn hoá, văn học đã trở thành một niềm tự hào sâu sắc.Thế nhưng, hạnh phúc vừa cầm nắm trong tay thì cuộc đời giông tố đã ập đến khiến Nguyễn Trãi chịu nhiều mất mát đau thương. Ông để tang mẹ lúc 5 tuổi rồi lại ông ngoại qua đời khi vừa tròn 10 tuổi. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về tinh thần, nỗ lực học tập, năm 1440, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan dưới triều nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, cha ông bị chúng bắt sang Trung Quốc. Gánh nặng hai vai là món nợ non sông và mối thù nhà khôn xiết. Sau khi thoát khỏi sự giam lỏng của giặc Minh, Nguyễn Trãi từ Đông Quan tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Ông đã trở thành cánh tay đắc lực của Lê Lợi, thực hiện "mưu phục tâm công" giúp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến toàn thắng vang dội. Ông hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Giặc ngoài đã dẹp yên, mâu thuẫn nội bộ triều đình phong kiến nổi lên, Nguyễn Trãi bị nghi oan, bắt giam. Sau đó ông được thả ra nhưng không còn được tin dùng như trước. Thời thế ép buộc con người tận trung với nước, tận hiếu với dân phải từ bỏ chốn quan trường về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442, Nguyễn Trãi trở về giúp vua Lê Thánh Tông việc nước thì an oán Lệ Chi Viên đổ ập xuống gia đình ông. Bọn gian thần vu cho ông giết vua, khép tội "tru di tam tộc". Cuộc đời đã đóng sập trước mắt con người tài hoa bạc mệnh như một sự thật phũ phàng đến nao lòng, là nỗi xót thương nghẹn ngào của bao con dân khổ cực dưới ách cùm trói thiếu đi một cánh tay che chở, bảo vệ trước dông tố cuộc đời.

Sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi hư vô. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi tưởng đã bị cuốn phăng khỏi guồng quay của thời gian, chuyến hành trình dài của lịch sử nhưng chính bởi hồn thơ văn chất chứa đã khẳng định tên tuổi, tạc linh hồn vô hình lên vóc dáng dân tộc, để lại cho đời những tiếng thơ bất hủ, vang dội mà cũng không kém phần lắng đọng, tinh tế, bình dị như chính những rung động nhẹ nhàng trong trái tim Nguyễn Trãi:
"Nhắc đến tên ông là thấy thơ
Như một nguồn thiêng chẳng bến bờ".
(Tế Hanh)

Nguyễn Trãi - nhà văn chính luận kiệt xuất mọi thời đại. Ông coi thơ là nơi gửi gắm, truyền đạt con mắt sự đời tinh tế để công phá quân giặc; là miền đất mơ ước mà ở đó tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân thấm nhuần vào hành động, xuyên suốt, chủ đạo như nguồn năng lượng hội tụ phát sáng kì diệu:

"Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng"
(Quốc âm thi tập)

Trong thơ Nguyễn Trãi, hai tiếng "trung hiếu" và "ưu ái" như một lời nguyền vang vọng, trường tồn với năm tháng: Yêu nước, thương dân - danh là danh tổ quốc - lợi là lợi tổ quốc. Sống để cống hiến, suốt đời quên mình vì dân vì nước, vì tư tưởng "nhân nghĩa". Rạo rực, hùng hồn, sắc bén, đây "Quân trung từ mệnh tập" - vang dội khí phách, tinh hoa, cội nguồn dân tộc đây, mãi là áng "Thiên cổ hùng văn" ấy là Bình Ngô đại cáo...

"Quân trung từ mệnh tập" tuy chỉ là một tập hợp gồm những thư từ gửi cho tướng giặc và những giao thiệp với triều đình nhà Minh của Nguyễn Trãi.... nhưng nó lại là tập văn chiến đấu "có sức mạnh bằng mười vạn quân" (Phan Huy Chú) với ngòi bút tinh thông, sắc sảo, biến hoá, nhất quán của mưu sư “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn). Mỗi bức thư là một khâu, một mắt xích quan trọng trong cả cuộc luận chiến kéo dài giữa ta và địch, là sự kết hợp tuyệt diệu giữa lý lẽ lúc thâm thuý, ý nhị, lúc biến hoá, sắc sảo đến gai góc, tài tình với tư tưởng yêu nước, thương dân đã tạo cho “sức mạnh của ngòi bút Nguyễn Trãi được nhân lên, cú đánh nào của ông cũng trúng đích” (Nguyễn Huệ Chi). Nếu văn đàn Việt Nam đã từng gặp mối giao thời lịch sử và văn học sáng rọi giữa Nam Quốc Sơn Hà với chiến thắng trên sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt hay Hịch tướng sĩ với chiến thắng chốg quân Nguyên lần thứ II thì Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là sự lặp lại một lần nữa mối giao thời rực rỡ, huy hoàng ấy. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa cảm hứng chính trị và cảm hứng nghệ thuật đến mức kì diệu mà chưa một tác phẩm chính luận nào đạt tới, là áng văn yêu nước sáng chói non sông, thời đại - một “thiên cổ hùng văn” không tiền khoáng hậu. Tác phẩm chính là bản tuyên ngôn độc lập, bản cáo trạng hùng hồn tội ác của kẻ thù, là khúc tráng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa phải gắn liền với chống quân xâm lược, bảo vệ quê hương, lo cho dân cuộc sống “thái bình, thịnh trị”, “xã tắc từ đây vững bền” ; lòng tự hào dân tộc sâu sắc:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
(Bình Ngô đại cáo)

Lắng sâu trong Bình Ngô đại cáo là dòng máu lúc bừng lên, sôi sục lòng tự hào dân tộc nhiệt huyết, lúc âm vang, giận dữ, uất hận trào sôi, lúc nghẹn ngào, tấm tức … Nguyễn Trãi luôn ước vọng nhà nước phong kiến sẽ lấy nhân nghĩa để “trị dân”, “khoan dân” cho viễn cảnh quê hương đất nước tươi đẹp hiện ra tươi sáng, huy hoàng, rực rỡ hơn:

“Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”. Giọng văn chính luận của Nguyễn Trãi đã đạt tới mức độ nghệ thuật mẫu mực từ cách xác định đối tượng, mục đích để có biện pháp khéo léo tạo nên kết cấu sức bén, nhất quán. Với tài năng, đức độ cùng những việc mà Nguyễn Trãi đã làm và cống hiến cho dân tộc, ông xứng đáng là một nhà cải cách vĩ đại, nhà tư tưởng lớn, một danh nhân văn hoá thế giới. Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thươn dân, để cứu nước phải dựa vào dân và cứu nước để cứu dân, đem lại thái bình cho nhân dân.” Tư tưởng nhân nghĩa ấy luôn thiết tha, thường trực chuyển thành tâm trạng lo âu, bất an:

“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Chẳng nằm thức dậy nẻo canh ba.”
(Bảo kính cảnh giới – 1)
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.”
(Thuật hứng – 5)

Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi tiềm ẩn như quặng quý mà ta cần phải khai thác, nhưng khi lộ thiên nó lại càng lấp lánh hơn bởỉ tư tưởng, tấm lòng yêu nước, thương dân sáng ngời.

Rạo rực khí phách một thời của vị anh hùng nhưng “Bình Ngô đại cáo” hay “Quân trug từ mệnh tập”…. chỉ là chất thép bao bọc bên ngoài một tâm hồn, một trái tim biết đau nỗi đau thời thế, biết yêu, biết sống đẹp, sống vui. Là bậc anh hùng với lý tưởng cao cả nhưng Nguyễn Trãi xót xa và nghẹn ngào đau xót trước cảnh người dân bị tàn hại vô tội. Ông thương khóc cho “dân đen” đang rên xiết dưới gót giày quân giặc. Tình yêu thương đồng loại cao cả, vĩ đại lắm thay là một phần xương máu, tâm can của con người anh hùng ấy!

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
Nguyễn Trãi vốn là con người trung thực, ngay thẳng, yêu lẽ phải và sự công bằng nên nỗi đau xót, buồn rầu, chua chát về thời thế đen bạc, lòng người đổi thay là điều hiển nhiên:
“ …. Càng một ngày càng ngặt đến xương
…. Ở thế nhiều phen thấy khóc cười
…. Bui một lòng người cực hiểm thay”.
Xã hội càng ngang trái, người anh hùng ấy lại càng ngời sáng phẩm chất cứng cỏi, khát khao tự do, thà chết chứ không chịu làm nô lệ của cường quyền bạo ngược:
“Một tấm long son ngời lửa luyện
Mười năm thanh chức ngọc hồ băng
Ung dung cứ nói điều ta thích
Uốn gối theo đời không thể vâng”.
Con người ấy hội tụ đầy đủ vẻ đẹp tâm hồn của tinh hoa đất Việt, người Việt! Sự tôn vinh danh nhân văn hoá thế giới do UNESCO năm 1980 công nhận đã khẳng định rõ ràng vẻ đẹp của con người ấy.

Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà chính trị tài ba mà ông còn là con người của cuộc sống đời thường, của quên hương xứ sở, gắn bó với “Một cày, một cuốc thú nhà quê” của cuộc đời lao động chân lấm tay bùn. Đâu chỉ yêu quê hương Côn Sơn có “đá rêu”,có “suối chảy rì rầm”, có “ghềnh thông mọc như nêm”, có “bóng trúc râm” mà Nguyễn Trãi còn dành cho thiên nhiên một địa vị cao sang trong thơ qua “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập”. Đó là màu xanh của cỏ như “khói bến xuân tươi”, là bóng thông bên núi, là tiếng cuốc gọi hè, là vẻ kín đáo “Tình thư một bức phong còn kín” trong Cây chuối, là cành mai, dáng tùng, là sức sông trào dâng của hoa lựu đỏ ngoài hiên …. Tất cả những điều bình dị, dân dã ấy qua những rung động thẩm mĩ của Nguyễn Trãi đều đi vào thơ ca nhẹ nhàng như một mảnh tâm hồn. Thiên nhiên đã trở thành nơi ôm ấp, bao bọc con người có tâm hồn thanh cao, yêu đời ấy. Dù đi đến bất cứ nơi đâu, thiên nhiên đều trở thành một nguồn thơ bất tận “Túi thơ chứa hết mọi giang sơn” của người thi sĩ này. Nguyễn Trãi sống để bầu bạn với thiên nhiên, để viết về tình cảm nhân văn giữa con người với con người như ngiã vua tôi, tình cha con sâu sắc:
“Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời áo cha”.

Những vần thơ của Nguyễn Trãi dù viết về thiên nhiên hay tình cha con, tình bạn …. đều biết bao gần gũi. Chính hình ảnh con người trong thơ đã làm cho Nguyễn Trãi nổi bật rõ hơn vẻ đẹp nhân bản, nhân văn trong tâm hồn người anh hùng, nâng cao tầm vóc, vị thế của một con người thời đại.

Xuất hiện ở nửa cuối thế kỉ XV, thiên tài văn học Nguyễn Trãi đã trở thành một hiện tượng văn học kết tinh truyền thống văn học Lý - Trần, đồng thời mở đường cho giai đoạn phát triển mới. Bao trùm trong thơ Nguyễn Trãi là nguồn cảm hứng yêu nước và nhân đạo sâu sắc. Ông là một nhà văn chính luận xuất sắc, là nhà thơ có công khai sáng tiếng Việt, đem đến cho nền văn học thơ Đường luật viết bằng văn học chữ Nôm sáng tạo làm tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp.

Đã sáu trăm năm trôi qua, Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà tư tưởng chính trị lớn sống mãi trong lòng dân tộc và thế hệ con cháu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp theo tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi để đối xử nhân đạo với những tên giặc. Bọn chúng đã gây ra, đem bom đạn giết hại dân ta, đàn áp đồng bào ta, tàn phá dân tộc ta, gây bao nhiêu tang tóc đau thương trên mọi miền đất nước. Vậy mà khi bắt sống quân giặc, ta vẫn đối xử nhân đạo với chúng vào khách sạn Hintơn và sau ngày 30-4-1975 trao trả lại cho Mỹ. Phải chăng đó là bắt nguồn từ tư tưởng Nguyễn Trãi? Ta tự hào vì dân tộc ta có một nhân cách lớn như Nguyễn Trãi. Cuộc đời, sự nghiệp ấy sẽ mãi mãi là tấm gương soi đường, chỉ lối cho những bước ta đi để xây dựng quê hương, đất nước. Thời gian sẽ không làm phai mờ đi chân dung danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Ta vẫn thấy ông ung dung thanh cao sống giữa cõi đời thanh bình ấy:
“Đạp sóng mây, ôm bó củi
Ngồi bên suối, gác cần câu”.
(Trần tình – 5)

Ta vững bước hướng về một tương lai tươi sáng; sẵn sàng, tự tin bước đi xây dựng quê hương khi biết đằng sau mình vẫn có những con người vĩ đại như thế soi đường, chỉ lối. Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam!
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

ADS
Tags
cuộc, minh, nguyễn, nhà, thuyết, thơ, trãi, đời




© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay, truyen tranh online, ebook,ebook ngon tinh, van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2024, Jelsoft Enterprises Ltd.