Anh quốc, một lần qua
Nền giáo dục Anh được xếp vào loại hàng đầu thế giới nhờ ưu thế của một cường quốc lâu đời và sử dụng tiếng Anh... chính thống. Có nhiều trường đại học nổi tiếng như Oxford, Cambrigde, Queen Mary... Trước đây, Anh cũng có chế độ miễn học phí cho học sinh, sinh viên. Nhưng đến thời kỳ “bà đầm thép” nổi tiếng, Thủ tướng Thatcher đã bãi bỏ chế độ này cùng với chủ trương tư nhân hóa mạnh mẽ nền kinh tế Anh. Bây giờ học ở Anh cũng phải đóng học phí và học phí thì... không hề rẻ một chút nào!
Người Anh hiện nay đang thương mại hóa nền giáo dục quốc tế. Tôi nghe nói có cả hiệu trưởng một trường trung học của Anh đã sang đến tận Việt Nam giới thiệu, “tiếp thị” trường mình để thu hút học sinh sang Anh du học. Theo anh Long cho biết, anh đến thăm một đứa cháu học phổ thông trung học tại một trường ở London, điều kiện học và ăn ở nội trú của trường rất tốt. Cha mẹ học sinh có thể an tâm...
Trên đường phố cổ ở khu Đại học Oxford
Theo con số ước tính của các cơ quan chuyên môn, hiện nay có khoảng 6.000 du học sinh Việt Nam đang theo học phổ thông, đại học, cao học và nghiên cứu sinh ở Anh. Du học sinh Việt Nam có mặt ở nhiều thành phố, nhiều nhất là London. Đa số những gia đình có con em đi học ở Anh thuộc diện khá giả. Mỗi năm, bình quân tiền ăn, ở, học phí cho một học sinh, sinh viên ở Anh ngót nghét từ nửa tỉ trở lên chứ chẳng chơi. Tất nhiên là có thể làm thêm để bù đắp vào chi phí, nhưng đi học cho được cũng khướt bơ rồi chứ làm thêm thì cực chẳng đã mới phải đi làm.
Gia Sơn và Tuấn Anh là những nghiên cứu sinh tại London đưa chúng tôi đi thăm Đại học Oxford. Đây là trường đại học cổ nhất trong các nước nói tiếng Anh và là một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Giảng đường chính của Đại học Oxford thoạt trông như một thánh đường lớn. Tìm hiểu thêm và hóa ra trường đại học này ban đầu được lập ra để đào tạo các linh mục. Thế kỷ thứ 13, Đại học Oxford được thành lập, mục đích chính là giáo dục học giả thành tu sĩ, linh mục. Đại học Oxford có 39 học viện (college), mỗi học viện có một cấu trúc và hoạt động riêng. Bây giờ, sinh viên nhiều nước tới học ở đây. Trong đó mỗi năm có vài ba sinh viên Việt Nam. Đường phố Oxford luôn tấp nập những khuôn mặt đầy sức sống của thanh niên nam nữ. Thêm vào đó những con đường nhỏ, lát đá từ mấy trăm năm và những toà nhà cổ có nhiều chóp nhọn làm cho cả thành phố khác hẳn.
Nhưng nền giáo dục đại học ở Anh không phải hoàn toàn trong sạch. Cũng có tiêu cực tại một số trường, nhất là những trường đại học, cao đẳng mới được thành lập. Những trường này đã chạy theo lợi nhuận và gian dối. Mới đây, người ta phát hiện một trường đại học ở Anh trong nhiều năm qua đã vô tư bán bằng dỏm cho các sinh viên nước ngoài để giúp họ kéo dài thời gian ở lại Anh quốc. Thông tin trên được tiết lộ sau khi phóng viên tờ “Thời báo” (The Times) điều tra và phát hiện có tới 1.200 sinh viên nước ngoài trong danh sách theo học tại trường King’s College of Management ở Manchester, trong khi thực tế trường này chỉ đăng ký 150 sinh viên ngoại quốc. Ngoài ra, còn có 1.575 sinh viên quốc tế khác đã được tuyển sinh vào trường này nhưng chưa theo học. Chưa hết, trong hồ sơ lưu trữ của King’s College of Management còn có một danh sách “đen” gồm 207 người nước ngoài đã từng mua bằng tốt nghiệp tại đây để được gia hạn thời gian ở lại nước Anh với mục đích tìm việc. Đáng chú ý là King’s College of Management mới được thành lập cách đây không lâu nhưng đã được Cơ quan kiểm định chất lượng các trường đại học quốc tế của Anh chứng nhận là một “cơ sở có chất lượng cao”.
Hồi tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng Anh công bố một loạt trường đại học “ma” được dựng lên để đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Anh, trong đó có cả phần tử khủng bố. Các nhà điều tra đã phát hiện 8 trong số các nghi can khủng bố người Pakistan bị bắt tại Anh cách đây không lâu đều có tên trong danh sách học sinh của một trong các trường này. Ra đời trong vòng 5 năm qua, những trường đại học “ma” nói trên đều nằm ở London, Manchester, Bradford, và do ba người Pakistan vào Anh theo thị thực sinh viên điều hành. Để được nhận vào học, mỗi sinh viên chỉ cần nộp khoảng 1.000 bảng Anh (tương đương 1.500USD) và nếu muốn có học bạ chỉ cần nộp thêm 2.500 bảng Anh nữa. Thông báo của Bộ Nội vụ Anh cho biết Cục Biên giới của nước này sẽ mở một loạt cuộc điều tra nhằm vào các trường đại học bị nghi ngờ đã “lách luật” để đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Anh. Hiện ở Anh có khoảng 1.500 trường đại học có sinh viên nước ngoài theo học, giảm mạnh so với con số 4.000 trường trước khi Bộ Nội vụ Anh siết chặt quy định tuyển sinh đối với người nước ngoài. *
* * Nước Anh có độ 55 triệu người. Người nhập cư khá đông nên có một bộ di trú trong chính phủ. Thành phố London có độ sáu triệu dân. Người da trắng chiếm tỉ lệ cao nhất. Người Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nigeria chiếm tỉ lệ khá cao. Người Ấn có độ một triệu. Cũng dễ hiểu, các nước này xưa kia là thuộc địa của Anh, dùng tiếng Anh thông dụng nên người nhập cư vào Anh khá dễ dàng, dễ hội nhập hơn. Khu vực sinh sống của người gốc nước ngoài khá rải rác, nhưng có những cộng đồng lại ở tương đối tập trung. Chẳng hạn như ở Birmingham có tới 50% dân số là người gốc Ấn và Pakistan. Còn tại London, người Hoa có China Town, người gốc Phi thường sống ở khu Peckham giống như khu Harlem ở New York. Người Việt Nam mình sống có hai khu nhiều nhất là ở phía tây, quận... và khu Hackney. Cũng có một bộ phận ở khu Mileend, khu vực được gọi như là quận 8 ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu vực nghèo nhất London, chủ yếu là người nhập cư sinh sống.
Khu vực Peckham nơi có cộng đồng người gốc Phi sinh sống là nơi có tội phạm cao nhất. Các vụ án giết người, cướp của thường xảy ra ở đây. Các loại trọng án như cướp nhà băng thường người da trắng làm. Có vụ bọn tội phạm thuê nhà sát ngân hàng rồi đào hầm dễn đến đúng nơi để két bạc, nhưng cuối cùng chúng lại lấy được những đồng bảng Scotland là loại tiền khó tiêu xài rộng rãi.
Cộng đồng người Việt ở Anh có độ 40.000 người. Anh Phong nói cảnh sát Anh cho biết có độ 30.000 người đã nhập quốc tịch Anh. Người Việt sinh sống ở Anh có khoảng bốn thế hệ. Thế hệ thứ nhất là lưu lạc từ chiến tranh, số này gần như đa phần không còn nữa mà chỉ còn con cái họ. Thế hệ thứ hai là số sang từ những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Hầu hết là người của chế độ Sài Gòn. Nhưng số này cũng rất ít và hiện phần lớn đã già, chủ yếu sống nhờ trợ cấp xã hội là chính. Thế hệ thứ ba sang từ những năm cuối 1970 đầu những năm 1980. Họ ra đi bất hợp pháp hoặc đoàn tụ gia đình chủ yếu là vì mục đích kinh tế. Một bộ phận từ Đông Âu qua Anh sau khi Liên Xô tan rã. Một bộ phận khác vào Anh theo con đường bất hợp pháp và dần dần trở thành hợp pháp khi có công ăn việc làm. Luật pháp Anh cho phép những người nước ngoài cư trú đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định thì được nhập quốc tịch Anh. Cũng có một bộ phận người Việt còn sống bất hợp pháp ở Anh. Những người này làm chui, trốn thuế. Họ đi qua bằng con đường du lịch, thăm thân rồi ở lì luôn. Lại có người qua từ ngả Ireland. Dòng người vào Anh vẫn tiếp tục mặc dù không lớn lắm. Rồi thế hệ thứ tư là các du học sinh.
Trạm điện thoại công cộng ở Anh
Công ăn việc làm của cộng đồng người Việt ở Anh cũng đa dạng. Số trí thức hoặc lao động gián tiếp ở các công sở, bệnh viện, các hãng tư nhân không nhiều lắm. Cũng có một bộ phận thành đạt. Nhưng làm ăn khấm khá nhất là những anh làm thương mại. Số được coi là đại gia ở Anh không nhiều. Nổi nhất có anh Nam, người có nhiều cơ sở buôn bán, có mấy xí nghiệp may mặc liên hoàn từ Việt Nam sang Anh. Ngành nhà hàng ăn có vẻ phát đạt. Ở Đức người Việt cũng có một số nhà hàng ăn châu Á nhưng không nhiều tiền như ở Anh. Nổi tiếng nhất ở London là nhà hàng Nam An. Kế đến là nhà hàng Viet Grill của 4 anh em chú cháu người Hải Phòng lập nên. Họ là Vinh, Toàn, Hiếu, Nghĩa. Hầu hết đều là những người có trình độ tiến sĩ hoặc thạc sĩ. Nhưng làm nhà hàng ăn thu nhập cao. Nhà hàng có độ 100 chỗ. Phải đặt trước qua Internet. Khách phần lớn là người Anh hoặc người nước ngoài. Người Việt ít khi đến đây, trừ các đoàn do người quen chỉ đến. Giá cả tất nhiên là khá cao. Món ăn thuần Việt, nấu theo khẩu vị người miền Bắc. Đủ các loại thực phẩm Việt Nam còn tươi sống. Hôm anh Phong chiêu đãi chúng tôi, có nhiều món cứ như là ở Việt Nam. Gỏi gà đúng điệu. Món giả cầy bằng giò heo ăn với bún. Món thịt heo kho tôm rất ngon. Cá bống trứng kho tiêu. Gần tàn tiệc có gỏi tôm chua giã rượu. Thêm vào đó là gỏi thịt nai khô... Uống rượu Johnnie Walker loại Blue Label chính hiệu rất ngon. Mọi người cười nói rôm rả. Ai cũng ngà ngà.
Nhà hàng ăn mang phong cách miền Nam là nhà hàng Sài Gòn - Sài Gòn, nằm ở một vị trí khá đẹp ở trung tâm London. Có bãi đậu xe gần đó. Nhà hàng cũng có độ mươi bàn, cách bài trí trang trọng kiểu Á Đông. Chủ nhà hàng là một doanh nhân làm ăn thành đạt, có một đại lý bán vé máy bay. Khách khá đông, phần lớn là người nước ngoài. Thức ăn nấu theo kiểu miền Nam, các món dường như đều cho chút đường, hơi ngòn ngọt. Các cô phục vụ là sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đến làm thêm.
Nhà hàng Saigon - Saigon ở London
Nhưng không phải tất cả người Việt đều thành đạt, một số vẫn phải làm chui vì không có giấy tờ. Ở đây gọi họ là “người rơm”. Phần lớn làm chui, tất nhiên là lương ít hơn. Có người trông con, có người đưa con cái đi học cho các ông chủ. Và “con sâu làm rầu nồi canh”, có một số ít người Việt trồng cỏ nhưng lại trồng cần sa, tài mà. Mấy loại cây này ở nước Anh xếp vào loại độc dược loại C và bị phát hiện là bị xử tù cao nhất là hai năm. Vì thế, vào tù họ không ngán. Ra tù lại trồng, nếu không bị bắt họ trở nên giàu có và thay đổi cuộc sống. Đây là điều khó giải quyết cho chính quyền hai nước. Chính phủ Việt Nam và chính phủ Anh đã có hiệp định hỗ trợ tư pháp mới ký hồi tháng 5-2008. Người Anh rất mừng, nhưng số người Việt làm chui lại lo ngay ngáy. Bị phát hiện, bị tù là buộc phải hồi hương. Thậm chí có một số người phạm tội giết người. Số này rất ít, nhưng tỉ lệ phạm tội tính theo cộng đồng người nước ngoài ở Anh lại là rất cao. Hiện có khoảng 400 người Việt đang thụ án tại các nhà tù của Anh.
*
* * Chúng tôi đi thăm Manchester, thành phố lớn thứ ba của nước Anh sau London và Birmingham. Từ London, chúng tôi đi Manchester bằng ô tô. Một người Việt Nam lái xe cho chúng tôi. Đó là Toàn, khoảng 25 tuổi, khỏe mạnh, hay cười và tỏ ra thân thiện. Bố mẹ Toàn người Đồng Nai, qua Anh từ vài chục năm nay. Lúc đó Toàn mới 6 tuổi. Tuy nhiên Toàn nói tiếng Việt rất sõi, mặc dù nghe vẫn còn chịu âm hưởng của tiếng Anh đôi chút. Toàn hiện nay làm quản lý cho một cửa hàng bán đồng hồ Thụy Sĩ ở sân bay Heathrow.
Nhà hàng Viet Griil
Đón và đưa chúng tôi đi thăm Manchester là anh H. Anh H. qua Anh năm 1979 cùng gần cả gia đình. Theo lời anh kể lại, lúc đầu đi học tiếng Anh khoảng một năm và quyết định đi làm để kiếm sống. Sau khi học xong, có một chút vốn tiếng Anh có thể sống được, anh mở nhà hàng ăn châu Á. Chỉ trong vòng hơn chục năm, từ 1982 đến 1994, H. mở được hơn chục nhà hàng ăn đủ các kiểu. Nhà hàng châu Á, nhà hàng thức ăn nhanh... Làm ăn có lãi, H. mua được 8 căn nhà để cho thuê. Nhưng vốn không có kinh nghiệm quản lý, H. tiêu xài thả giàn, không tính toán chặt chẽ và không đóng thuế đầy đủ. Thế là năm 1994, cơ quan thuế truy thu 3 triệu bảng Anh. H. chới với, xin bán hết cửa hàng và nhà cửa để trả nợ, chỉ để lại một căn để sống. Ở Anh, cơ quan thuế rất oách. Tuy nhiên, cách giải quyết của chính quyền Anh đối với việc nợ thuế là rất nhân văn. Nếu không đóng thuế đầy đủ đương nhiên là phải bị phạt, thậm chí phạt tù. Nhưng bao giờ họ cũng cho người ta một cửa để sống. Không bao giờ họ chặn hết con đường sống, để người ta làm và trả nợ cho nhà nước. Điều này rất đáng ngẫm nghĩ. Tuy nhiên, biện pháp kinh tế lại được vận dụng một cách triệt để trong thực thi pháp luật ở Anh. Vì vậy, H. có cơ hội làm lại từ đầu, lại sống khỏe nhờ tính cần cù và rút ra bài học xương máu vừa qua.
H. lái chiếc Honda Accor 4 chỗ màu đen. Tuy nhiên, anh cho biết trước đó anh đi một chiếc Range Rover 7 chỗ và mới bán đi vì tốn xăng quá. Một lít xăng 1,34 bảng, tính ra tiền Việt là khoảng 45 ngàn, gấp ba lần giá xăng ở Việt Nam. Nhiều người Anh đã phải đổi qua xe nhỏ đi lại để tiết kiệm. Thời buổi suy thoái kinh tế mà! Hôm trước có đọc một bản tin của BBC trên mạng thì chính phủ Anh đã thừa nhận kinh tế Anh bị trì trệ. Giá bất động sản giảm khoảng 25%. Nhiều người mua cổ phiếu bị thua thiệt. H. cho biết anh bị mất khoảng 100.000 bảng Anh vì Ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Tuy nhiên, hiện nay H. có mấy căn nhà ở Hà Nội. Có căn mặt phố Tôn Đản cho thuê mỗi năm 60 triệu. Có biệt thự ở khu mới tại thủ đô trong một khu vực do nước ngoài đầu tư. Có một căn nhà ở thành phố Nha Trang để khi về Việt Nam thì đi nghỉ, lại còn có cả đất ở thành phố Hồ Chí Minh. Chính sách cho Việt kiều sở hữu nhà ở Việt Nam dường như là để hợp thức hóa cho họ. Trên thực tế, có nhiều Việt kiều đã mua nhà đất ở Việt Nam thông qua thân nhân của họ. H. tính rằng, khi về hưu (hiện chẳng làm gì nhưng vẫn đóng bảo hiểm xã hội) để đến 65 tuổi là được nghỉ thì về hẳn Việt Nam sinh sống. H. nói anh đã đi hơn 50 nước trên thế giới, nhưng chẳng ở đâu sống thích như quê nhà. Lúc đó, con cái trưởng thành rồi thì tùy chúng nó. H. thừa nhận anh cũng có cái dở là không bắt các con anh học tiếng Việt. Cả năm đứa đều không nói được tiếng Việt. Anh giải thích với chúng tôi là lúc nhỏ, khi các con đến trường, đi học nói tiếng Anh theo tư duy của Việt ngữ nên cô giáo yêu cầu không dạy tiếng Việt.
Chúng tôi ra khỏi trung tâm thành phố Manchester để đến khu vực Trafford, nơi có đại bản doanh và sân vận động nổi tiếng thế giới: Câu lạc bộ bóng đá Manchester United và sân vận động “Nhà hát của những giấc mơ” Old Trafford. Sau đó, chúng tôi trở lại trung tâm thành phố Manchester, thăm China Town. Hầu như ở thành phố lớn nào ở nước Anh cũng có khu China Town. Ở đó là nơi sinh sống của người Trung Quốc, họ đi ra nước ngoài kiếm sống và làm kinh tế rất giỏi. Sự cố kết của cộng đồng người Hoa rất cao. Những nhà hàng, khách sạn mang tên Trung Quốc san sát. Chúng tôi vào một cửa hàng ăn. Một tô mỳ vịt tiềm giá 5,5 bảng Anh. Ăn cũng tạm được...
*
* * Quan hệ song phương Việt Nam - Anh có từ lâu và đang bước vào một giai đoạn mới tốt đẹp. Nhưng từ năm 2008, trong chuyến thăm Anh đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Anh đã cam kết thúc đẩy quan hệ giữa hai nước theo hướng “Quan hệ đối tác vì sự phát triển”. Trong tuyên bố chung của hai thủ tướng, Việt Nam và Anh cam kết tăng cường hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực như thương mại đầu tư, giáo dục đào tạo, chính trị ngoại giao, vấn đề di cư, chống tội phạm có tổ chức và buôn người trái phép...
Còn không ít chuyện để nói về nước Anh. Trong một chuyến đi khoảng mươi ngày, như kiểu cưỡi ngựa xem hoa, có đôi điều ghi lại như những kỷ niệm ở xứ sở sương mù.
|
|
|
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM
|
26-10-2012, 11:07 AM
|
|
Super Moderator
|
|
Những thông tin cơ bản và con số về Vương quốc Anh
ó một số những thông tin và con số hữu ích mà bạn có thể cần phải biết khi đến Vương quốc Anh Vương quốc Anh và các thủ đô
Liên hiệp Vương quốc Anh được hình thành bởi Đại công quốc Anh (Great Britain) – nước Anh, xứ Uên (Wales), Xcốt-len (Scotland) - và Bắc Ai-len (Northern Ireland). Thủ đô của những vùng này là:
Nước Anh: Luân Đôn (London)
Xcốt-len : Ê-đin-bớt (Edinburgh)
Xứ Uên : Ca-đíp-phờ (Cardiff)
Bắc Ai-len: Ben-phát (Belfast)
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về tất cả những nước thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh, bạn có thể truy cập vào trang thông tin Tham quan nước Anh.
Diện tích và Dân số
Tổng diện tích đất liền và vùng có nước bao phủ của Vương quốc Anh là 152. 033 dặm vuông (1 dặm = 1,6 ki-lô-mét). Dân số của Vương quốc Anh tính đến giữa năm 2006 là khoảng 60,6 triệu người, trong đó dân số nước Anh là 50.762. 900 người, xứ Uên là 2.965.000 người, Xcốt-len là 5.116.900 người, và Bắc Ai-len là 1.741.600 người. Để xem thêm chi tiết về dân số của Vương quốc Anh, bạn hãy truy cập theo đường dẫn Thống kê Quốc gia: Thông tin nhanh về Vương quốc Anh.
Chính phủ và Chế độ quân chủ
Vương quốc Anh là nước theo chế độ quân chủ lập hiến - trong đó Nữ hoàng Elizabeth II được công nhận là nguyên thủ quốc gia - và Thủ tướng được bầu, hiện nay là ông Gordon Brown, là người đứng đầu chính phủ. Nghị viện dân bầu có quyền xây dựng và ban hành luật .
Bạn có thể xem thêm chi tiết về chế độ quân chủ lập hiến tại trang thông tin Chế độ quân chủ Anh.
Con người, Ngôn ngữ, Tôn giáo
Đa phần dân số Vương quốc Anh là người Anh, người Xcốt-len, người xứ Uên và người Bắc Ái Nhĩ Lan. Tuy nhiên, Vương quốc Anh là một quốc gia đa sắc tộc, luôn tiếp nhận người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Nhìn chung, các nhóm dân tộc thiểu số chiếm 7,9% dân số của Vương quốc Anh. Bạn có thể xem tại đây thông tin thêm về các nhóm dân tộc thiểu số.
Hai ngôn ngữ chính của Anh là tiếng Anh và tiếng Uên, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất. Tiếng Xen-tơ cũng được sử dụng tại một số vùng của Xcốt-len.
Mặc dù phần lớn người dân theo đạo Thiên chúa, song những tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Hindu, đạo Do Thái , đạo Hồi, đạo Sikh cũng được tự do thực hành. Khoảng 23% người dân Anh không theo tôn giáo nào. Bạn có thể xem thêm tại đây thông tin về các tôn giáo khác.
Nền kinh tế
Vương quốc Anh là một cường quốc dẫn đầu về thương mại và tài chính. Thành phố Luân Đôn là một trong những thị trường tài chính hàng đầu thế giới.
Bạn có thể xem thêm thông tin về các công ty hàng đầu của Vương quốc Anh tại mục hướng dẫn về Số liệu Thống kê Quốc gia trong nền kinh tế Vương quốc Anh
Trang thông tin chính thức của Thành phố Luân Đôn có đầy đủ thông tin về hoạt động kinh doanh tại Luân Đôn
Tiền tệ, Trọng lượng và Đo lường
Đồng tiền của Anh là đồng Bảng (viết tắt là (£)). Bạn hãy truy cập vào trang thông tin Tham quan nước Anh, mục tiền và tiền tệ, để biết thông tin về số lượng tiền bạn được phép mang theo vào Vương quốc Anh, những cách tốt nhất để đổi tiền cũng như tỷ giá hối đoái tại thời điểm quy đổi .
Về mặt lịch sử, Anh luôn sử dụng hệ thống đo lường riêng của Vương quốc Anh, song Chính phủ cũng có quy định về việc sử dụng hệ thống đo lường phổ thông thế giới theo đơn vị mét .
Khoảng cách và tốc độ được tính theo đơn vị dặm và dặm trên giờ.
Ngày lễ, ngày nghỉ, múi giờ và thời tiết
Bạn hãy truy cập vào trang thông tin dưới đây để biết chi tiết về những ngày lễ, ngày nghỉ mà còn được gọi là ngày nghỉ ngân hàng (bank holidays) ở Vương quốc Anh; thời điểm trong năm khi thời gian theo giờ đồng hồ được tính chậm lại hoặc nhanh lên; và các ngày nghỉ học đường (school holidays).
Ngày lễ, ngày nghỉ và mùa hè ở Anh
Bạn có thể tìm thấy thông tin về thời tiết trên trang thông tin Tham quan nước Anh, trong đó bao gồm cả dự báo thời tiết cho năm ngày, nhiệt độ trong suốt cả năm, và loại quần áo mặc vào các mùa khác nhau trong năm.
Đồ điện gia dụng
Đồ điện gia dụng ở Anh thường sử dụng loại phích và ổ cắm điện hình vuông theo tiêu chuẩn 3 trạc. Điện áp là 240 vôn với dòng điện xoay chiều với tốc độ là 50 héc (HZ).
|
ADS
© Tuthienbao.com- TTB chúng tôi không cung cấp chức năng đăng ký thành viên để viết bài hay bình luận - Nếu có khiếu nại chung tôi sẽ xử lý
truyen tranh hay,
truyen tranh online,
ebook,ebook ngon tinh,
van hoc lop 5,van hoc lop 6,van hoc lop 7,van hoc lop 8,van hoc lop 9,van hoc lop 10,van hoc lop 11,van hoc lop 12,
|
| | |